Ban phụ huynh yêu cầu đóng góp, phụ huynh có quyền từ chối
Theo quy định, phụ huynh có quyền từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.
Đầu năm học 2019 - 2020, nhiều phụ huynh học sinh băn khoăn, thắc mắc trước các khoản tiền trường, đặc biệt là những khoản tiền dưới danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa. Các khoản thu này được Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp đứng ra thu để phục vụ các hoạt động của Ban đại diện, cũng như các khoản chi hỗ trợ cho mục đích dạy và học.
Trên thực tế, các khoản thu tự nguyện này được thực hiện khá phổ biến bởi trong khi điều kiện ngân sách đầu tư cho giáo dục tại nhiều nơi còn hạn chế, thiếu thốn về nhiều mặt, buộc trường, lớp kêu gọi hoạt động ủng hộ dưới danh nghĩa xã hội hóa. Thế nhưng, tại một số nhà trường cố tình "sáng kiến" ra nhiều khoản vô lý, có tính chất "bổ đầu" khiến phụ huynh bức xúc, phản đối.
Thông thường, phụ huynh vì nể nang, vì lo cho con mà "cắn răng" đóng góp mặc dù thấy vô lý, chưa mang tính chất tự nguyện. Đặc biệt, một số nơi thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức mua sắm nhiều thiết bị đắt tiền, hay xây dựng công trình chi phí lớn buộc phụ huynh phải đóng góp.
Theo quy định, phụ huynh có quyền từ chối đóng góp khoản không theo tự nguyện.
Theo quy định hiện nay, có rất nhiều khoản mà nhà trường, Ban phụ huynh không được phép thu, hoặc quỹ không được dùng cho một số nội dung mà Bộ GD&ĐT nêu rõ trong các quy định hiện hành.
Cụ thể, theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban phụ huynh) lớp.
Đối với khoản ủng hộ, Trưởng ban Ban phụ huynh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban phụ huynh thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của Ban phụ huynh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, quy định của Bộ GD&ĐT trong Điều lệ Cha mẹ học sinh có các quyền quy định tại Điều 95 của Luật Giáo dục; từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.
Ban phụ huynh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Các khoản ủng hộ để chi cho các công việc: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
Khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Thông tư của Bộ GD&ĐT còn quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Điều lệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động quản lý tiền trường đầu năm học, Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng "lạm thu"; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.
Khai giảng vào ngày 5/9 đã trở thành một suy nghĩ quen thuộc của mọi người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết hoặc...