“Bi hài” cử nhân giấu bằng, xin làm công nhân: Phải biết... chửi nhau

Sau 2 ngày học định hướng, phóng viên NTNN cùng 2 lao động khác được Phòng Kiểm hàng của Công ty Giày Hong Fu (Khu Công nghiệp Hoàng Long, Thanh Hóa) lựa chọn vào vị trí kiểm hàng sản xuất. Tại đây, tôi được chứng kiến cảnh công nhân “giày xéo” công nhân, và càng là cử nhân thì lại càng bị… bắt nạt.

Thân phận bị “đè đầu cưỡi cổ”

Đưa tôi đến xưởng trong ngày làm việc đầu tiên là quản đốc, tổ trưởng tổ kiểm hàng (QC) và một nhân viên phòng tuyển dụng. Trông bộ dạng hồi hộp của tôi, Mai – nhân viên phòng tuyển dụng cười nói: “Em không việc gì phải lo. Không biết thì các chị chỉ cho, công việc đơn giản không ý mà”. Nói rồi cô này nháy mắt với chị quản đốc tên Hương (người Bình Định): “Người xinh thế này thì cho lên phòng QC khách hàng đi, cho xuống xưởng phí lắm”.

Xưởng C, nơi tôi làm việc được coi là bộ phận quái chiêu nhất trong 5 xưởng thuộc công ty này. Vừa đưa tôi đi, Mai vừa lẩm bẩm: “Làm ăn thế này thì còn tuyển lao động dài dài, bảo xếp người ta (tức PV) vào QC khách hàng không nghe, mai kia lại bỏ việc thôi”. Mặc Mai nói, tôi vờ như không biết, chỉ cười và đi theo.

“Bi hài” cử nhân giấu bằng, xin làm công nhân: Phải biết... chửi nhau - 1

Công nhân làm việc tại Công ty Giày Hong Fu (Thanh Hóa).

Ngay trong buổi đầu tiên tiếp xúc với nhà xưởng, tôi đã phải tăng ca để học bài. “Dù tăng ca thêm 1 tiếng để học, tức 5 giờ 30 mới về nhưng các em vẫn sẽ được công ty trả lương đầy đủ” – Phương - tổ trưởng tổ QC nói. Xong, Phương hướng dẫn tôi kiểm giày và bắt lỗi các đôi giày.

Mới chỉ được hướng dẫn sơ qua, tôi đã phải chính thức bắt tay vào công việc. Cái nóng 37 độ ngoài trời cộng thêm với mấy lò hấp giày khiến cho nhiệt độ trong xưởng cao lên gấp bội. Mùi keo, mùi vải nồng nặc. Hơn nữa, cả trăm chiếc máy may, máy ép cùng hoạt động khiến cho bầu không khí đã ngột ngạt, nay còn ầm ĩ hơn.

Vừa ngồi xuống ghế, cầm đôi giày trên tay chuẩn bị kiểm tôi đã thấy Tuân – quản đốc khét tiếng của xưởng C tới, vừa đi vừa hùng hổ, quát mắng. Thấy lạ, tôi giương mắt lên nhìn, một QC bên cạnh giật tay tôi cảnh báo: “Làm đi, nhìn gì, không cẩn thận nó lại chửi cho giờ”.

Ngay lúc đó, Tuân thấy có mấy thùng giày vứt dưới sàn liền chạy lại. Mắt anh ta trợn lên, miệng quát tháo, chân đạp tung mấy thùng giày, còn tay thì xé nát từng hộp giày thành mảnh vụn: “Mẹ chúng mày, làm ăn như thế này à. Biến...”.

Thấy tôi ngạc nhiên, một chị bên cạnh ghé tai thì thào: “Bọn quản đốc này phải lo tăng công suất, giày đạt chất lượng và xưởng gọn gàng nên có công nhân nào để đồ lung tung là nó chửi. Chửi thế này đã ăn thua gì. Có lần nó đánh người còn bị quay lại clip đấy, bộ phận nhân quyền có tố giác nhưng rồi cũng chẳng sao”.

Quan trọng là phải biết chửi nhau

Tuân chửi bới chưa dứt lời, thì ngay lập tức một cô gái tên Lan – Phó quản đốc xưởng C cũng lăm lăm đi tới dây chuyền giày tái chế. Lan còn khá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi nhưng chỉ sau 2 năm làm công nhân, chẳng cần bằng cấp gì đã lên tới chức phó quản đốc.

Ở xưởng C này, ngoài Tuân ra thì Lan cũng “cáo” không kém. Nhờ có mồm mép ghê gớm, cộng với tý nhan sắc mà Lan thoát nạn sau mấy lần đấu đá và bị phanh phui ăn chặn tiền tăng ca của công nhân. Nhìn thấy mấy công nhân làm không vừa ý, cô ta cất tiếng chửi rất tục tĩu: “Con kia, mày làm ăn như c… người ta thế à. QC chó gì mà kiểm hàng đ... được. Mày tưởng mày có học mà ngon à? Không làm được thì biến”.

Người bị chửi tên là Ngọc, cử nhân marketing của một trường ĐH dân lập ở Thanh Hóa. Ngay lập tức cô QC mang mác cử nhân cũng đáp lại bằng những lời lẽ thô tục không kém.

“Như bà kia (QC) học ĐH ra đấy vẫn vào đây làm công nhân. Bọn quản lý biết nên ghét lắm. Ở đây không quan trọng chuyện chị học đại học gì, giàu hay nghèo… quan trọng là phải biết chửi. Biết chửi nhau, đánh nhau thì sẽ lên được quản lý” - Hồng - một QC làm việc khá lâu năm ở đây nói.

Khi thấy tôi có vẻ không hiểu, Hồng bảo: “Ở đây đánh nhau, chửi nhau là chuyện thường ngày. Chửi nhau vẫn còn nhẹ lắm, lúc nó gầm lên như chó ấy mới đáng sợ. Làm chậm bị chửi, làm sai bị chửi, làm lỗi tái chế cũng bị chửi… nói chung chửi nhau là chuyện thường ngày”.

Công việc vất vả, có lúc tôi phải cầm trên tay những đôi giày kèm đế nặng 3kg. Cả ngày chỉ lặp đi lại một hành động giơ giày lên nhìn, đánh dấu vào phần giày lỗi rồi lại đặt xuống. Một ngày 8 tiếng làm chính thức, chúng tôi chỉ được nghỉ 1 tiếng để ăn trưa và không có thời gian nghỉ ngơi giữa giờ. Nếu muốn đi vệ sinh phải xin phép, ra ngoài quá 5 phút sẽ bị ghi phiếu báo lỗi để phạt.

Ngay trong ngày làm đầu tiên tôi đã nhận được lịch làm tăng ca. Thời gian làm việc từ 2 giờ chiều cho tới 9 giờ tối. Nhiều lao động không thể theo được lịch làm việc này đành phải nghỉ giữa chừng.

 Phóng viên được nhận vào làm ở bộ phận QC của Công ty Giày Hong Fu. Mức lương khởi điểm 2,1 triệu đồng, cộng với các khoản trợ cấp tăng ca, trợ cấp độc hại, trợ cấp tiền ăn, tiền xăng xe, nhà trọ, chuyên cần, trợ cấp BHXH trong 1 tháng đầu thử việc (chưa được đóng BHXH)… tổng cộng khoảng 3,7 triệu/tháng. 

Sống cùng tăng ca, làm kíp quanh năm

Tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), trong vai người đi xin việc, phóng viên NTNN xin ở nhờ phòng của một người bạn. Căn phòng được chừng 10m2, 1 giường nhưng có tới 4 người. Cả 4 đều là cử nhân, 2  trong số đó là cử nhân của ĐH Đà Lạt và Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.Sở dĩ căn phòng thì bé nhưng có tới 4 người ở là bởi các cử nhân này toàn phải làm ca, kíp. “Thông thường cứ 2 người đi làm thì lại có 2 người ở nhà. Mặc dù ở cùng phòng nhưng có khi cả năm mới có 1-2 buổi 4 đứa gặp nhau hoặc cùng có ở phòng 1 ngày”.

Giấu kỹ thân phận cử nhân

Như đã đề cập tại bài 1, dù đã “rà soát” kỹ nhưng có khá nhiều công nhân là cử nhân “lọt” qua được cửa Công ty Hoya (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) để vào làm việc. Tôi làm quen được với một cử nhân tên Lan, sinh năm 1991 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Mặc dù tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 2012) với tấm bằng khá nhưng tới nay cô vẫn chưa có việc làm.

Nhà nghèo, tiền xin việc không có nên cô quyết định nộp hồ sơ đi làm công nhân. Sau hơn 2 tháng lăn lộn qua nhiều khu công nghiệp, nộp hàng chục hồ sơ nhưng vẫn bị loại vì “mác” cử nhân, Lan đã trở nên cảnh giác hơn, tìm được chiêu đối phó và “được” vào làm công nhân ở Công ty Hoya.

Lan kể: “Trước đây em cũng từng bỏ cả bằng ĐH vào hồ sơ nộp với mong muốn họ sẽ đánh giá cao mình, nếu có công việc phù hợp thì luân chuyển mình nhưng thực tế không phải vậy”. Cũng chính bởi lẽ ấy, tùy từng hoàn cảnh, tùy từng công ty mà lao động cần phải có một bộ hồ sơ phù hợp.

Có khi bỏ bằng cấp III, có khi làm hồ sơ gốc, có khi chỉ cần bản photo, có khi lập lờ khai gian dối đã có chồng, có con… Nhưng tuyệt đối phải nhớ không được hé lộ mình là cử nhân ĐH. Cô tâm sự, ngoài việc giấu kín tấm bằng ĐH, bản thân các cử nhân muốn có cơ hội việc làm cũng cần phải kín miệng với lao động khác.

“Có cô bạn em làm ở Công ty Hoya ấy, vì ngồi làm nói chuyện với nhau là học ĐH mà bị cán bộ gọi lên “khuyến khích” các bạn ấy nghỉ việc đấy” - Lan nói.

 Cũng theo Lan, khi biết có cử nhân làm việc cùng “chuyền” với các công nhân là lao động phổ thông thì đa phần cử nhân bị… kỳ thị hơn. Lý do là... làm chậm, sức khỏe kém hơn và hay bộc lộ thái độ khi bị đối xử bất công.

“Mà bất công ở trong xưởng, trong chuyền thì nhiều lắm. Ai cũng bị bắt lỗi, bị trừ tiền vô lý, chịu sao thấu…”- Lan chua xót

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN