"Bật đèn xanh" thi tuyển lớp 6
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép các trường tổ chức tuyển sinh lớp 6 bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT - ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014.
Nhiều tiêu cực khi xét tuyển
Theo quy định hiện hành, việc tuyển sinh THCS là theo phương thức xét tuyển. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh của các trường chất lượng cao vài năm qua, vì hồ sơ đăng ký lên tới hàng ngàn trong khi chỉ tiêu chỉ mấy trăm học sinh.
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Chu Văn An (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Đơn cử, năm học 2017-2018, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có chỉ tiêu tuyển sinh 200 em nhưng số hồ sơ nộp vào lên tới hơn 2.000. Trường THCS Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh 600 em, số hồ sơ nộp vào 4.000. Các trường THCS Cầu Giấy, THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, Nguyễn Siêu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự…
Không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6, dù là đánh giá năng lực hay kiểm tra chỉ số IQ, EQ..., tất cả các trường đều chỉ tổ chức xét tuyển qua học bạ và cộng điểm những cuộc thi do sở và Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Cũng chính từ đây, nhiều tiêu cực đã được phản ánh, như "chạy" học bạ đẹp toàn điểm 10 hoặc giải thưởng để được xét tuyển.
Vì thế, trong dự thảo lần này, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".
Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: "Việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn".
Thi tuyển để công bằng hơn
Dù còn đang lấy ý kiến nhưng dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra đã nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh cũng như hiệu trưởng các trường.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng việc cấm thi vào lớp 6 khiến các trường có lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông phải xem xét điểm cộng với những học sinh đoạt các giải thưởng. Tuy nhiên sức thuyết phục của các giải thưởng để được cộng điểm không cao lắm. Theo ông Khang, nếu cho phép thi tuyển và giao cho các trường xây dựng phương án thì trường sẽ nghiên cứu nghiêm túc để có phương án tuyển sinh tránh căng thẳng, hạn chế được việc học sinh tiểu học phải vất vả luyện thi.
Hiệu trưởng một trường THCS chất lượng cao đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn được tự tổ chức tuyển sinh đầu vào. Theo hiệu trưởng này, chất lượng học sinh xét tuyển 3 năm gần đây giảm hẳn so với các khóa trước đó.
"Nếu được phép tổ chức thi tuyển, các trường sẽ căn cứ mục tiêu, nhu cầu của mình để đưa ra các tiêu chí tuyển sinh phù hợp. Tôi thấy như vậy hợp lý hơn cho các trường, công bằng hơn cho thí sinh và phụ huynh. Nếu được tổ chức thi tuyển, nhà trường sẽ chọn cách tuyển sinh theo hướng học sinh làm một bài kiểm tra đánh giá năng lực toàn diện" - vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Một số ý kiến khác cho rằng lệnh "cấm" tổ chức thi tuyển lớp 6 của Bộ GD-ĐT tưởng rằng sẽ giúp cho việc học hành của học sinh bớt căng thẳng hơn nhưng thực tế không hẳn vậy. Học sinh có thể không căng thẳng nhưng phụ huynh thì lại bước vào cuộc đua "chạy" trường cho con. Ai cũng muốn con mình được học tập trong môi trường tốt và một khi lượng hồ sơ quá nhiều, trong lúc khả năng tiếp nhận của các trường có giới hạn thì phụ huynh sẽ phải "chạy".
Theo một chuyên gia giáo dục, Bộ GD-ĐT không nên ban hành những quy định mang tính chất chạy theo dư luận, kiểu như cấm thi rồi lại cho chủ động tuyển sinh. Bộ hãy giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường. Các trường phổ thông cũng như đại học cần được vận hành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nhiều thay đổi về tuyển thẳng Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, dự thảo nêu trên cũng quy định chặt chẽ hơn, cụ thể: "học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT". Như vậy, các trường chỉ được tuyển thẳng học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật; chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Dự thảo cũng bổ sung quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên: "Sở GD-ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10". |
Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng...