Bi hài những lời phê theo mẫu của giáo viên tiểu học

Để thực hiện Thông tư 30 của Bộ GDĐT, với điểm nhấn là không chấm điểm học sinh tiểu học, hàng ngàn giáo viên đã phải gồng mình với các loại sổ sách nhận xét học sinh cuối năm học. Đối phó với việc này, nhiều giáo viên đã phải tìm đến các... nhận xét mẫu. Rất nhanh chóng, một cuốn nhận xét mẫu dài tới 130 trang được các giáo viên chia sẻ cho nhau.

“Bí kíp” của giáo viên tiểu học

Cuốn “bí kíp” được rất nhiều giáo viên tiểu học chia sẻ trên Fanpage Chúng tôi là giáo viên có tên “Tuyển tập các mẫu nhận xét cho giáo viên tiểu học thực hiện theo Thông tư 30”, là kinh nghiệm nhận xét của rất nhiều giáo viên tiểu học sau 1 năm thực hiện không đánh giá học sinh bằng điểm.

Bi hài những lời phê theo mẫu của giáo viên tiểu học - 1

Giáo viên tranh thủ giờ nghỉ trưa để nhận xét theo Thông tư 30 (ảnh minh họa chụp tại trường tiểu học Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).  (Ảnh:  Thiên Lý)

Tài liệu gồm 130 trang được chia thành rất nhiều mục, trong đó có các mẫu nhận xét cụ thể cho học sinh như: Nhận xét ghi vào học bạ tiểu học, nhận xét hàng ngày, nhận xét theo đối tượng học sinh, nhận xét dùng để ghi vào sổ theo dõi chất lượng… gợi ý một số lời nhận xét đánh giá cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5; cách nhận xét các môn cụ thể: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, thể dục, mỹ thuật… Thậm chí, tài liệu còn có cả các mẫu nhận xét cuối kỳ theo lời khen đến gợi ý một số nội dung ghi vào học bạ…

Các lời nhận xét “mẫu” được các giáo viên gạch đầu dòng rất cụ thể như: Nhận xét theo đối tượng học sinh, nếu học sinh làm bài tốt, giáo viên có thể nhận xét theo 20 mẫu câu: “Bài làm tốt, đáng khen/thầy (cô) rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé/Cô rất thích bài văn của con vì có nhiều ý hay, nên chia sẻ với các bạn con nhé/con làm tốt, cô khen ngợi con/Bài làm tốt, cô khen con…”; đối với học sinh chưa hoàn thành bài làm, giáo viên có thể nhận xét theo 17 mẫu câu như: “Bài làm chưa đủ ý; em cố gắng hơn nhé!/Bài làm diễn đạt ý chưa trôi chảy, thiếu ý; em cố gắng hơn nhé!/ Trình bày bài ẩu; em cố gắng hơn nhé!/Bài làm quá sơ sài; em cố gắng hơn nhé!...”.

“Cực chẳng đã”…

Đó là tâm tư của hầu hết giáo viên khi phải tìm đến các “mẫu nhận xét” để có thể hoàn thành nhiệm vụ đánh giá học sinh của mình với khối lượng sổ sách khổng lồ của một năm học.

Cô Đ.T.H – giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh, Nghệ An chia sẻ: “Công việc quá nhiều, có những giáo viên chuyên biệt phải vác đến hơn 40 cuốn sổ sách chưa tính đến chuyện nhập nhận xét từ sổ lên web quản lý giáo dục. Công việc nhiều quá, có khi đến con mình còn chẳng biết được sở thích của nó là gì huống chi đi nhận xét mấy trăm học sinh”. Cũng theo cô H, việc phải tìm đến những mẫu nhận xét là bất đắc dĩ vì nhiều học sinh quá mà không thể nhận xét em nào cũng giống em nào được, nên nhiều khi… bí từ.

Một số giáo viên khác thì chia sẻ, thời điểm này “đau đầu” nhất là phải nhận xét khen thưởng, ghi học bạ. Cô Nguyễn Thị Phương – giáo viên một trường tiểu học tại Yên Khánh, Ninh Bình cho biết: “Mọi năm chỉ cần xếp loại học lực theo điểm, học sinh tiên tiến được giấy khen tiên tiến, học sinh giỏi được giấy khen giỏi. Năm nay, phải bình bầu trước lớp rồi giáo viên phải tự tay viết giấy khen cho học sinh theo năng lực từng em, nổi trội ở từng môn học… tìm được lời viết vào giấy khen cũng khá đau đầu. Không tham khảo “mẫu” cũng khó mà làm tốt được”.

Không đồng tình với việc giáo viên nhận xét theo… mẫu, dùng dấu để đóng vào vở học sinh, nhưng TS Nguyễn Việt Hùng – giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội, trợ lý Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark cũng cho rằng, việc thực hiện đánh giá bằng nhận xét chỉ có thể thực hiện tốt ở những mô hình trường, lớp có ít học sinh. Đối với nhiều trường tiểu học công lập ở nước ta sĩ số mỗi lớp tới 60 học sinh, giáo viên chắc chắn bị quá tải.

“Chấm điểm 50-60 bài có khi chỉ mất 50-60 phút thôi nhưng nhận xét thì khác. Mỗi giáo viên tiểu học hiện ngày dạy 8 tiếng, mỗi ngày có 1 tiếng 30 phút để ăn và nghỉ trưa, vậy nhận xét vào lúc nào? Giáo viên lại chưa quen với nhận xét. Vì vậy, để có những lời nhận xét cụ thể, đúng, sát với năng lực của từng học sinh, thỏa mãn việc phụ huynh qua đó hiểu được con mình đang ở mức nào thì giáo viên thực sự phải học để viết nhận xét. Nhiều giáo viên cũng đã tìm đến Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để học làm điều này” – ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, chủ trương hay, đúng nhưng quan trọng là việc thực hiện nó như thế nào, ngành giáo dục cần có biện pháp giảm tải cho giáo viên. Phụ huynh cũng cần thông cảm nhiều hơn cho áp lực của giáo viên trong việc thực hiện thông tư này.

 Về nhận xét học bạ, tài liệu nhận xét mẫu này nhấn mạnh: “Học bạ là tài sản theo suốt cuộc đời học sinh nên khi ghi chép giáo viên cần ghi những điều tốt đẹp, những nhận xét đánh giá nhẹ nhàng… Không để một lúc nào đó các em nhìn lại thấy tức giận người ghi nhận xét, không dùng những từ ngữ như: Yếu, còn yếu, còn chậm”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN