"Bi kịch" họp phụ huynh
Trong mỗi năm học, các nhà trường thường tổ chức họp phụ huynh HS vào dịp đầu năm, sơ kết học kỳ và tổng kết năm học.
Thông qua cuộc họp này các bậc phụ huynh sẽ nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình, từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn khắc phục những điểm yếu với mục đích cuối cùng là con cái “nên người”.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều cuộc họp phụ huynh bây giờ chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, gây tâm lý chán, ngại đi họp…
Trăm sự nhờ… ai?
Nhận được giấy mời họp phụ huynh, tối hôm trước buổi họp, chị Hòa nhắc chồng để anh chủ động thời gian thì thấy anh phẩy tay, tỏ vẻ ung dung: - Thôi, khỏi phải mất thời gian chuyện họp hành, anh đã nhờ mẹ cu Tuấn “họp hộ” rồi. Nghe chồng nói vậy, chị Hoa ngạc nhiên lắm nên hỏi vặn lại. – Nhờ họp hộ là thế nào? Đầu năm học, có bao nhiêu vấn đề cần thiết mình phải đi nghe phổ biến để về còn biết mà theo sát con chứ… Mà không đi họp, cô giáo chủ nhiệm mới của thằng Trung lại “ấn tượng” không hay đâu… -Ôi dào! Em đừng có quan trọng hóa vấn đề họp phụ huynh đi. Anh còn lạ gì những cái cuộc họp phụ huynh đầu năm với tổng kết năm học bây giờ nữa.
Quanh đi thì nội dung họp cũng là để nhà trường giải thích những khoản đóng góp thôi. Năm nào chả thế. Sau khi phổ biến, có ai thắc mắc thì giáo viên giải thích là do trên quy định, do thực tế phát sinh và do đề xuất của hội phụ huynh. Cuối cùng là thông qua cả.…
Nhiều cuộc họp phụ huynh chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao (Ảnh minh họa)
Chẳng hiếm gì những phụ huynh như anh Thịnh chồng chị Hoa có cái nhìn tiêu cực như vậy về việc họp phụ huynh mà rất nhiều người sau vài lần dự họp về, điều họ nhớ nhất chỉ là những khoản tiền nào mình phải đóng góp cho con, năm nay nhiều hơn năm trước bao nhiêu? Mà không tìm thấy mục đích chính của cuộc họp là tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường nhằm thảo luận, góp ý kiến, tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh ở trường và ở nhà.
Thời gian dành cho mỗi cuộc họp phụ huynh thường “gói gọn” trong khoảng trên dưới 2 tiếng với diễn biến theo trình tự: Ổn định tổ chức, điểm danh, giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp học tập dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; phương hướng, chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Phần “thông báo” này của giáo viên chủ nhiệm thường mất khoảng 1 tiếng. Sau đó là công bố những khoản thu theo quy định chung của nhà trường cùng những khoản xã hội hóa, giáo viên còn phải mất thêm thời gian giải thích cho phụ huynh hiểu cặn kẽ về nội dung các khoản thu, đặc biệt là những khoản thu “tự nguyện” không nằm trong “phần cứng”.
Cuối mỗi buổi họp, giáo viên chủ nhiệm lại phải dành ra một khoảng thời gian nhất định để trực tiếp thu các khoản tiền mà phụ huynh nào muốn nộp ngay cho “được việc”.
Với chừng ấy nội dung công việc thì phần thời gian giáo viên chủ nhiệm dành trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp bị hạn chế là lẽ đương nhiên.
Để “cầu” thực sự “nối” người qua
Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, vai trò của Ban liên lạc phụ huynh cũng chưa thực sự phát huy hết tác dụng với tư cách là một tổ chức đại diện cho tất cả các phụ huynh có con em theo học trong lớp. Một số “đại diện phụ huynh” có máu mặt coi việc đóng góp chẳng đáng gì, họ còn sẵn lòng xung phong được vào ban phụ huynh để tranh thủ tình cảm với giáo viên chủ nhiệm, “tìm cơ hội” cho con em mình trong việc học hành, điểm số.
Thế nhưng với những mức độ “đóng góp tự nguyện” được đưa ra, nhiều gia đình nghèo méo mặt. Thế nên có người mới giật mình thon thót sợ con đưa giấy mời họp phụ huynh – như cái “trát” đòi tiền.
Hiện nay, tình trạng lạm thu ở một số nơi đang bị biến tướng và núp bóng dưới hình thức xã hội hóa và “tự nguyện” của phụ huynh học sinh và cuộc họp phụ huynh trở thành dịp để hợp thức hóa các khoản tiền “xã hội hóa”.
Trong quá trình giáo dục học sinh, nhân tố gia đình giữ một vai trò quan trọng. Do đó, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình thông qua các cuộc họp, tiếp xúc giữa phụ huynh học sinh với đại diện nhà trường, trực tiếp qua giáo viên chủ nhiệm lớp là điều cần thiết. Vì vậy, để những cuộc họp phụ huynh thực sự phát huy hiệu quả, các nhà trường và giáo viên cần cải tiến hình thức trình bày nội dung, tập trung vào việc thảo luận, bàn bạc các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh...
Thời đại công nghệ phát triển, hình thức sổ liên lạc điện tử trở thành công cụ hữu dụng, các nhà trường đang tích cực ứng dụng CNTT trong việc quản lý học sinh bằng các phần mềm tin học.
Song cho dù áp dụng cách liên lạc nào thì những cuộc họp phụ huynh vẫn là những dịp hiếm hoi để phụ huynh có thể trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, giao đãi tình cảm với giáo viên và môi trường học đường.