Bày cách làm bài tiếng Anh thi vào lớp 10 đạt điểm cao
Thời điểm này, hầu hết các trường THCS ở khắp các tỉnh, thành phố đang tăng tốc ôn luyện các môn cho học sinh thi tuyển vào lớp 10 THPT. Tại Hà Nội, ngoại ngữ là một trong 3 bài thi bắt buộc để lấy điểm tuyển sinh.
Cô Đàm Thị Thuý, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lưu ý học sinh cách tăng tốc ôn tập và cách làm bài thi tránh bị mất điểm đáng tiếc.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay, môn ngoại ngữ thi vào chiều ngày 8/6, thời gian 60 phút. Hình thức thi trắc nghiệm và điểm tính hệ số 1, trong khi Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2.
Theo cô Thúy, từ nay đến kỳ thi còn khoảng 4 tuần, thời gian trôi rất nhanh, học sinh cần có phương pháp ôn thi hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp các con học sinh tự tin hơn khi bước vào kỳ thi:
Học cùng bạn hoặc theo nhóm
Học sinh cần nắm vững hệ thống kiến thức trong chương trình, SGK bao gồm: hệ thống từ vựng, ngữ pháp, phát âm, trọng âm, giao tiếp.
Cụ thể, về hệ thống từ vựng, các em lưu ý cần nắm vững từ vựng cơ bản theo chủ đề, chủ điểm như động từ chỉ hoạt động hàng ngày, những tính từ hay dùng, cấu tạo từ, những từ hay nhầm lẫn.
Ngữ pháp: Học sinh cần nắm vững các chủ đề ngữ pháp cơ bản như tenses (các thì của động từ), complex sentences (câu phức), prepositions (giới từ), passive voice (câu bị động), wish sentences (câu mong ước), reported speech (câu gián tiếp), conditional sentences (câu điều kiện), phrasal verbs (cụm động từ), relative clauses (mệnh đề quan hệ), comparisons (các dạng so sánh), used to, suggest, tag questions (câu hỏi đuôi), adjectives and adverbs (tính từ và trạng từ), S-V agreement (sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ)…
Phát âm: Học sinh ôn tập và nắm chắc các quy tắc phát âm cơ bản của nguyên âm, phụ âm, các âm câm, đuôi “-s, -es” và “-ed”.
Trọng âm: Chú ý đến các từ có 2, 3 hoặc 4 âm tiết và các hậu tố nhận trọng âm như: -eer, -ee, - ese…, các hậu tố làm trọng âm rơi vào trước âm đó như: -ic, -tion, -ity, -ive, - logy, -ial, - ible, -graphy, -ish, -ian…
Giao tiếp: Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng các em cần ghi nhớ được một số mẫu câu cơ bản như đưa ra hoặc đáp lại lời cảm ơn, xin lỗi, đề nghị, xin phép, lời khuyên, lời khen, lời đề xuất… để xác định rõ ngữ cảnh giao tiếp và chọn đáp án phù hợp.
Cô Đàm Thị Thuý, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Ngoài ra, các nội dung như kỹ năng đọc, kỹ năng viết cũng là khâu quan trọng để xác định được yêu cầu và làm đúng bài.
Đối với kỹ năng đọc, cô Thúy cho rằng, học sinh cần đọc đa dạng văn bản về các chủ đề trong chương trình, SGK để nắm vững khả năng đọc hiểu và phát triển từ vựng. Luyện tập nhiều dạng bài chọn từ điền vào chỗ trống và chọn câu trả lời đúng.
Kỹ năng viết: tập trung luyện tập các dạng bài nối câu, viết lại câu dùng từ gợi ý hoặc sắp xếp lại các từ xáo trộn thành câu hoàn chỉnh có vận dụng các cấu trúc, ngữ pháp trong chương trình, SGK.
Một nội dung nữa là các em phải bám chắc cấu trúc đề thi trắc nghiệm bao gồm các dạng bài tập: phát âm, trọng âm, chọn đáp án đúng, tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa, giao tiếp, tìm lỗi sai, đọc hiểu và viết lại câu.
Để ôn tập trong giai đoạn nước rút có hiệu quả, học sinh nên lập kế hoạch, xây dựng thời khóa biểu hợp lý cho từng phần. Ví dụ, ôn lí thuyết, làm bài tập cần có khoảng bao nhiêu thời gian. Theo kinh nghiệm cho thấy, các em nên chia theo giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1: Nắm vững kiến thức nền theo từng đơn vị bài học;
Giai đoạn 2: Hệ thống kiến thức theo chuyên đề;
Giai đoạn 3: Học sinh cần luyện đề thường xuyên theo mức độ tăng dần độ khó để tăng khả năng ghi nhớ, biết cách phân bổ thời gian hợp lí khi làm bài thi, cũng như tự rút ra kinh nghiệm, kỹ năng làm bài, phát hiện những lỗi sai mình hay mắc phải để khắc phục kịp thời.
Để đạt hiệu quả nhất, ngoài học một mình, học sinh có thể học cùng một bạn theo phương châm “đôi bạn cùng tiến” hoặc học theo nhóm nhỏ để dễ dàng trao đổi, thảo luận và chia sẻ kiến thức.
Làm đề từ dễ đến khó
Khi bước vào kỳ thi, học sinh cần đặc biệt lưu ý các quy tắc như: đọc kỹ đề thi; làm bài tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa trước; tiếp tục làm các bài, các câu còn lại theo thứ tự từ dễ đến khó.
Để tránh việc làm ẩu, làm sai dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc, học sinh cần phân tích đề kỹ lưỡng bằng cách tìm từ khóa và xác định kiến thức được kiểm tra trong câu hỏi đó để chọn 1 đáp án cho là đúng nhất đồng thời phân tích cả những đáp án còn lại xem sai ở đâu để khẳng định lại là chúng sai, tránh nhầm lẫn.
Với dạng đề như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, thí sinh chỉ chọn 1 đáp án đúng nhất cho mỗi câu hỏi và không bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào. |
Dựa vào các đáp án mình đã biết chắc chắn để chọn đáp án đúng hoặc loại trừ đáp án sai khi câu hỏi có từ mới lạ. Cần dành khoảng ít nhất 5 phút cuối để soát bài kỹ lưỡng trước khi nộp bài.
Ví dụ, đối với dạng bài viết lại câu dưới dạng trắc nghiệm, học sinh áp dụng các kỹ thuật chuyển đổi cấu trúc câu và sử dụng từ ngữ thay thế một cách chính xác
Dạng bài đọc hiểu điền từ vào chỗ trống: chú ý ngữ cảnh, ngữ pháp và cấu trúc câu, sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, từ loại cần dùng (ví dụ: đứng sau chủ ngữ thí sinh cần điền 1 động từ, sau danh từ thì cần điền 1 tính từ và ngược lại….). Chú ý về thời gian được đề cập trong câu để xác định thì cho chính xác, chú ý đến các cụm từ cố định như a lot of/ lot of, consist of…
Dạng bài đọc hiểu và chọn ý đúng, các em cần hiểu rõ cấu trúc của các loại câu hỏi đọc hiểu và áp dụng các kỹ thuật đọc hiểu như tìm thông tin chính, dựa vào từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa, tìm từ khóa, tìm gợi ý và suy luận ý. để rèn luyện khả năng suy luận và tìm kiếm thông tin trong văn bản. Cần lưu ý mục tiêu là giải quyết bài đọc hiểu, không phải đọc dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi trò chuyện bằng tiếng Anh, không phải lúc nào bạn cũng hiểu người đối diện nói gì. Có ba cách để ứng phó trong tình huống này.