Bảo vệ trẻ trước dịch Zika: Những cách lạ của trường mầm non
Với hai trường hợp nhiễm Zika đầu tiên được xác nhận tại Việt Nam, đã chính thức trở thành mối đe dọa lớn sức khỏe của cộng đồng. Tại nhiều cơ sở mầm non trên địa bàn Hà Nội, nhà trường đã lên các phương án phòng tránh tối đa nguy cơ của dịch Zika cũng như một số bệnh lây nhiễm.
Nhiều phụ huynh có con nhỏ lo lắng trước dịch Zika. Ảnh: Cao Tuân
Phụ huynh “đứng ngồi không yên”
Zika hay còn gọi là “bệnh đầu nhỏ” do muỗi làm trung gian truyền bệnh, gây hậu quả cho thai nhi của người mắc bệnh với biểu hiện là đầu nhỏ bất thường, kém phát triển trí tuệ. Hiện nay, dịch bệnh này đang lan rộng và đã có hai trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại Việt Nam.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ít phụ huynh có con nhỏ bày tỏ tâm trạng lo lắng, “đứng ngồi không yên”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, có con 5 tuổi đang học tại Trường mầm non Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Tôi rất lo lắng trước dịch bệnh mới này, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi bởi đề kháng yếu. Mấy hôm trước, tôi nghe bảo phụ huynh chỉ được đưa con đến cầu thang và giao trẻ cho các cô nuôi chứ không cho đưa lên tận lớp để phòng chống dịch bệnh khiến mình càng bất an”.
“Nghe nhà trường phổ biến về cách phòng tránh dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… tôi biết rõ hơn cách phòng tránh bệnh cho con nhưng vẫn lo lắm. Tuần trước, tôi đã xin cô giáo cho cháu nghỉ 5 ngày về quê để qua thời điểm “nóng” của dịch bệnh. Giờ lại thêm loại virut Zika, mình như ngồi trên đống lửa. Nhà không có người trông con mà cho đến lớp sợ môi trường đông đúc cháu lại có nguy cơ bị lây bệnh”, chị Phạm Thị Yến, một phụ huynh khác bày tỏ.
Được biết, vừa qua tại Trường mầm non Phú Diễn có một trường hợp trẻ có dấu hiệu sốt, nổi nốt nghi bị thủy đậu. Ngay sau đó, nhà trường đã chuyển cháu tới Trung tâm y tế phường khám và điều trị.
Vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi
Cô giáo Văn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về những lo ngại của phụ huynh, bà Văn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Diễn chia sẻ: “Trường chúng tôi có 14 lớp với hơn 800 cháu nhỏ đang theo học, do vậy vấn đề phòng tránh các dịch bệnh luôn được quan tâm và đặc biệt chú trọng”.
Bà Đào cho hay, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể để quán triệt tới toàn thể cán bộ giáo viên trong trường. Trạm y tế phường cũng đã cung cấp một số trang thiết bị để giúp nhà trường thành lập một phòng y tế tại trường, có cán bộ y tế thường trực. Nếu có trường hợp nào cảm sốt sẽ chủ động cho các cháu thăm khám và điều trị kịp thời.
Cũng theo vị Hiệu trưởng này, việc một số phụ huynh tỏ ra bỡ ngỡ và thắc mắc về quy định yêu cầu phụ huynh giao trẻ cho cô giáo tại chân cầu thang, không đưa lên tận lớp cũng được giải thich rõ là để phòng chống dịch bệnh. “Theo quy định, mỗi ngày các cô giáo phải đến trước 30 phút để dọn dẹp vệ sinh lớp học và thay đồng phục của trường. Như vậy, khi phụ huynh giao trẻ đến trường thì sẽ yên tâm hơn”, bà Đào bày tỏ.
“Trước tình hình dịch sốt xuất huyết và Zika đang có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở Y tế đã có chỉ đạo tới các trường, chúng tôi luôn tổ chức truyền thông trên hệ thống loa phát thanh tại trường khi phụ huynh đưa trẻ đến lớp buổi sáng và lúc đón trẻ vào buổi chiều. Công tác khử trùng, khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin – B được thực hiện thường xuyên nhằm tạo thành thói quen. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường”, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Diễn cho biết thêm.
Bà Đinh Thị Hòa, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Để chủ động phòng tránh các dịch bệnh có khả năng lây lan cho trẻ, nhà trường đã tăng cường cử cán bộ phun thuốc muỗi, vệ sinh thoáng mát môi trường học. Trước đây, trường cũng ghi nhận một số trường hợp trẻ bị thủy đậu, sởi nhưng ngay sau đó chúng tôi đã liên hệ với phụ huynh cho trẻ khám và bôi thuốc theo chỉ định của bác sỹ cũng như cho cháu ở nhà để tránh lây lan bệnh”.
“Về dịch bệnh Zika, ngay sau khi nắm được thông tin, nhà trường đã phổ biến đến phụ huynh phát hiện sớm triệu chứng và phòng ngừa. Một số trường hợp có dấu hiệu sốt, mẩn ngứa thì ngay lập tức chúng tôi mời cán bộ y tế đến khám bệnh cho trẻ ngay. Ngoài giáo dục trẻ giữ vệ sinh, nhà trường còn phát tờ rơi do trạm y tế cấp đến tất cả phụ huynh để cùng nhau phòng chống bệnh cho trẻ”, bà Hòa chia sẻ.
Lãnh đạo Trường mầm non Hoa Hướng Dương (quận Ba Đình, Hà Nội) thì cho hay, cứ sau một tuần nhà trường lại tiến hành vệ sinh lại toàn bộ các đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng và dung dịch Cloramin – B. Công tác phun thuốc diệt muỗi cũng được thực hiện vào các buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần nhằm tiêu diệt và hạn chế tối đa sự xuất hiện của muỗi trong nhà trường. Tất cả nhằm đảm bảo rằng mọi mầm bệnh liên quan đến muỗi sẽ được đẩy lùi, tạo môi trường trong lành cho trẻ khi tới trường.
“Đơn cử như thói quen cho các con rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi hoạt động ngoài trời và sau khi đi vệ sinh có sự giám sát của giáo viên và cán bộ y tế. Luôn giữ vững công tác vệ sinh của khu vực bếp ăn, nơi chế biến đồ ăn cho cả cô và trò. Khi mọi thứ được phối hợp nhịp nhàng và có hệ thống giữa nhà trường, phụ huynh và cả trung tâm y tế nữa thì các cháu sẽ an toàn hơn trước nguy cơ dịch bệnh”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Phòng chống dịch Zika phải nhanh như “cảnh sát 141” Tại buổi giao ban thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa qua, TS. Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các đội phòng chống dịch ở Hà Nội phải được chuyên nghiệp hóa và phản ứng nhanh như lực lượng 141 của Công an thành phố. TS. Hạnh cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong thời gian vừa qua ổn định và trong tầm kiểm soát, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt các loại dịch bệnh nguy hiểm như MERS-CoV, cúm A/H7N9, bệnh do virus Zika đang có số ca mắc gia tăng tại các nước trên thế giới sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập vào Hà Nội trong thời gian tới. Đồng thời, dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng sẽ có nguy cơ bùng phát trên địa bàn thành phố. Bởi vậy, TS Hạnh nhấn mạnh, chỉ ngành y tế vào cuộc quyết liệt chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành Y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch chủ động. |