Ban phụ huynh được kiểm tra bếp ăn trong trường học
Thời gian gần đây, nhiều trường học đã xảy ra các vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm, phụ huynh tố giác nhà trường cắt xén khẩu phần ăn của học sinh… Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường tăng cường phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban phụ huynh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp.
Phụ huynh bắt quả tang thực phẩm hỏng, thối được đưa vào Trường tiểu học Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để chế biến bữa ăn cho học sinh (ảnh cắt từ clip phụ huynh quay lại).
Suất ăn mất an toàn
Năm học mới bắt đầu hơn 2 tháng, song tại nhiều nơi đã phát hiện hàng loạt bếp ăn tập thể của trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ thực phẩm bẩn, không đảm bảo đến vấn đề vệ sinh bếp ăn khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho bữa ăn của con. Vừa qua, vụ việc thực phẩm cung cấp cho bữa trưa của học sinh tại Trường tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị chính phụ huynh học sinh tận mắt kiểm tra xe chở nguyên liệu gồm trứng, bí xanh, bí đỏ... dùng để nấu bữa trưa cho con em họ thối rữa, có dòi bọ bên trong.
Tại Hà Nội, bếp ăn của Trường mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xảy ra vụ việc 31 trẻ gửi ở trường này có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó 9 trẻ xác định bị rối loạn tiêu hóa. Trong số 9 trẻ trên, 4 trẻ phải nhập viện điều trị, 5 cháu còn lại được gia đình chăm sóc tại nhà. Còn tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) đã phát hiện khay đựng thức ăn bữa trưa của học sinh lớp 3 có dòi. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ phát hiện yếu tố khay thức ăn có dòi là do chưa được rửa kỹ.
Trước những vụ việc trên khiến phụ huynh lo lắng là có cơ sở. Phần lớn học sinh tiểu học đều học 2 buổi/ngày và ăn bán trú buổi trưa ở trường, buổi chiều là ăn nhẹ bánh hoặc sữa… Không thể đưa đón con về nhà ăn trưa, nên phần lớn phụ huynh đăng ký bán trú cho con. Tuy nhiên, phụ huynh khó lòng yên tâm khi để con ở lại trường những suất ăn nhà trường chưa đảm bảo tuyệt đối nguồn gốc xuất xứ.
Ban phụ huynh được kiểm tra bếp ăn
Có thể thấy, an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung và ATTP trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát ATTP triệt để. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, để có lợi nhuận các công ty hoặc bếp ăn nhà trường đã mua các loại thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đưa vào chế biến phục vụ học sinh.
Lý giải vì sao suất ăn học sinh hiện nay nghèo nàn và chưa đảm bảo ATTP, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ một cơ sở mầm non tư thục lớn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Suất ăn ở Hà Nội hiện nay chủ yếu từ 20.000đồng-35.000đồng/học sinh/ngày. Nếu tính cả chi phí trả lương nhân viên bếp, tiền điện, nước, gas và thực phẩm thì suất ăn khó đáp ứng được như phụ huynh hay so sánh với tự làm. Ngay cả giáo viên một số nơi ăn uống cũng chưa đảm bảo. Nếu cần, nhà trường có thể trao đổi với phụ huynh để nâng giá bữa ăn, chứ không nên cắt xén hoặc dùng thực phẩm kém chất lượng, như thế là vô tâm”.
Trước một số vụ việc xảy ra trên địa bàn đầu năm học tới nay, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn tới các Phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố về việc tăng cường công tác ATTP và quản lý bữa ăn học đường. Sở yêu cầu 100% các trường có bếp ăn tập thể thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường. Thực hiện nghiêm túc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú/cung ứng thực phẩm, rau an toàn, chú ý truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tổ chức tốt hoạt động của Ban chỉ đạo bán trú, phân công trách nhiệm rõ ràng.
Ngoài ra, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh và ban chỉ đạo trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn, có minh chứng cụ thể. Thực hiện tự kiểm tra, ghi biên bản, họp, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời công tác bán trú và bữa ăn học đường.
Nhiều người cho rằng bữa cơm chỉ có một miếng cá và ít rau muống không đủ dinh dưỡng và không tương xứng với số...