Bất cập điểm ưu tiên, Bộ GD&ĐT: Cần đánh giá tổng thể để điều chỉnh
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những bất cập trong điểm cộng ưu tiên cũng như tình trạng thí sinh đạt điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1 trong mùa tuyển sinh năm nay.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý.
Bà Phụng cho biết: Năm nay, vấn đề điểm ưu tiên được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, khái niệm điểm ưu tiên đang bị dư luận đánh đồng với khái niệm trúng tuyển. Đó là tỷ lệ phần trăm thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH có điểm ưu tiên. Bản chất của vấn đề không phải như vậy.
Tôi lấy ví dụ, trường ĐH A có 80% thí sinh trúng tuyển có điểm ưu tiên khác với khái niệm trường ĐH A có 80% thí sinh trúng tuyển nhờ vào điểm ưu tiên.
Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Bởi trong số 80% thí sinh trúng tuyển có điểm ưu tiên đó thì có những thí sinh vẫn trúng tuyển mà không cần sự “trợ giúp” của điểm ưu tiên. Vì thế, dư luận cần nhìn nhận vấn đề này thật công bằng để tránh đánh giá sai lệch một chính sách nhân văn mà bấy lâu nay chúng ta đang áp dụng.
Về mức điểm cộng khuyến khích ưu tiên khu vực và đối tượng tối đa lên đến 3,5 điểm, nhất là khi thí sinh muốn xét tuyển vào những ngành hot, trường hot đã bộc lộ những bất cập không nhỏ, bà Phụng nêu quan điểm :
“Thứ nhất, tôi khẳng định điểm ưu tiên không thể bỏ. Bởi chúng ta còn rất nhiều khu vực khó khăn. Nếu không cộng điểm ưu tiên, các em không có cơ hội học ĐH. Như thế, không thể nâng cao dân trí cũng như cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho những khu vực này”.
Tuy nhiên, bà Phụng cũng thừa nhận rằng, cộng điểm ưu tiên là một chính sách tốt, một chủ trương nhân văn nhưng không phải là bất biến. Nó có thể điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội phát triển ở từng khu vực qua thời gian. Vì thực tế, có những khu vực kinh tế xã hội trước kia có khó khăn nhưng giờ đã thu hẹp với những khu vực thuận lợi. Vì vậy, điểm ưu tiên có thể điều chỉnh được.
Vì vậy, để có những điều chỉnh phù hợp, theo bà Phụng, Bộ GD&ĐT sẽ phải dựa vào những con số tổng kết, đánh giá những tác động của chính sách này đối với tuyển sinh. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT phải phối hợp với các cơ quan hữu quan thì mới giải quyết được vấn đề này.
Cộng điểm ưu tiên: Cần hợp lý hơn
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận:
Năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm. Thí sinh có thể tham khảo để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng thích hợp. Các trường ĐH cũng đã tổ chức đợt tư vấn cho thí sinh để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh được tư vấn tốt, các em sẽ lựa chọn được những trường sát với năng lực của mình.
Một kênh tham khảo nữa là xem điểm chuẩn của các ngành năm 2015, 2016 để có định hướng. Nhưng tôi lấy làm tiếc, một số thí sinh đạt điểm cao nhưng đặt mình vào những nguyện vọng rất cao nên không đạt được mục tiêu trúng tuyển ở nguyện vọng 1.
Trách nhiệm này một phần thuộc về các trường ĐH khi không đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ phù hợp, sát với điểm chuẩn để định hướng cho thí sinh, khiến thí sinh ảo tưởng.
Nếu thí sinh “Ra trận” có đầy đủ thông tin thì chắc chắn sẽ thắng. Những năm trước, 29 điểm là thủ khoa nhưng năm nay điểm cao nên mức điểm đó vẫn có thể trượt nguyện vọng 1. Vì điểm thi cao cộng với điểm ưu tiên nên nhiều thí sinh sẽ “đội điểm” cao hơn. Tôi nghĩ, vẫn nên tiếp tục duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên nhưng điểm cộng như thế nào, ưu tiên như thế nào phải nghiên cứu kỹ, thống kê rõ, đưa ra mức phù hợp hơn, hợp lý hơn.
Có ý kiến cho rằng, do cách ra đề thi năm nay khiến số thí sinh đạt điểm 9-10 nhiều, nâng mặt bằng điểm chuẩn lên cao hơn. Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này? Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga: Trước đây khi thi tự luận mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất thì đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ một số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế nhiều thí sinh có thể làm được kéo theo số thí sinh điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận. Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9-10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5-6 điểm nên đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng kí vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn dĩ đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, vì vậy, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1. N.H |
Mặc dù có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng chỉ vì sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học,...