BHYT học sinh tăng đột biến, giáo viên giải thích "khô cả miệng"
Trước mức thu bảo hiểm y tế học sinh năm nay, không ít phụ huynh giật mình khi “bỗng nhiên” họ phải đóng gấp đôi năm trước.
Thông báo thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn của một trường THCS tại TP.HCM
Phụ huynh bức xúc
Trước ngày tựu trường, nhiều trường học đã thông báo yêu cầu học sinh phải đóng số tiền bảo hiểm y tế là 543.700 đồng. Nhiều phụ huynh học sinh cảm thấy “choáng” vì số tiền bảo hiểm y tế phải đóng tăng gần gấp đôi so với những năm trước.
Chị Nguyễn Thị Trúc (quận Tân Phú, TP.HCM) bức xúc: “Vừa vào năm học mới đã thấy con mang thông báo thu tiền về rồi. Tôi giật mình thấy số tiền thu bảo hiểm y tế rồi bảo hiểm tai nạn lên đến gần 600.000 đồng. Hai đứa con đi học là đã mất hơn 1 triệu đồng rồi, trong khi hai vợ chồng tôi chỉ là công nhân, lo sao xuể cho những khoản thu này?”
Chị Huỳnh Thị Thảo (huyện Nhà Bè) cũng không giấu được sự thắc mắc: “Tôi nhớ năm trước đóng tiền bảo hiểm cho con chỉ đâu đó khoảng 300.000 đồng thôi, sao năm nay lại tăng nhiều vậy? Đầu năm chúng tôi đã căng mình đóng rất nhiều khoản tiền trường cho con, nay phí bảo hiểm lại tăng thì khổ quá”.
Theo giải thích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm học trước với phí đóng là 3% mức lương cơ sở, khoản tiền mua bao hiểm y tế trong 12 tháng của mỗi học sinh, sinh viên là 289.800 đồng. Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung một số điều thì năm học 2015-2016 phí đóng bảo hiểm y tế là của nhóm đối tượng trên sẽ tăng lên 4,5% so với lương cơ sở. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% phí mua bảo hiểm, 70% còn lại phải tự chi trả nên mức đóng trong 12 tháng sẽ là 434.700 đồng.
Trước đây, thẻ bảo hiểm của học sinh, sinh viên được cấp vào đầu năm học (tháng 9 hàng năm) và cũng hết hạn vào thời gian trên. Để đồng bộ hóa thời gian được cấp bảo hiểm của học sinh, sinh viên theo các nhóm đối tượng khác trong năm nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ triển khai thu thêm 3 tháng bảo hiểm y tế đối với nhóm học sinh, sinh viên, thời hạn bảo hiểm ghi trên thẻ sẽ theo năm tài chính (từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm).
Như vậy, ngoài khoản tiền 434.700 đồng phải đóng cho 12 tháng, học sinh, sinh viên sẽ phải đóng thêm 3 tháng với số tiền 108.675 đồng, tổng của 15 tháng là 543.375 đồng. Lý giải cho việc tăng thêm, 1,5% phí mua bảo hiểm y tế so với lương cơ sở, đại diện Bộ Y tế cho rằng, học sinh sinh viên vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 80% và đồng chi trả 20% chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Nâng mức đóng bảo hiểm y tế là tiền đề cho việc tăng chất lượng khám, chữa bệnh.
Đến giáo viên cũng “than trời”
Cùng với việc tăng phí, học sinh, sinh viên sẽ nằm trong nhóm đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ký công văn về việc triển khai thực hiện công tác thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2015 - 2016. Theo đó, bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên là loại hình bắt buộc phải thu ngay từ đầu năm học. Thành phố giao chỉ tiêu cho từng trường học, cơ sở giáo dục đào tạo đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.
Chính vì chỉ tiêu 100% này mà không ít giáo viên “than trời” khi phải bất đắc dĩ trở thành các “đại lý thu tiền” cho bảo hiểm xã hội.
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, học sinh phải đóng tiền bảo hiểm còn cao hơn cả tiền học phí. Mức học phí của các trường công lập tại TP.HCM hiện nay chỉ ở mức 85.000 đồng – 200.000 đồng/tháng tùy từng cấp học và từng khu vực
Thêm vào đó, thực tế không phải phụ huynh nào cũng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho con khi đi khám chữa bệnh. Nhiều phụ huynh không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện quận, huyện, mua bảo hiểm y tế học sinh chẳng qua vì nhà trường bắt phải mua chứ hầu như không dùng đến vì thủ tục nhiêu khê, mất thời gian chờ đợi, chưa kể bị phân biệt đối xử.
Nhiều hiệu trưởng ở TPHCM cho biết, trường nào cũng đau đầu, mệt mỏi khi nghe phụ huynh chất vấn về khoản thu bảo hiểm y tế bắt buộc quá cao. Tuy nhiên, do quy định ràng buộc - xem đây là chỉ tiêu xét thi đua hàng năm, nên trường nào cũng bị áp lực phải vận động, thuyết phục phụ huynh, học sinh mua bảo hiểm y tế để đạt chỉ tiêu cao nhất. Và trách nhiệm bán bảo hiểm y tế để đạt ngưỡng 100% đang làm khổ giáo viên chủ nhiệm lẫn ban giám hiệu (!?).