Bạo lực học đường - nặng hậu quả, nhẹ giải pháp: Ẩn họa thời 4.0

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện nhiều video clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến ẩu đả xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên mạng xã hội.

“Đại chiến” vì bình luận trên Facebook

Trung tuần tháng 2/2023, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn một phút về một nữ sinh trong tình trạng không mặc áo, bị một nhóm nữ sinh khác tát, đạp, nắm tóc giật. Nạn nhân là nữ sinh Trường THCS Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Em này không dám phản kháng, chỉ khóc xin khi bị tấn công. Có 6 nữ sinh cấp 2 của 3 trường học trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) liên quan vụ đánh nhau này. Trong đó có hai nữ sinh lớp 7 và một nữ sinh lớp 8, Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) tham gia trực tiếp đánh hoặc quay phim, chụp ảnh… Số còn lại là những em chứng kiến nhưng không tố giác.

Ông Hồ Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ đánh nhau chỉ vì một câu bình luận trên mạng xã hội Facebook của nữ sinh lớp 7 Trường THCS Tiến Thủy.

Hay mới đây, tại nhà gửi xe của Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), một nhóm 3 bạn nữ mặc áo đồng phục liên tục đánh đập, kéo tóc, đạp vào người một học sinh nữ khác. Đáng chú ý, nhóm này còn chửi bới, đe dọa giết nữ sinh. Thời điểm xảy ra sự việc, xung quanh có nhiều học sinh khác nhưng không ai dám vào can ngăn. Một lúc sau, những người xung quanh dọa quanh khu vực này camera an ninh và cô giáo đang đến can thiệp nên các thành viên của nhóm mới chịu dừng lại.

Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ với học trò về những vấn đề tuổi học đường

Giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ với học trò về những vấn đề tuổi học đường

Lãnh đạo nhà trường THPT Lê Viết Thuật cho biết, nhóm 3 nữ sinh đánh người là học sinh cũ của trường, có áo đồng phục nên giờ ra về đã lẻn vào trường rồi chặn đánh bạn học sinh của trường tại nhà gửi xe. Nguyên nhân là mâu thuẫn trong lúc mua bán hàng trên mạng nên thách thức nhau và đánh đập bạn.

Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cũng có tới 3 vụ đánh nhau, đều là học sinh lớp 10 của trường. Nói về nguyên nhân đánh bạn cùng khối vào tháng 9/2022, nữ sinh Đ.T.T.T (lớp 10, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho rằng, do bạn nói xấu mình trên Facebook. Cụ thể, khi người bạn này chia sẻ câu chuyện thầm kín của một người khác, dù không nêu đích danh nhưng T. cho rằng bạn đang nói tới câu chuyện của mình. Sau đó, T. có nhắn tin riêng yêu cầu bạn chấm dứt chuyện nói xấu trên. Tuy nhiên, người bạn lại đăng tiếp bài khác khiến cả hai xảy ra mâu thuẫn. Sau giờ tan học, cả hai hẹn nhau nói chuyện ở sân trường. Sau khi lời qua tiếng lại, hai bên lao vào đánh nhau. Sẵn mũ bảo hiểm cầm trên tay, T. đập vào người đối phương. Chứng kiến sự việc còn có 2 nữ sinh khác nhưng không có hành động can ngăn. Cả 4 nữ sinh này bị nhà trường mời lên làm việc cùng với đại diện gia đình. Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ việc, nhà trường quyết định kỉ luật 4 em bằng cách buộc thôi học 1 tuần.

Lí giải vì sao chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, nữ sinh T. cho hay, do cơn tức giận bị dồn nén đã lâu nên có hành động bộc phát, không kịp nghĩ đến hậu quả. Em T. cũng cho rằng chuyện của mình thì tự mình giải quyết, nên không tâm sự với gia đình hay thầy cô.

Những ngày giữa tháng 11/2022, thời điểm chuẩn bị đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì học sinh, giáo viên ở TPHCM nhận một cú sốc lớn khi trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ sinh của Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú, TPHCM) bị bạn nữ túm tóc, đấm đá vào đầu, bụng dù đã liên tục van xin mong được dừng tay.

