Bé gái học lớp 1 cận 20 đi-ốp

Năm nay mới học lớp 1 nhưng Hoàng Yến Nhi bị cận đến 20 điốp. Nhiều lúc ngồi học, nước mắt chảy ròng ròng, nhưng Yến Nhi vẫn rất chăm học và viết chữ đẹp nhất lớp.

Sinh ra trong gia đình mà bố mẹ nên duyên vợ chồng tại nhà Tình thương, Hoàng Yến Nhi (7 tuổi) dường như cũng phải nối tiếp số phận hẩm hiu ấy. Năm nay mới học lớp 1, nhưng Yến Nhi đã phải đeo cặp kính có độ dày nhiều hơn cả tuổi cô bé.

Đắng lòng ba mẹ con đều hỏng mắt

Giữa cái nóng oi nồng, bức bối của đầu hè, tôi được cậu tình nguyện viên là sinh viên của Trường ĐH FPT đưa qua chặng đường gần 20 km đến với khu “xóm liều” ven sông. Vòng vào bên trong con đường gốm sứ ven sông Hồng là một cuộc sống của những con người nghèo khổ. Cuộc sống của người làng chài ven sông Hồng khác hẳn với cuộc sống hào hoa của người dân Thủ đô cách đó chỉ một con đê Yên Phụ.

Ở đó có những con người dù được sinh ra và lớn lên tại đất Thủ đô cả hai, ba thế hệ nhưng vẫn nghèo xác, nghèo xơ. Căn nhà của Yến Nhi vốn là của ông bà nội. Một căn nhà gác lửng khá rộng rãi, đơn giản bởi nó không đồ đạc gì ngoài chiếc xe đạp cũ, với một chiếc bàn cũ mục.

Bé gái học lớp 1 cận 20 đi-ốp - 1

Chiếc kính dày cộp của Yến Nhi

Chúng tôi đến khi Yến Nhi vừa đi tập văn nghệ về. Ám ảnh với tôi ngay từ đầu là đôi mắt của Yến Nhi. Đôi mắt ấy to, long lanh nhưng không sáng như những đôi mắt bình thường khác.

Bà Đỗ Thị Thơm (bà nội Yến Nhi) ngậm ngùi kể lại gia cảnh bất hạnh của gia đình: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Cơm không đủ ăn, nên đành gửi thằng con trai duy nhất vào nhà Tình thương để nó có cái ăn, cái mặc. Thế rồi nó lớn lên và lập gia đình với một cô trong nhà Tình thương đó. Âu cũng là duyên trời.

Tưởng là có gia đình cuộc sống của nó sẽ đỡ khốn khổ hơn nhưng ai ngờ vợ nó bị cận nặng, thoái hóa võng mạc gì đó, mổ mấy lần rồi mà có nhìn thấy gì đâu. Thế rồi vợ chồng nó sinh được hai đứa con thì đều bị thoái hóa giống mẹ nó. Gia đình đã nghèo lại càng quấn túng hơn”.

Bé gái học lớp 1 cận 20 đi-ốp - 2

Bà Thơm gần 70 tuổi phải lo cho cả gia đình ba người bệnh tật

Bà Thơm nghẹn ngào một lúc rồi lại tiếp: “Giờ mẹ của con Nhi đi bán báo, bố thì đi đánh giày chẳng có mấy khi về nhà. Nhà lại có bác gái nó phải chạy thận tuần 3 buổi đã hơn chục năm nay rồi”.

Vậy là nhà có 4 miệng ăn giờ chỉ còn trông cậy vào một bà cụ năm nay đã ngoài thất tuần. Bà Thơm nhận lau dọn nhà tuần ba buổi, những lúc rảnh thì bán vài cốc trà đá. Nhưng tuổi cao, sức yếu lại phải lo cho ba người bệnh, thành ra có khi cả tuần mới đi làm được một buổi. Tiền học, tiền thuốc thang của các cháu bà phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Vừa học nước mắt vừa rơi

Cậu anh cả Hoàng Anh Dũng năm nay học lớp 6 dù cận 11 điốp, nhưng gia đình không có tiền nên đành phải nhường cho cô em Yến Nhi chữa bệnh trước.

Yến Nhi ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh hay còn gọi là hỏng đáy mắt. Cô Hoàng Thanh Huyền (bác ruột Yến Nhi) nhớ lại: “Hồi Nhi nó 4 tuổi, tôi đi mua tờ bảng chữ cái về dạy nó thì nó bảo: Bác chỉ gì vậy sao con không thấy gì hả bác?”.

Từ khi đó đến giờ cứ khi nào có tiền là bà và bác lại cõng cháu đi chữa bệnh. Hết Bệnh viên Việt Xô lại sang Bệnh viện mắt Trung ương. Rồi lại nghe mách thầy nọ, thầy kia chữa giỏi là bà cháu lại bồng bế nhau đi chữa. Nhưng nhà nghèo có mấy người đau ốm nên bao nhiêu tiền cho đủ. Thành ra có khi đang chữa dở hết tiền lại đành ra về.

Bé gái học lớp 1 cận 20 đi-ốp - 3

Có khi ngồi học nước mắt Yến Nhi chảy ròng vì nhức mỏi. Cứ năm, mười phút Nhi lại lấy tay day mắt


Dù có những lúc mắt nhức mỏi không nhìn thấy gì nhưng Yến Nhi vẫn rất chăm học. Từ khi đi học chưa bao giờ Nhi chịu nghỉ học ở nhà nghỉ ngơi. Mỗi ngày đi học về, Nhi đều tự giác vào bàn học.

Bước vào lớp 1, Nhi đã được câu lạc bộ tình nguỵện SOB (một tổ chức phi chính phủ vì trẻ em) cử gia sư đến dạy kèm tuần 3 buổi. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà, gia sư của Yến Nhi cho biết: “Ngày đầu tiên, tôi đến dạy cho Nhi thật sự là vất vả. Nhi không được đi học mẫu giáo, mắt rất kém, đưa sát quyển sách vào mặt mà cũng khó nhìn. Thành ra để đuổi kịp các bạn khác trên lớp là một điều rất khó khăn".

Giở cuốn vở của Yến Nhi chắc không ai ngờ rằng cô bé cận 20 độ gần như không còn nhìn thấy gì lại có thể viết chữ đẹp đến vậy. Từng nét chữ của Yến Nhi rất đều, rất thẳng. “Con thích đi học lắm. Ở lớp vừa được chơi với các bạn, vừa được học chữ. Con hay được cô giáo khen viết chữ đẹp lắm đấy ạ” – Yến Nhi nhỏ nhẹ khoe thành tích của mình.

Bé gái học lớp 1 cận 20 đi-ốp - 4

Những dòng chữ thẳng tắp, ngay ngắn của cô bé viết chữ đẹp nhất lớp


Cô gia sư Ngọc Hà chia sẻ: “Đó là cả một sự nỗ lực phi thường của Nhi đó. Em không nhìn rõ đường kẻ vở, lúc đầu viết nguệch ngoạc lắm, tôi còn tưởng là em không thể theo học được nữa cơ”.

Quãng thời gian đầu vất vả là vậy, đôi khi nhức mỏi mắt đến nước mắt chảy ròng ròng nhưng Yến Nhi vẫn rất ham học. Không những đuổi kịp các bạn mà Nhi còn học giỏi trong Top đầu của lớp.

Không chỉ chăm học mà các hoạt động văn nghệ Yến Nhi cũng rất hăng say tham gia. Cứ mỗi chiều học xong, Nhi đều ở lại trường tập múa, tập hát. Niềm vui nơi trường lớp cũng phần nào giúp em quên đi nỗi đau bệnh tật và mặc cảm của bản thân.

Hiện nay, Nhi đang theo một đợt điều trị tuần ba buổi, với 700.000 đồng. Đây quả là số tiền không hề nhỏ trên vai bà Thơm. Cứ mỗi sáng, Nhi phải dạy sớm hơn những đứa trẻ khác cả tiếng để tập thể dục cho mắt, tập “nhìn xa trông rộng”, mát xa cho mắt.

Bác sĩ Hoàng Văn Tiến người điều trị cho Yến Nhi cho biết: “Mắt cháu bị cận quá nặng do bẩm sinh nên việc phục hồi rất khó khăn. Trường hợp mù lòa là điều khó tránh khỏi. Nếu kiên trì và làm theo đúng chỉ dẫn thì có mới có hi vọng cứu chữa phần nào”.

Yến Nhi thì không hề biết điều ấy. Cô bé chỉ biết có một điều rằng, mắt mình bị kém và vẫn đang đợi chờ, hy vọng vào những đợt điều trị sẽ giúp em nhìn thấy rõ hơn. Cả gia đình không một ai đủ can đảm để nói với Yến Nhi về sự thật, về những điều không may có thể xảy ra với đôi mắt của em. Sự thật tàn nhẫn ấy là một cơn ác mộng, và còn cay nghiệt hơn khi nó đổ xuống đầu những người dân nghèo khó. Câu nói ngây thơ của Yến Nhi khiến mọi người không khỏi chạnh lòng: “Sau này lớn lên con sẽ làm cô giáo. Con sẽ đi dạy học cho các bạn nghèo như các cô gia sư bây giờ. Con cũng thích múa nữa nhưng con sợ bị mù lắm”.

Ước mơ trong sáng ấy của Yến Nhi không biết có trở thành hiện thực được hay không khi nguồn ánh sáng yếu ớt có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Thảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN