Báo động nạn học sinh ''tự chế'' ngôn ngữ
Viết tắt, viết ký hiệu khi nhắn tin trên điện thoại di động đang trở thành trào lưu của giới trẻ, nhất là học sinh để đáp ứng nhu cầu truyền thông điệp nhanh, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn... Tuy nhiên, việc sử dụng quá đà ngôn ngữ “tự chế” này không chỉ gây phiền hà cho các bậc phụ huynh trong việc tương tác, kiểm tra mối quan hệ, giao tiếp của con cái, mà còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Cần định hướng, giáo dục cho học sinh không lạm dụng ngôn ngữ “tự chế”, góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh: Ngân Thùy
“Mật ngữ” kiểu mới
Nhìn cô con gái nhoay nhoáy nhắn tin trên điện thoại những hàng chữ ký tự loằng ngoằng, chị Nguyễn Thục Anh (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) thấy thật khó hiểu. "Từ ngữ trong đoạn chat (nhắn tin) bị cố tình viết thiếu, thay từ tùy tiện, dùng số thay chữ rất khó đọc, như: “Tui min di uog nc thui” (Tụi mình đi uống nước thôi); “M có dj choi 0” (Mày có đi chơi không); “T bùn ngu wa” (Tao buồn ngủ quá) ...", chị Nguyễn Thục Anh cho biết.
Tương tự, chị Vũ Bích Hồng (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) cũng “đau đầu” với ngôn ngữ chat trên điện thoại của cậu con trai đang học lớp 10. Vừa hiểu ra được một số từ như G9 (good night - chúc ngủ ngon), gato (ghen ăn tức ở), klq (không liên quan) thì chị lại thấy con dùng sang các ký tự @, =, :)), ((:... “Tôi sợ các con dùng ngôn ngữ không phù hợp dễ gây hiểu lầm, rồi lời qua tiếng lại không hay...”, chị Hồng bày tỏ.
Trái với lo lắng của cha mẹ, một số học sinh khá thích thú với ngôn ngữ chat kiểu mới. Đặng Khánh Ngọc, học sinh Trường Trung học cơ sở Huy Văn (quận Đống Đa), chia sẻ: "Lúc đầu em cũng không hiểu các bạn nhắn gì, toàn phải hỏi lại. Nhưng chat qua lại nhiều lần cũng quen với cách dùng từ ngắn gọn".
Còn Nguyễn Hữu Hoàng Duy, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) nói: “Chúng em thỉnh thoảng tự chế các ký hiệu chat để trêu nhau. Em thấy không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nhiều khi các bạn dùng từ quá đà, kiểu như chửi thề, thì em không thích. Còn việc một số bạn viết ngôn ngữ tự chế trong sách vở thì theo em là tùy tiện, không phù hợp”.
Với góc nhìn của một cô giáo, chị Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vân Tảo (huyện Thường Tín) cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ số đã hình thành nên những phương cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của học sinh. Tuy nhiên, nếu sử dụng tràn lan, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, cần được chấn chỉnh kịp thời.
Không nên để các em học sinh phát triển loại ngôn ngữ không chuẩn tiếng Việt, thiếu trong sáng trong môi trường giao tiếp chuẩn mực nơi trường học. Trong ảnh: Một tiết học ngữ văn của học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang
Cần sự định hướng từ gia đình, nhà trường
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, bên cạnh việc thay thế chữ cái tiếng Việt “bất tuân quy tắc” trong giao tiếp của giới trẻ thì việc trộn lẫn tiếng nước ngoài với tiếng Việt cũng khá phổ biến. Vì vậy, chỉ nên chấp nhận việc sử dụng ngôn ngữ “tự chế” của giới trẻ trong phạm vi nhóm hẹp, phục vụ nhu cầu giải trí. Không nên để các em phát triển loại ngôn ngữ không chuẩn tiếng Việt, thiếu trong sáng này trong môi trường giao tiếp chuẩn mực nơi trường học, gia đình và khu vực công cộng.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, việc học sinh sử dụng ngôn ngữ riêng thường xảy ra, nhất là khi các em giao tiếp riêng theo những nhóm nhỏ. Trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh là định hướng, giáo dục các em không quá lạm dụng, có ý thức sử dụng từ ngữ phù hợp.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, thực tế, việc giáo dục, định hướng học sinh về sử dụng ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, ứng xử được nhà trường triển khai qua các giờ học chính khóa ở tất cả các môn học. Trực tiếp như ở môn ngữ văn, học sinh được rèn cách sử dụng câu chữ, cách viết đúng chính tả, ngữ pháp... Trong sinh hoạt học đường, các hoạt động ngoại khóa, giáo viên đều quan tâm uốn nắn cách diễn đạt của học sinh. Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhà trường cần quan tâm giáo dục, hướng dẫn kỹ hơn cho học sinh về cách thức trao đổi, ứng xử trên môi trường mạng xã hội.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin, từ năm 2010, thành phố Hà Nội đã biên soạn và đưa vào giảng dạy đại trà ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh". Quá trình triển khai tại các nhà trường cho thấy, tài liệu đã có tác động tích cực, làm chuyển biến hành vi của học sinh, góp phần hình thành đạo đức, lối sống đẹp. Hiện tượng học sinh sử dụng những lời nói chưa đẹp trong nhà trường giảm đáng kể.
"Năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy bộ tài liệu nói trên. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các nhà trường tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của phong trào xây dựng “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương của nhà giáo trong việc thực hiện quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch ngay từ lời nói để học trò noi theo", ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Nhận bài kiểm tra với điểm số không mấy khả quan nhưng đám học trò lại cười "không nhặt được miệng" khi đọc...
Nguồn: [Link nguồn]