Báo động 'loạn' đào tạo Y dược

Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ khiếu nại về đào tạo, có nguyên nhân từ việc quá nhiều trường được cấp phép đào tạo đủ các ngành, trong đó có Y dược, nhưng lại không chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng dạy và học.

Một trong những trường để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, tai tiếng hơn cả, là trường trung cấp Y dược Hà Nam (YDHN). Được cấp phép mở phân hiệu II tại Đắk Lắk từ tháng 1/2013, văn phòng bé tí tựa lưng ngay vào tường rào của trường Đại học Tây Nguyên, ban đầu YDHN tự giới thiệu tuyển sinh 2 ngành Y sĩ, Điều dưỡng với quy mô tăng dần, từ 250 học viên (HV) năm 2012-2013, đến 1.200 học viên năm 2015-2016.

Báo động 'loạn' đào tạo Y dược - 1

Trường Đại học Buôn Ma Thuột mới mở đã chiêu sinh rất nhiều ngành, trong đó có bác sĩ đa khoa.

Tuy nhiên, dù thiếu thốn cả đội ngũ giáo viên lẫn phòng ốc, trang thiết bị, chỉ tới tháng 5/2014, YDHN đã có báo cáo lên Sở GD-ĐT Đắk Lắk là ngay trong năm 2012-2013 YDHN đã tuyển sinh và đào tạo tới 1.300 HV, và “ nhân tiện” đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh cho phép trường “được gửi đào tạo 60 chỉ tiêu đại học chính quy, gồm 50 bác sĩ đa khoa và 10 dược sĩ đại học”.

Đặc biệt dễ dãi với “ca lạ” này, lãnh đạo các cấp gồm Sở GD-ĐT Đắk Lắk, UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT đã lần lượt thực hiện các thủ tục liên quan, với kết quả sau cùng là bổ sung 15 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa cho trường Đại học Tây Nguyên, trong đó có 5 chỉ tiêu do YDHN giới thiệu. Chỉ trong vòng 6 ngày từ khi được tỉnh phân bổ 5 chỉ tiêu này, YDHN đã tuyển xong 5 sinh viên mà không cần lập hội đồng xét tuyển, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếp đó, UBND tỉnh lại đồng ý cho YDHN liên kết với trường trung cấp Tổng hợp Hà Thái đào tạo 300 học viên Sư phạm Mầm non, dù trên địa bàn tỉnh đã có trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk đầy đủ cơ sở đào tạo khang trang và bề dày thành tích hoạt động. Rốt cục, phi vụ “liên kết” giữa Hà Nam và Hà Thái đã không tuyển được HV nào.

Hơn thế nữa, ông Trịnh Văn Toàn quyền trưởng phân hiệu II của YDHN lại cùng ông Phan Gia Đức nhân viên thuộc quyền tự ý sửa hồ sơ, phết thêm điểm cho thí sinh Y Tem Niê không có tên trong danh sách trúng tuyển đầu vào nhưng vẫn được dự thi tốt nghiệp ngày 18/10/2014.

Tai tiếng lan ra, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã thu hồi và hủy bằng tốt nghiệp đã cấp cho học viên Y Tem Niê, khẳng định YDHN đã vi phạm quy chế đào tạo. Ông Toàn bị kỷ luật thôi chức từ tháng 12/2014, nhưng cho tới kỳ tuyển sinh 2015 YDHN vẫn lấy hình ảnh ông này kèm chức danh trưởng phân hiệu II để quảng cáo; còn ông Đức vẫn “cố đấm ăn xôi” gây thêm 1 vụ ra giá bán điểm bị học viên ghi âm tố cáo “muốn bằng khá phải 5 chai trở lên”, rồi mới bị buộc thôi việc.

Tháng 10/2015, anh trai của một học viên đang theo học ngành dược sĩ của phân hiệu II YDHN gửi đơn đến Sở, phản ánh chất lượng đào tạo của trường này quá kém, giảng viên thường xuyên không lên lớp, toàn bắt HV tự chép giáo án cho qua giờ.

