Bệnh sính điểm số bóp chết sáng tạo, cô trò đua nhau chạy theo văn mẫu
Học theo văn mẫu, sao chép câu từ vốn đã xuất hiện ở một bộ phận học sinh từ lâu, trở thành đề tài tranh luận của đông đảo giới học giả, thầy cô. Cuộc tranh luận này nóng trở lại gần đây, khi Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu năm học mới phải học thật thi thật, bỏ văn mẫu.
Cách dạy và học thụ động khiến nhiều học sinh sẵn sàng trả bài theo văn mẫu
Con cái thi xong, hỏi điểm và khoe khắp xóm
Soi chiếu về phía gia đình, việc đặt nặng điểm số, thành tích học tập lên con cái sẽ có cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Tích cực là khi đứa trẻ tiếp nhận sự kỳ vọng đó như một động lực để được bố mẹ tán thưởng. Tiêu cực là khi đứa trẻ nhận thấy bằng mọi giá nó phải lấy được điểm cao, đôi khi dẫn đến suy nghĩ chép bài bạn hay học thuộc văn mẫu để “ăn điểm”.
Bày tỏ quan điểm riêng về vấn đề này, thầy Lê Hồng Khánh (giáo viên dạy môn ngữ Văn cấp THPT) cho biết: “Khách quan thì đúng là từ phía gia đình, một số phụ huynh không quan tâm con học thế nào, nhất là ở vùng quê. Điều duy nhất có lẽ chỉ hỏi: Được mấy điểm? Con cái thi xong, hỏi điểm và khoe khắp xóm, khắp làng... đó chính là sức ép thứ nhất.
Mở rộng thêm, tôi nhận thấy hiệu quả trong công tác giảng dạy của các thầy cô ở nhà trường được đánh giá bằng kết quả thi của học trò. Sau mỗi bài thi, đáp án được công bố công khai. Học sinh nhìn vào đó... nó cũng thấy chẳng phải học nhiều. Phần đọc hiểu... chỉ cốt có bấy nhiêu từ là có điểm. Phần nghị luận xã hội cứ tán hươu tán vượn loanh quanh mấy chữ đưa ra trong đề, giải thích, phân tích, bình luận... tí ti là cũng có điểm.
Nghị luận văn học cũng thế, chỉ cần mấy ý này... là đạt điểm. Nhà trường cũng cần nhìn thấy kết quả thực tế, phụ huynh, học sinh thì càng cần như vậy. Cho nên, nếu không tâm huyết, nhiệt tình... thì thầy cô đúng là "không còn cách nào khác" phải dạy cho học sinh theo văn mẫu”.
Hãy trả lời khác câu “Học để thi!” cho câu hỏi “Học để làm gì?”
Văn học là Nhân học... không chỉ đơn thuần là một môn học, một ngành khoa học, nghệ thuật mà góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, tư tưởng thẩm mỹ của mỗi người. Nhưng nếu chỉ trả lời rằng “Học để thi!” thì những giá trị mà môn học đem lại có dễ được nhìn thấu và tiếp cận hay không?
“Và mục tiêu cao nhất, rốt ráo nhất của giáo dục là dạy làm người, trước khi muốn làm gì ... vậy nên, muốn thay đổi, muốn khắc phục hiện tượng này có lẽ cũng nên nhìn lại cách dạy và cách học môn Văn trong trường phổ thông.
Từ lớp 10, đề thi của học sinh đã gồm 2 phần, rồi các câu hỏi, cấu trúc... như thi tốt nghiệp với mức độ nhẹ hơn chút. Vậy nên, thầy cô "phải" dạy theo mẫu đó và học sinh cũng chỉ học theo mẫu đó. Dạy cách khác, nhiều học sinh không học.
Khi chấm thi ở lớp hay những đợt đi chấm vào 10, nhiều thầy cô nhận ra những bài viết mà học sinh học vẹt, học tủ... thậm chí thuộc lòng, chép y nguyên tài liệu.
Phân tích sâu hơn, thầy Lê Hồng Khánh cho rằng, mỗi người đều có ham muốn muốn hiểu biết, tò mò. Vậy nên, có lẽ muốn thỏa mãn nhu cầu đó của học sinh thì thầy cô sẽ phải cố gắng và không ngừng tìm hiểu, cập nhật thêm thông tin, hiểu biết và năng lực của mình. Khi những thông tin thầy cô mang đến trong giờ dạy không có gì khác, mới hơn những gì đã có trong sách tham khảo, trong các tài liệu thì học sinh không cần nghe, không cần học.
Việc đổi mới các phương pháp của ngành hiện nay cũng rất tốt nếu biết cách áp dụng linh hoạt và cần phải có sự nghiên cứu, kết hợp tốt hơn nữa trong cách tổ chức giờ học để tạo ra sức hút, hứng thú với học sinh.
Để học sinh thấy được giá trị của đời sống tinh thần, ý nghĩa của những giá trị văn hóa, đạo đức... một phần do môn Văn mang lại quả là điều không dễ dàng. Từ đó để trả lời khác câu "Học để thi!" cho câu hỏi không chỉ với môn Văn mà nhiều môn học khác "Học để làm gì?".
Có thể chấp nhận tham khảo
Khác với quan điểm của thầy Khánh, cô Phan Thị H. C. (giáo viên dạy môn ngữ Văn cấp THPT) bày tỏ: “Đôi khi, học sinh có thể chép một đoạn nguyên văn; hay trộn lẫn giữa văn mẫu và văn của mình. Thật ra, những học sinh này, giáo viên vẫn nhắc khéo nhưng không phạt. Mình có thể chấp nhận một số tham khảo, nếu như trên nền tảng đó, các em biết phát triển rộng ra, sâu hơn…
Ngày nay, khi môn Văn chưa có mặt nhiều trong các tổ hợp thi và xét ở các trường có độ “hot” cũng như đầu ra hứa hẹn về kinh tế cao thì việc tìm thấy học sinh “mê” Văn cũng là điều không dễ lắm.
Bởi vậy, là một giáo viên, tôi không đặt ra yêu cầu quá cao cho tất cả học sinh bởi khi dạy cấp THPT, tiếp xúc với đa số học sinh thì các em đã có ý tưởng về việc chọn khối và các em tiếp xúc với môn Văn sẽ có các cấp độ: Học để thi học sinh giỏi (số ít); Học để thi ĐH (lớp khối); Học để thi tốt nghiệp (lớp cơ bản); Học để hoàn thành chương trình (học sinh học khối không có môn Văn). Các đối tượng cơ bản này có thái độ học tập môn Văn khác nhau”.
Theo cô C., học sinh chép văn mẫu đa số là những em không tìm được hứng thú từ môn Văn, ngại tìm cảm hứng với tác phẩm và những vấn đề về đời sống mà lại muốn điểm cao hoặc có điểm an toàn.
“Văn mẫu bản chất không xấu, thậm chí cũng là tâm huyết của những người có uy tín. Nên, việc học sinh tham khảo văn mẫu để khai thác nguồn tư liệu cũng là chuyện bình thường. Không phải ai cũng có năng khiếu văn chương, năng lực sáng tạo, năng lực ngôn ngữ… nên việc học sinh bồi đắp vốn văn chương từ thầy cô, từ văn mẫu cũng là chuyện bình thường. Vấn đề là tham khảo mức độ nào?”, cô giáo C. bổ sung.
Thủ khoa Văn nói gì?
Nguyễn Thu Vân (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng), thủ khoa khối C của Hải Phòng trong kỳ thi năm nay với số điểm 28,5, ngữ Văn đạt 9,5 cho rằng: “Văn học cũng như các bộ môn khác cũng cần tư duy, có công thức và kiến thức chuẩn như khái niệm, phân loại về tình huống, chi tiết, tứ thơ...
Nhưng Văn khác các môn khác ở khả năng truyền tải cảm xúc và khơi gợi những sáng tạo, cảm nhận riêng. Nhưng mỗi người một ý thì đâu sẽ là tiêu chuẩn để học và đánh giá? Cho nên kiến thức các thầy cô dạy là một trong những cách hiểu đúng và có sự thống nhất cao, nhằm định hướng và tránh những cách hiểu sai lệch, không phù hợp.
Nói về cách học "lối mòn", Vân cho rằng do cách giảng dạy một chiều từ thầy cô và cách tiếp nhận thụ động từ học sinh khiến cho sáng tạo và cảm nhận mới mẻ chưa có không gian phát triển.
Nguyễn Thu Vân (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng), thủ khoa khối C của Hải Phòng
Em nghĩ các bạn hãy thử thay đổi tư duy và cách tiếp cận văn học. Nếu lúc nào cũng nghĩ phải học, văn khó hiểu, nhàm chán thì các bạn không thoát được định kiến về văn học. Để bản thân thoải mái một chút, tiếp nhận văn học trong tâm thế nhẹ nhàng hơn, thay vì đọc truyện tranh có thể đọc tác phẩm văn học ngoài nhà trường để giải trí chẳng hạn”.
Xem bài giảng, kiến thức thầy cô cung cấp như bản đồ chỉ đường
Nguyễn Đức Lam Thảo (cựu học sinh trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TPHCM, từng đạt 8,75 môn ngữ Văn) cho rằng, học theo văn mẫu là một giải pháp “mì ăn liền”, dùng văn mẫu sẽ càng lệ thuộc, càng mất đi khả năng nhìn nhận để trình bày, giải quyết các vấn đề. Văn mẫu chỉ nên được vận dụng như một dạng sách tham khảo để các bạn học hỏi cách viết văn, bổ sung thêm vốn từ còn thiếu, khắc phục những nhược điểm diễn đạt cũng như tư duy xử lý những vấn đề đề bài đặt ra để rút ra được những “quy luật chung” cho riêng mình.
Chia sẻ bí quyết học Văn thành công, Lam Thảo nói: “Em xem bài giảng, kiến thức thầy cô cung cấp như bản đồ chỉ đường để dựa vào đó và tìm hiểu thêm những kiến thức có liên quan bổ sung vào bài học. Ví dụ, khi học về một tác giả với tác phẩm tiêu biểu cụ thể, em sẽ nắm những đặc trưng về tác giả và tác phẩm chính đó nhưng cũng sẽ tìm hiểu thêm những tác phẩm khác của nhà văn này hoặc những nhà văn có cùng chí hướng hay thậm chí là những người trái ngược hoàn toàn để liên hệ, đối chiếu. Bên cạnh học về các thành tựu sáng tạo của nhà văn, em thích tìm hiểu thêm về cuộc đời, những câu chuyện bên lề vì những thông tin này khá thú vị, giúp việc hiểu về tác giả của em đơn giản nhưng cũng sâu sắc hơn.
Nguyễn Đức Lam Thảo (cựu học sinh trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TPHCM, từng đạt 8,75 môn ngữ Văn)
Em học Văn theo chương trình sách giáo khoa và tìm cách áp dụng vào cuộc sống, khi được cung cấp một kiến thức hay kỹ năng nào đó, em sẽ tự hỏi xem vì sao mình phải học những điều này, nó giúp ích gì cho mình.
Chẳng hạn, em học cách viết văn nghị luận xã hội và thay vì chỉ vận dụng khi làm bài thi, em sẽ dùng những kỹ năng được dạy để nêu lên quan điểm của em về một vấn đề nào đó trong đời sống hằng ngày, em bảo vệ lập trường của mình trong những cuộc tranh luận với bạn bè, với cộng đồng mạng một cách văn minh, thực tế. Vậy nên, em nghĩ chìa khoá để giải quyết vấn đề học văn theo lối mòn chính là người học phải làm rõ xem mục đích của những bài học mình được dạy là gì và tự tin vận dụng nó vào cuộc sống đúng cách, đúng chỗ.
Em nghĩ, các bạn học sinh nên tiếp cận môn Văn (và các môn học khác nữa) bằng một tâm thế cởi mở hơn, không nên giữ định kiến như “học cái này để đối phó, để qua môn” hay “kiến thức này đã lỗi thời, không cần thiết”.
Thay vào đó, các bạn nên dành sự chú trọng nhất định cho môn Văn để nhìn thấy những giá trị, thấy được tính hệ thống của môn học và chủ động liên hệ những kiến thức giáo khoa vào đời sống để thấy được sự thú vị của những bài học. Các bạn cũng nên trau dồi, tích luỹ kiến thức liên tục trong quá trình học thay vì đợi đến sát kỳ thi đánh giá mới học vội, học dồn, học theo công thức sẵn có để thi rồi bỏ qua luôn những giá trị cốt lõi của môn học”.
Mới đây, bài kiểm tra của một nam sinh trung học được đăng tải trên mạng xã hội và lập tức nhận được cả chục...
Nguồn: [Link nguồn]