Theo clip ghi lại, nạn nhân bị một nữ sinh khác truy vấn về việc có kể chuyện bị đánh với các bạn khác hay không. Nữ sinh kia khẳng định: “Em không kể với ai”. Lúc này xung quanh có một vài nữ sinh khác đứng xem. Sau một hồi truy vấn, bất ngờ nữ sinh (lớn tuổi hơn - PV) túm tóc kéo ngã nữ sinh mặc đồng phục xuống đất rồi liên tục dùng tay đánh vào đầu, dùng chân đạp vào bụng. Nạn nhân liên tục van xin: “Em xin lỗi, em lạy chị” nhưng vẫn bị đánh. Đáng nói, khi nữ sinh kia ngừng đánh để nói chuyện thì bên ngoài một nữ sinh khác lên tiếng xúi đánh tiếp. Trước lời xúi giục này, nữ sinh “đàn chị” trên tiếp tục túm đầu đánh tiếp cho đến khi có một nữ sinh khác đến can ngăn.

Theo ghi nhận của PV, từ đầu năm học 2022- 2023 đến nay, tại TPHCM xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường , trong những vụ bị tung lên mạng xã hội, đa phần cả nạn nhân lẫn những em thực hiện hành vi đánh đập bạn đều là nữ giới . Đáng chú ý, đã có trường hợp chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, hai nhóm nữ sinh Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) còn lôi kéo bạn bè, người thân hẹn nhau ra khu vực cổng sau trường học để nói chuyện rồi xảy ra ẩu đả, xô xát khiến hai người bị thương tích phải nhập viện điều trị.

Trao đổi với PV Tiền Phong thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thành Trang cho biết, nạn nhân bị đánh là học sinh lớp 7 của trường, còn nữ sinh đánh trước đây cũng là học sinh của trường nhưng nay lên cấp THPT và học trường khác. Trong clip cũng có một số học sinh khác đang là học sinh của trường. Theo bà Mai, nguyên nhân dẫn đến đánh nhau do các em xích mích trên mạng xã hội, nhà trường đã có biện pháp xử lí kỉ luật phù hợp. Tuy nhiên, bà Mai cũng đề nghị phụ huynh nên theo sát con mình, bởi các em đang trong độ tuổi phát triển, tâm sinh lí có nhiều thay đổi.

Thiếu kĩ năng ứng xử trên không gian mạng

Ông Hồ Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, chương trình dạy kĩ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh được nhà trường thường xuyên lồng ghép vào các tiết học, đặc biệt là qua các tiết chào cờ. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa cao, do đây chỉ là môn phụ, không phải trải qua kì thi nên không được các em chú trọng. “Môi trường không gian mạng ngoài những tiện ích cũng mang đến cho các em một môi trường bạo lực với hậu quả khôn lường. Nhiều em lập nhóm chửi bới, thách đố nhau trước khi đánh nhau. Thậm chí có em còn lên mạng học cách tự sát… Đa phần các em chưa được trang bị kiến thức, kĩ năng ứng xử trên mạng xã hội, đó là lỗ hổng cực kì nguy hiểm”, ông Tuấn nói.

Ông Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, trường lắp đặt camera tại nhiều khu vực như hành lang, trước cổng nhà trường và một số lớp học để thường xuyên theo dõi giám sát. “Thực tế các trường học đều có tổ tư vấn tâm lí học đường nhưng để học sinh chủ động tìm đến tổ tư vấn là rất khó. Thường các em sẽ tìm đến giáo viên chủ nhiệm trước tiên. Trong trường hợp sự việc khó giải quyết hoặc vượt tầm phải kịp thời báo cáo với ban giám hiệu nhà trường để cùng giải quyết. Quá trình ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng để cùng đồng hành với nhà trường nắm bắt tình hình và đưa ra cho các con những lời khuyên bổ ích”, ông Lương chia sẻ.

Bạo lực học đường, “cơn sóng ngầm” nguy hiểm

“Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” là một trong những chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhằm hướng đến một môi trường giáo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THU HIỀN - NGUYỄN DŨNG - HUỲNH THỦY ([Tên nguồn])
Bạo lực học đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN