Bạn cũng có thể thành công nếu nghe lời chia sẻ của người thầy giáo đặc biệt này
Là người từng có bài diễn văn khai giảng gây xúc động bao người, mới đây, thầy giáo Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn tiếp tục gây chú ý khi chia sẻ về con đường thành công và thất bại của tuổi trẻ đã qua.
Giản dị, đầy tâm huyết là những cảm nhận của chúng tôi khi gặp thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). Những tâm tư giấu kín cùng những bước ngoặt cuộc đời của mình được thầy Quý mở lòng chia sẻ. Đối với thầy Quý để có được thành công như ngày hôm nay có lẽ sự thật bại chính là trải nghiệm quý giá nhất.
Lời chúc thành công
Mở đầu câu chuyện về con đường thành công của mình, thầy giáo Nguyễn Minh Quý chia sẻ: “Đại đa số chúng ta khi chúc mừng ai đó, đều nhắc đến lời chúc thành công. Tôi cũng vậy, mỗi lần chia tay học sinh ra trường, tôi đều chúc các em thành công trong cuộc sống.
Thành công là từ mà ai cũng muốn đón nhận, đón nhận trong thực tế và cả trong lời chúc. Tuy nhiên không phải lúc nào lời chúc thành công cũng mang lại những hiệu ứng tốt cho người đón nhận. Tôi nhận thấy nhiều khi lời chúc thành công cũng đã tạo áp lực với học trò, đặc biệt là các em có kết quả thi không tốt.
Khi gánh nặng lời chúc thành công vẫn treo lơ lửng trên đầu, sẽ có rất nhiều đứa trẻ sau các kỳ thi rơi vào trạng thái bi quan, suy sụp, chán nản và tự nhận mình là kẻ thất bại. Nhiều cha mẹ sẽ vẫn nhìn nhận con mình là đứa trẻ bỏ đi vì “chỉ có mỗi việc học thôi mà cũng không xong”.
Giờ đây, tôi chỉ muốn nói với các em đang rơi vào trạng thái đó rằng, các em không thất bại, thành công vẫn ở phía trước, chỉ là nó bị trì hoãn lại mà thôi. Bởi, chính thầy cũng là người đã từng bị trì hoãn thành công và phải đi một chặng đường dài để kiếm tìm nó.”
Thành công bị trì hoãn
Ai cũng có ước mơ, hoài bão riêng của mình. Khi còn là một cậu học trò, thầy Nguyễn Minh Quý cũng vậy. Thầy Quý sinh ra và lớn lên tại huyện Vĩnh Bảo - một huyện nghèo của thành phố Hải Phòng và có bố mẹ đều là giáo viên. Trong những năm đi học, thầy Quý luôn là một học sinh xuất sắc và biết phấn đấu vươn lên. Tuổi 18 với biết bao ước mơ, dự định bỗng nhiên dừng lại vì một tai nạn ngoài ý muốn.
“Những năm học tại trường THPT, tôi có một mơ ước trở thành một sĩ quan an ninh. Ước mơ đó đã không trở thành hiện thực. Lý do không phải là do tôi không đủ sức để thi vào trường đại học an ninh mà là vì khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, tôi bị một tai nạn. Một cậu bạn trong lúc đùa nghịch đã ném chổi vào mắt bên trái tôi.
Từ một cậu học sinh lành lặn, vui vẻ, đầy hoài bão, tôi suy sụp, sống trong lo âu và tuyệt vọng khi hàng ngày chứng kiến mắt trái của mình dần dần không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Tôi giữ kín và không cho bố mẹ tôi biết về điều này. Năm đó bố mẹ tôi, cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp không hiểu tại sao khi một cậu học trò học khá giỏi như tôi lại không thi đại học” - thầy Quý nhớ lại.
Sau khi vượt qua cú sốc một bên mắt của mình không nhìn được nữa, cậu học trò Nguyễn Minh Quý quyết định đi làm. Cậu làm đủ mọi việc, từ đào ao, cấy lúa, rồi bán cá, bán bóng bay, sửa xe… và có cả thời gian làm thợ quay chậu hoa chuyên nghiệp tự nuôi sống được bản thân mình.
Khi được hỏi, thầy có oán trách người bạn đã vô tình gây tai nạn cho mình hay không, thầy Quý cười và nói: “Hồi đó tôi rất oán hận bạn ấy. Nếu ngày ấy bạn không gây tai nạn cho tôi, có lẽ giờ đây tôi đã là 1 sĩ quan an ninh.
Nhưng giờ thì nỗi oán hận bạn không còn. Bởi tôi nhận ra chính tai nạn đó đã tôi luyện cho tôi, 1 chàng trai 18 tuổi, trở nên mạnh mẽ và tự lập. 3 năm trải nghiệm “trường đời” là 3 năm tôi học được rất nhiều điều mà sách vở không hề có.
Tôi trân trọng quãng thời gian ấy, nó giúp tôi hiểu rằng, trên đời này, không có vật cản nào lớn tới mức không thể vượt qua”.
Tấm bằng bị sửa
Tiếp tục chia sẻ về những sai lầm của tuổi trẻ và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân, thầy Quý nghẹn giọng tâm sự: “Sau 3 năm đi làm, năm 1994, tôi theo đuổi giấc mơ trở thành thầy giáo. Trường tôi chọn và thi đỗ là trường CĐSP Hải Phòng. Kết quả học tập của tôi rất tốt. Tôi là sinh viên xuất sắc, là lớp trưởng, từng là đội trưởng đội SV96… Tôi tham gia vào các phong trào của nhà trường và đạt nhiều giải cao.
Nhưng, sau 3 năm học, kết quả tôi nhận được là một con số không tròn trĩnh. Tôi bị treo bằng tốt nghiệp. Tấm bằng chứng nhận để được làm thầy của tôi đã bị sửa năm tốt nghiệp 1997 thành 1998. Đó là cái giá của việc không biết tự rèn luyện, không biết kiềm chế cảm xúc khi tham gia đánh lộn.
Tôi vẫn nhớ như in giây phút ngồi trong hội đồng kỷ luật, tôi nhớ những giọt nước mắt của mẹ tôi. Nếu không có những giọt nước mắt của mẹ khi đón tôi từ trường về và không có những trải nghiệm 3 năm trước, chắc chắn tôi sẽ bỏ nhà ra đi và không biết cuộc đời tôi giờ sẽ ra sao.
Những ngày tháng đó thật đen tối với tôi và gia đình khi nhận được không ít lời dèm pha của nhiều người. Nhưng cũng chính những ngày tháng đó đã giúp tôi nhìn nhận lại chính mình, tha thứ cho lỗi lầm của mình, để tiếp tục đeo đuổi con đường làm một thầy giáo”.
Sau thất bại hãy đứng lên
Với tính quyết đoán của 3 năm sống tự lập nên sau cú vấp ngã đáng nhớ của năm cuối trường CĐSP Hải Phòng, thầy Nguyễn Minh Quý không dừng lại mà tiếp tục đứng dậy, thực hiện ước mơ của bản thân. Đến hôm nay ước mơ đó đã trở thành hiện thực.
Thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn
“20 năm qua, tôi lần lượt công tác ở 6 trường khác nhau. 20 năm tôi chịu đựng áp lực, tập trung làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ với khát khao khẳng định mình. Năm 2013 tôi trở thành người đầu tiên trúng tuyển trong kỳ thi tuyển hiệu trưởng đầu tiên của thành phố Hải Phòng và trở thành Hiệu trưởng của trường THPT Trần Nguyên Hãn đến ngày nay.
20 năm đã qua, thành công lớn nhất của tôi không phải là địa vị, quyền lực hay tiền bạc mà là đã cùng với các thầy cô truyền được ngọn lửa khát khao cống hiến đến các em học sinh" - thầy Quý chia sẻ.
Dù rất đau đớn khi thành công bị trì hoãn nhưng đổi lại là những điều bổ ích, những trải nghiệm, vì thế mà đối với học sinh, thầy luôn thông cảm và thấu hiểu. Thầy Quý nói: "Trải nghiệm 3 năm trường đời sau khi học xong THPT giúp tôi với cương vị của người hiệu trưởng kiên định với con đường giáo dục mà nhà trường đang đi. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức thì thầy cô phải sự thật chú trọng đến việc rèn luyện giá trị sống, kĩ năng sống cho các em học sinh. Điều này đã góp phần làm nên nét riêng của trường Trần Nguyên Hãn.
Sai lầm thời sinh viên giúp tôi trở thành người thầy biết lắng nghe, biết thấu cảm, biết bao dung với những sai sót của học sinh mình. Tuổi 18, các em có quyền sai, có quyền sửa sai và có thể học từ những cái sai.
Nỗ lực làm việc, học tập khi ra trường giúp tôi trở thành người thầy biết tự học, biết giá trị của một con người không đơn thuần chỉ là bằng cấp mà ở quá trình vượt lên chính mình, tự học để mỗi ngày nhìn lại, thấy mình của hôm nay tốt hơn mình của ngày hôm qua”.
Trong cuộc đời mỗi con người, sự thất bại chính là tiền đề để dẫn tới thành công. Có những người vẫn tiếp tục tiến lên, nỗ lực hết mình để đạt được điều mình mong muốn nhưng cũng có người từ bỏ.
Có nhiều phụ huynh luôn bao bọc, che trở cho con mình mà không biết rằng chính điều đó khiến các em không có kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kĩ năng sống. Để rồi khi gặp thất bại dễ dàng nản lòng, không dám làm lại từ đầu.
Phụ huynh nên tập cho con trải nghiệm thất bại bởi, thành công không đến với những người đầu hàng thất bại mà chỉ đến với những người biết vượt qua nó.
Thầy Nguyễn Đức Quý luôn tâm niệm rằng: “Thực tiễn đã chứng minh một mũi tên chỉ bắn đi rất xa khi nó bị dây cung kéo ngược trở lại phía sau. Càng kéo căng, tốc độ của mũi tên càng lớn. Chúc mọi người trong đó có các em là 1 mũi tên trên đường đi đến đích với những thách thức kéo căng ta lại phía sau. Kéo càng căng mũi tên bay đến đích càng nhanh”.
“Dám nói câu chuyện của mình, phát biểu chính kiến là cách tốt nhất để học giỏi”, anh Đặng Minh Tuấn chia sẻ.