Đã vậy, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk lại còn tiếp nhận 130 học viên trung cấp Y, Dược không có hồ sơ liên kết từ Gia Lai sang Đắk Lắk, thuê phòng trọ cho các em này ở tạm để được học, lý do vì phân hiệu Gia Lai của YDHN bị phát hiện chưa được tỉnh Gia Lai cấp phép hoạt động đã tự ý tuyển sinh chui, hứa hẹn sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ nhưng không thực hiện. Số phận long đong của 130 học viên này tới nay vẫn chưa tới hồi kết. Riêng trong năm 2015, phân hiệu II YDHN tại Đắk Lắk đã tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp và không có sự giám sát của Sở GD-ĐT và Sở Y tế. 

Còn tại Ninh Thuận, sau đợt kiểm tra tháng 3/2015 của Sở Y tế Ninh Thuận đối với phân hiệu của YDHN đặt tại tỉnh này, phát hiện đủ thứ sai phạm, Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã quyết định buộc YDHN tạm ngừng tuyển sinh từ năm 2015-2016.

Vừa trung cấp lên ĐH, tuyển sinh ngay… bác sĩ đa khoa!

Việc cấp phép mở ngành dễ dàng đối với nhiều trường trung cấp, đại học mới được thành lập, còn thiếu rất nhiều điều kiện để hoạt động, khiến các trường công lập có bề dày thành tích đào tạo từ lâu trên địa bàn trở nên khó tuyển sinh.

Vừa được “lên đời” từ một trường trung cấp hình thành chưa lâu, Đại học Buôn Ma Thuột đã được cấp phép tuyển sinh nhiều ngành khó, trong đó có cả bác sĩ đa khoa và đại học Dược. Nhiều bác sĩ, dược sĩ tâm huyết trên địa bàn tỉnh đã phản ánh với Tiền Phong là họ hết sức lo ngại trước hiện tượng này. Một dược sĩ thâm niên hơn 30 năm trong nghề chia sẻ : Đại học Buôn Ma Thuột vốn chỉ là một trường trung cấp non trẻ vừa “lên đời”, lập tức đã được tuyển sinh đào tạo đại học cả ngành bác sĩ đa khoa lẫn dược sĩ,  dư luận sao không khỏi nhức nhối?!

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) cho biết: Giai đoạn từ năm 2005-2009 ĐHTN có liên kết với trường đại học Y Dược TPHCM  đào tạo dược sĩ đại học được 5 khóa, tổng cộng chưa tới 100 dược sĩ được cấp bằng, để phục vụ nguồn lực cho địa phương.

Sau đó, trường thôi không liên kết kiểu này nữa vì thấy hiệu quả đào tạo không cao, chất lượng dạy và học không bảo đảm. Nguyên nhân chủ yếu vì ĐHTN chưa đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu cho khoa Dược, các thầy cô thỉnh giảng phải bay đi bay về liên tục mà học phí không tăng được, lịch dạy và học liên tục bị xáo trộn. Khi nào trường xây dựng xong đội ngũ giảng dạy và chuẩn bị chu tất thêm cơ sở vật chất, mới tiến tới việc đó.  

Giáo sư Hoàng Tử Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng, trưởng khoa Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Dược TPHCM mới đây đã chia sẻ nỗi buồn với PV Tiền Phong về việc ông được mời lên Tây Nguyên mở khoa Răng-Hàm-Mặt cho một trường đại học mới thành lập, với lời đề nghị: Thầy bận quá, nếu không tiện lên xuống thường xuyên, chỉ cần cho trường mượn tên cũng được ! Ông đau xót nhờ Tiền Phong đặt câu hỏi: Cho phép mở ngành Y, Dược tràn lan, lỏng lẻo theo kiểu này, thì tính mạng bệnh nhân sẽ ra sao?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thiên Nga ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN