Bêu riếu tội lỗi của trẻ trước đám đông, cha mẹ đang ngộ nhận về cách giáo dục con

Sự kiện: Dạy con

Sự việc bé gái bị ông ngoại, mẹ dùng dây cột chân, trói tay vào thùng xe bêu ngoài đường để răn đe thói ăn trộm đang thu hút dư luận xã hội. Bêu riếu tội lỗi của trẻ trước đám đông vẫn là cách mà nhiều người áp dụng để giáo dục con vì nghĩ con thay đổi nhưng hậu quả thì không thể lường trước được.

Bêu riếu con với đám đông mong con thay đổi?

Ngày 30/5, Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã vào cuộc, lập hồ sơ để xử lý vụ việc một cháu bé bị trói vào thùng xe tải. Theo đó, vào khoảng 17h ngày 29/5, cháu N.T.T. (12 tuổi, trú xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) bị ông ngoại, mẹ đẻ dùng dây thừng cột chân, trói tay vào thùng xe tải. Theo lời khai của người mẹ là do con gái hay trộm vặt nên chị cột chân, trói cháu bé vào đuôi xe tải của gia đình nhằm mục đích răn đe.

Hình ảnh bé gái bị trói tay vào xe tải bêu ngoài đường vì trộm tiền. Ảnh FB

Hình ảnh bé gái bị trói tay vào xe tải bêu ngoài đường vì trộm tiền. Ảnh FB

Việc mắng trẻ trước đông người, xử phạt bằng những hình thức xúc phạm và đưa con lên facebook để bêu riếu khi làm sai… được nhiều cha mẹ áp dụng để giáo dục con mong con thay đổi, không lặp lại sai phạm đấy nữa. Nhưng đằng sau cách giáo dục này đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra.

Trước đó, vì bị bố tung clip phạt lên mạng cô bé 13 tuổi ở Mỹ đã tự kết liễu đời mình. Clip ghi lại cảnh cô bé phạm lỗi đứng trong bếp nghe bố quở trách, bị cắt mất mái tóc dài. Nhiều bình luận, chia sẻ đã khiến cô bé thấy mình như bị sỉ nhục. Mặc dù mục đích của người bố đăng clip lên mạng tội lỗi của con để con biết lỗi, không tái phạm nữa nhưng không ngờ lại lấy đi mạng sống của con bằng cách giáo dục này.

Cha mẹ đang bạo hành con trẻ

Trao đổi với PV , ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, tất cả những hành vi đánh đập, bêu riếu, sỉ nhục trẻ, hoặc đưa hình ảnh trẻ lên Facebook, mạng xã hội hoặc sao nhãng, bỏ mặc trẻ đều là hành vi bạo hành trẻ em, các cháu bị đau đớn về thể xác và xấu hổ, nhục nhã về tinh thần. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bạo lực trẻ em, toàn xã hội phê phán và lên án những hành vi dùng roi vọt, đánh mắng, sỉ nhục trẻ là hành vi giáo dục trẻ. Đặc biệt, Luật trẻ em 2016 đã quy định rõ nghiêm cấm những hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em. Như vậy ngay cả chuyện cho rằng đây là hình phạt để con không tái phạm lỗi đã không những là sai trái mà còn vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.

Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.

Việc bêu riếu tội lỗi của trẻ trước đám đông ngược lại còn dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ. Trẻ có thể ám ảnh và gây tổn thương về tinh thần cho các em suốt cuộc đời. Thậm chí, hành vi này có thể khiến các em bị rối loạn về tinh thần.

"Tôi được biết rất nhiều em bé lúc nhỏ bị bạo lực, xâm hại sau này lớn lên nếu không được chăm sóc giáo dục cẩn thận, rất dễ bị vi phạm pháp luật, đánh đập, bạo lực, thậm chí nghiện hút, chém giết làm rối loạn xã hội. Đó là những hậu quả nghiêm trọng nhưng không thể đong đếm được" - ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Theo TS Vũ Thu Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội, bêu riếu tội lỗi của trẻ trước đám đông như bêu ngoài đường, đưa lên mạng xã hội là một hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ rất nặng nề. Điều này cũng là hành vi xâm hại về tinh thần trẻ, hệ quả rất nghiêm trọng.

Có nhiều phụ huynh mỗi lần con làm sai việc gì hay mắc lỗi là mang con ra trước ngõ đánh đòn để nhiều người nhìn thấy. Trẻ khi quen đòn, chúng lì hơn và chống đối. Một số trẻ thấy cha mẹ nổi giận chẳng cần lôi kéo như mọi lần đã chủ động ra đứng trước ngõ sẵn sàng chờ trận đòn đầy thách thức. Thậm chí có những trẻ bị bêu riếu nặng nề hoặc là oán trách, mắng mỏ đã giải quyết vấn đề một cách rất tiêu cực như tự tử hoặc bỏ nhà ra đi.

Các chuyên gia khuyên rằng, trẻ nhỏ cũng có sĩ diện và lòng tự trọng như người lớn. Khi chúng bị người thân xúc phạm trước mặt mọi người, đồng nghĩa cái tôi và lòng tự trọng đó bị tổn thương. Để tránh những hệ quả không mong muốn, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo hãy bình tĩnh lắng nghe con và phân tích điều phải trái cho con hiểu nhận ra lỗi lầm, hướng dẫn và khuyến khích con làm việc tốt để tránh mắc lại sai phạm... là những kỹ năng trong phương pháp Kỷ luật tích cực mà các nước văn minh áp dụng trong hệ thống giáo dục trong Nhà trường và Gia đình.

Khi thực hiện phạt con về điều gì cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng nguyên nhân con bị phạt và nếu còn tiếp tục phạm lỗi sẽ có hậu quả gì. Cha mẹ cần chỉ cho con biết rõ con đã vượt qua ranh giới.

Nếu việc vi phạm của con chỉ nằm trong giới hạn các quy định của gia đình hãy phạt thật nghiêm. Hình phạt không cần phải quá nghiêm khắc, đôi khi chỉ là tước đi niềm vui nào đó của trẻ sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi của chính mình. Có thể cho trẻ hưởng một chút đau khổ của nạn nhân, chẳng hạn nếu con ăn trộm thì cho biết cảm giác của người mất trộm thế nào sẽ tự hiểu ra kinh nghiệm cho bản thân. Điều tối kỵ là đưa tội lỗi của con lên facebook vì những lời bình luận của mọi người mà trẻ đọc được càng làm tâm hồn chúng tổn thương.

10 cách dạy con này khiến trẻ ngày càng thông minh và quấn quít bố mẹ

Muốn con mình thành công sau này, chắc chắn bố mẹ cần phải áp dụng việc giáo dục sớm một cách khoa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN