Bài toán lớp 3 siêu khó: “Không cứ giỏi toán mới là tài”

“Mỗi người có một sự khác biệt, xuất sắc theo các hướng khác nhau. Phải tôn trọng sự khác biệt đó”, Giáo sư Lâm Quang Thiệp bày tỏ quan điểm.

Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đang lan truyền bài toán lớp 3 được đánh giá là siêu khó do giáo viên một trường tiểu học ở Lâm Đồng giao cho học sinh ôn tập.

Sau khi “gây bão” trong nước, bài toán lan rộng ra phạm vi quốc tế. Trên tờ The Guardian (Anh) có bài viết với tiêu đề đầy thách thức: “Bạn có thể giải được bài toán dành cho một đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam?”. Bài báo dẫn, các bậc phụ huynh và giáo viên đau đầu, thậm chí nhiều tiến sĩ đã không giải được bài toán này. Đây chỉ là một bài toán số học thông thường, nhưng có tới… 9 ẩn số khác nhau.

Bài toán lớp 3 siêu khó: “Không cứ giỏi toán mới là tài” - 1
Bài toán ôn tập để thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang "gây bão" dư luận

 

Từ làm toán khó, học toán khó, nhiều ý kiến cho rằng, trong các nhà trường và quan niệm của xã hội hiện nay, học sinh phải giỏi toán mới là học giỏi.

“Phải tôn trọng sự khác biệt”

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, không thể nói một học sinh giỏi về âm nhạc không thông minh bằng học sinh giỏi toán.

Bởi theo khoa học, bộ não con người phân từng vùng phát triển khác nhau. Người phát triển bán cầu lão trái thường giỏi toán, người phát triển bán cầu não phải thường giỏi âm nhạc, hội họa.

Giáo sư so sánh những cầu thủ bóng đá giỏi hàng đầu thế giới hiện nay như Ronaldo và Messi chắc chắn không thể giỏi môn Toán bằng những giáo sư về Toán học. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận, họ là những người rất giỏi.

“Mỗi người có một sự khác biệt, xuất sắc theo các hướng khác nhau. Phải tôn trọng sự khác biệt đó, mọi sự phân biệt, kỳ thị đều sai”, Giáo sư Thiệp bày tỏ.

Về nguyên nhân môn Toán được xã hội chú trọng quan tâm, Phó giáo sư, tiến sĩ về Toán học Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lý giải: “Môn Toán không chỉ đơn thuần là công thức tính mà là học về tư duy nên được chú trọng. Người giỏi Toán học thường có tư duy tốt, tổ chức, sắp xếp công việc hiệu quả”.

Tuy vậy, khoảng 1/3 kiến thức Toán học hiện nay là vô bổ với học sinh  phổ thông. Cụ thể, các phép toán như đạo hàm, phương trình lượng giác, bất đẳng thức... chỉ đành cho những người vào đại học chuyên ngành toán. Học sinh chỉ học bậc phổ thông hoặc vào đại học luật, ngữ văn, báo chí... không cần kiến thức đó.

Phó giáo sư dẫn chứng bài toán lớp 3 tìm đến 9 ẩn số đang gây “bão mạng” vừa qua cũng vô bổ, vô ích, không kiểm tra được kỹ năng, không có tác dụng gì nên cần thay đổi lại chương trình và sách giáo khoa.

“Nên bớt đi 1/3 đến 1/2 những thứ vô bổ, để các em học những cái khác như trải nghiệm cuộc sống, kỹ năng sống, học làm người...”, Phó giáo sư cho hay.

Vì sao nhiều người thi khối A (Toán, Lý, Hóa)?

Những năm gần đây, tại các kỳ thi tuyển sinh đại học, hồ sơ đăng ký thi khối C (gồm Văn, Sử, Địa), ngày càng thấp, trong khi đó, thí sinh chủ yếu chọn thi các trường thuộc khối A (Toán, Lý, Hóa).

Nói về vấn đề này, Phó giáo sư Văn Như Cương giải thích, do thi đại học liên quan đến tiêu chí chọn nghề của thí sinh như dễ dàng xin việc khi học xong, việc làm ổn định, lương khá...  Trong khi đó, trong xã hội, các nghề thuộc về công nghệ thông tin, kỹ thuật... thường dễ có cơ hội việc làm hơn. Đó cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến chọn khối thi của học sinh.

“Do vậy, thí sinh đổ xô vào các ngành dễ kiếm việc làm cũng là chuyện bình thường. Nếu nhiều em đổ xô vào thi Sử, Địa, trong khi nhu cầu xã hội không cao thì cơ hội các em có việc làm càng khó”.

“Có nhiều em rất yêu môn lịch sử, nhưng e ngại cơ hội việc làm không nhiều bằng thi khối khác nên các em quyết định thi khối khác. Cũng như vậy, nhiều em rất yêu thích đá bóng nhưng lo ngại không tiến xa trong nghề nghiệp sau này nên các em quyết định khi khối khác thay vì thể thao”, Phó giáo sư Văn Như Cương bày tỏ.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho hay, nếu là thí sinh “chưa chắc tôi tín nhiệm thi khối C”. Lý do,  khối C gồm các môn khoa học xã hội thi theo kiểu tự luận, không phải trắc nghiệm. Đây là cách thi lạc hậu, chấm điểm bài thi rất chủ quan.

Cách chấm bài thi tự luận là phải làm đáp án tỷ mỷ, đếm ý tính điểm. Trong khi đó, không thể tìm được nhiều người giỏi để chấm được hàng triệu bài ngữ văn. Phải lấy tất cả giáo viên ra chấm, ngay cả những người không có trình độ cao. Những người này khó chấm chính xác, công bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN