Bệnh thành tích đang 'nghiền nát' giáo dục

Sự kiện: Giáo dục

Năm 2006, Bộ GD&ĐT phát động phong trào hai không: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng đến giờ, có thể thấy bệnh thành tích đang nghiền nát giáo dục.

Bệnh thành tích đang 'nghiền nát' giáo dục - 1

231 cái tát của các bạn giành cho N giống như một cái tát vào bệnh thành tích của ngành giáo dục

Chị V.A có con học ở một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy. Chị cho biết, khoảng hơn một tháng trước, con chị không may làm mất thẻ học sinh ra vào trường. Trong lúc đợi làm thẻ mới, sáng nào cô giáo chủ nhiệm cũng yêu cầu con phải đến trường trước khi đội sao đỏ “canh cổng” để không bị trừ điểm thi đua của lớp. Thế là gần một tuần, con chị đến trường trong tình trạng “chui”. 

“Tôi không lý giải được tại sao việc mất thẻ học sinh, đã đăng ký làm lại mà vẫn liên quan đến thi đua của lớp. Có cần phải nghiêm trọng thế không?” – Chị V.A băn khoăn.

Chuyện xếp thi đua hàng tuần ở các trường từ tiểu học đến THPT đã thành “nếp” và tất cả học sinh đều phải “cuốn theo guồng” đó. Ai “đi chệch” sẽ bị hạ hạnh kiểm kèm theo đó lớp sẽ bị trừ thi đua.

Trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi ngày đến trường là một ngày vui… Bước qua mỗi cánh cổng trường, học sinh, phụ huynh đều đọc được những dòng chữ này. Thế nhưng tất cả mọi hoạt động trong trường học đều được đong đo, tính đếm bằng các chỉ số thi đua. Và học sinh, sinh là đối tượng phải chạy theo những chỉ số đó.

Mỗi năm, lớp có bao nhiêu học sinh giỏi, tỷ lệ phần trăm bao nhiêu… xếp thứ bao nhiêu trong toàn trường.

Mỗi tuần, lớp có bao nhiêu lượt học sinh đi muộn, bao nhiêu lượt học sinh chưa ngoan… để đầu tuần được “bêu tên” trước toàn trường.

Mỗi ngày đến trường, những chỉ tiêu thi đua đang “treo lở lửng” trên đầu mỗi học sinh. Những kế hoạch được giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh vạch ra ngay từ đầu năm học. 

Thi giáo viên dạy giỏi, để có giải, cả trường, cả tổ chuẩn bị, còn học sinh được “nhắc bài trước, được chỉ định trả lời dù cả lớp giơ tay”.

Mọi ngõ ngách trong giáo dục đều có ấn định chỉ số thi đua. Học sinh, đối tượng được phục vụ, lẽ ra đến trường để được vui, được học thì đến trường để thực hiện những chỉ số thi đua mà nhà trường áp đặt. Thế nên, dù không làm bài tập về nhà dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả không làm được), phụ huynh cũng đều nhận được thông báo nhắc nhở. 

Mỗi học sinh giống như một con robot trong mắt các thầy cô. Cô giáo yêu cầu tát bạn 10 cái, mỗi học sinh răm rắp nghe theo. 23 học sinh nghe theo cô “tặng bạn” 230 cái tát.

Thế mới có chuyện, đội sao đỏ của trường trở thành lực lượng có quyền lực trong trường khi là “tai mắt” của các cô để “bắt lỗi” các bạn.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm Cầu Giấy cho biết quan niệm của thầy là học sinh hạnh phúc khi đến trường. 

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm,Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, nhiệm vụ của giáo dục ngoài cung cấp kiến thức thì nhiệm vụ cao cả, quan trọng là giúp học sinh tự đứng được trên đôi chân của mình khi đủ 18 tuổi. Cha mẹ, giáo viên phải dạy học sinh biết phân biệt đúng-sai, phải trái và dám đấu tranh trước cái sai, cái ác. 

Tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt, quyền uy đã tồn tại quá lâu trong mỗi thầy cô, người làm quản lý giáo dục. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, không dám từ chối khi bị cô giáo phạt uống nước bẩn, hay bị phạt bằng những cái tát, chịu ngược đãi, bị xâm phạm thân thể… là điều đáng tiếc.

Vậy nên, trong lúc ngành giáo dục đang quan tâm bàn chuyện tìm triết lý cho giáo Việt Nam, thì nên bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất là phải tôn trọng học sinh và bỏ lối giáo dục quyền uy, áp đặt. Thầy cô trước hết hãy làm cho học sinh biết mình được tôn trọng, dám bày tỏ chính kiến trước những điều sai.

Thế nhưng những điều đơn giản như hai nhà giáo mong ước có lẽ còn rất xa với học sinh Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN