Bắt học sinh chép phạt là trái qui định nhưng sao khó bỏ?

Sự kiện: Giáo dục

Bắt học sinh chép phạt là trái qui định nhưng sao khó bỏ?

Chép phạt không nằm trong quy định về kỷ luật học sinh

Theo Điều 42 của TT 12/2011/TT-BGDĐT và Điều 44/ Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ Trường Tiểu học, Trường THCS, phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học, trong các hình thức kỷ luật với học sinh không có hình thức phạt chép bài.

Cũng theo thông tư này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức như: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn (đối với học sinh THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp). Riêng đối với học sinh tiểu học, hình thức phạt tùy theo mức độ mà áp dụng các hình thức như nhắc nhở, phê bình và thông báo với gia đình.

Như vậy, cả 2 thông tư 41 và 12/TT-BGDĐT đều không nhắc tới hình thức phạt chép bài.

Vì lỡ quên sách khi đi học nên một nữ sinh đã bị thầy phạt chép 1.000 lần. Ảnh minh họa

Vì lỡ quên sách khi đi học nên một nữ sinh đã bị thầy phạt chép 1.000 lần. Ảnh minh họa

Theo ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tại Hải Phòng cho thấy, việc áp dụng hình thức chép phạt khi học sinh mắc lỗi trong học tập được hầu hết các giáo viên trong các trường áp dụng. Theo quan điểm của phần lớn các giáo viên, việc bắt học sinh chép phạt khi không làm bài tập, không ôn bài sẽ giúp các em thay đổi ý thức học và rèn luyện kỷ luật học tập cho các em.

Cô giáo Lê Thị L, 44 tuổi (Hải An, Hải Phòng) cho biết: "Việc học sinh bị chép phạt khi không làm bài được áp dụng từ rất lâu rồi vì hiệu quả trong giáo dục ý thức học cho các em. Những em khi mắc lỗi và nhận hình thức phạt này đều có sự thay đổi tích cực, ý thức học tốt hơn, tập trung và làm bài tập đầy đủ. 

Giờ nếu học sinh không phải chép phạt mà chỉ nhắc nhở, thông báo với gia đình hay ghi sổ học bạ thì liệu có kịp thời giáo dục ý thức học cho các em, chưa kể có những phụ huynh cũng chẳng đoái hoài gì việc học tập của con. Tôi nghĩ, phạt học sinh chép bài cũng không gây tổn hại nhiều tới sức khỏe, tinh thần, quan trọng mức độ phạt như thế nào để các em không cảm thấy quá áp lực và sợ hãi".

Cô giáo Hoàng Thị H.L, 47 tuổi (Lê Chân, Hải Phòng) dạy khối THCS tâm tư: "Nếu không phạt học trò chép bài thì e rằng các em sẽ không nhìn thấy tầm quan trọng của việc học tập. Kinh nghiệm đứng lớp nhiều năm của cá nhân tôi cho thấy, khi một thành viên trong lớp bị chép phạt, học sinh đó sẽ xấu hổ và buộc thay đổi ý thức học. 

Việc bắt học sinh chép bài hoàn toàn không nhằm mục đích làm nhục các em hay bạo hành mà vì muốn tốt cho các em. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, tôi luôn điều chỉnh hình thức phạt chứ không cứng nhắc chỉ có bắt chép bài".

Hướng tới hình phạt văn minh, giáo dục hơn

Khảo sát quanh một số trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng như THCS Lý Tự Trọng (quận Ngô Quyền), THCS Hoàng Diệu, THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) cho thấy, các trường đều không còn áp dụng hình phạt chép bài đối với học sinh.

Cô Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Diệu xác nhận: "Từ 7 năm trước, trường chúng tôi đã không áp dụng hình phạt chép bài đối với học sinh vì hình phạt đó không đạt được hiệu quả như mong muốn".

Chép phạt từng là nỗi ám ảnh đáng sợ của rất nhiều cô cậu học trò. Ảnh minh họa

Chép phạt từng là nỗi ám ảnh đáng sợ của rất nhiều cô cậu học trò. Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thị Bích Hồng, giáo viên trường THCS Hoàng Diệu cho biết: "Hiện nay, nhà trường đang khai thác tối đa tiện ích của sổ liên lạc điện tử. Thông qua đó, các phụ huynh cập nhật tình hình sức khỏe, học tập, sinh hoạt trên lớp của con em mình và nếu có gì "bất thường" sẽ kịp thời cùng nhà trường uốn nắn, điều chỉnh hành vi của các con". 

Theo cô Hồng, nếu một học sinh có hiện tượng sa sút về lực học, vi phạm nội quy như đi học muộn, không làm bài tập về nhà, nói chuyện riêng trong giờ học…, một mặt, giáo viên bộ môn gửi thông tin cho phụ huynh thông qua sổ liên lạc điện tử. Mặt khác, ở trên lớp, các thầy cô có những hình thức như hỏi nhỏ, tìm hiểu lý do, tâm tư của các em để biết nguyên nhân vì sao mắc khuyết điểm, từ đó, nhắc nhở, động viên các em không tái phạm".

Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) đã bỏ mọi hình phạt với học trò từ 10/2018 và được học sinh, phụ huynh khen ngợi. Ảnh: ĐH

Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) đã bỏ mọi hình phạt với học trò từ 10/2018 và được học sinh, phụ huynh khen ngợi. Ảnh: ĐH

Thầy giáo Phạm Anh Ph.- Trường THPT HH (Hải Phòng) nhận định: "Dưới góc độ quan điểm người dạy học, tôi nghĩ bất cứ hành động phạt của giáo viên đều có mục đích là giáo dục học sinh và tính khả thi của hình phạt. Chép phạt không phải là cách hay và làm học sinh thay đổi thái độ. 

Khi học sinh mắc lỗi, không chỉ một biện pháp có thể giáo dục, thay đổi được các em mà có thể cần nhiều biện pháp, nhiều lực lượng vào cuộc. Cũng còn tuỳ tâm lí, hoàn cảnh, năng lực... của từng học sinh mà giáo viên tiếp cận, đưa ra biện pháp phù hợp vì không trẻ nào giống trẻ nào. 

Một số trường bỏ hình phạt với học sinh (không phải chỉ mỗi bỏ chép phạt) cũng là quan điểm tích cực nhưng bỏ hẳn mọi hình phạt thì không nên. Chỉ có điều chọn hình phạt nào văn minh mang tính giáo dục hơn thôi".

Thầy Ph. nhấn mạnh: "Hình phạt nào cũng phải xuất phát từ sự "yêu thương" với học trò. Ví như cùng hành động véo tai học sinh, có trò cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm của cô dành cho mình nhưng cũng có trò lại đánh giá cô ghét mình. Đấy là vì trong hành động đó có chứa đựng và xuất phát từ yêu thương với học trò hay không?"

Em Đỗ Thị Hà Vân - một học sinh lớp 12 - tâm sự: "Những năm chưa áp dụng bỏ hình phạt, không chỉ các bạn mà chính em cũng cảm thấy sợ chép bài. Việc học bài trên lớp, học thêm ở ngoài trường, học ở nhà đã chiếm hết thời gian của chúng em, giờ nếu phải chép bài, chúng em sẽ phải thức rất khuya để làm hoặc không còn thời gian làm bài tập khác. 

Dù biết việc mình làm là sai nhưng vì cảm thấy bị áp đặt, chưa được nghe lời giải thích thỏa đáng của thầy cô nên các bạn tỏ ra cố chấp và việc chép phạt chỉ mang tính hình thức, đối phó".

Thầy giáo Tây phổ nhạc thơ Xuân Quỳnh cực phiêu khiến học sinh “bấn loạn”

Đoạn clip ghi lại cảnh một thầy giáo Tây siêu vui tính dùng đàn guitar rồi phổ nhạc cho bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Lý - Đinh Huyền ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN