Bài toán lớp 3 siêu khó gây bão mạng: “Không đáng làm”
Nhiều chuyên gia đều nhận định "bài toán lớp 3 đang gây bão dư luận" cực khó và không phù hợp.
Sau khi “gây bão” trong nước, bài toán số học dành cho học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở Lâm Đồng đã lan rộng ra báo chí quốc tế. Trên tờ The Guardian (Anh) có bài viết với tiêu đề đầy thách thức: “Bạn có thể giải được bài toán dành cho một đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam?”.
Bài báo dẫn, các bậc phụ huynh và giáo viên đau đầu, thậm chí nhiều tiến sĩ đã không giải được bài toán này. Đây chỉ là một bài toán số học thông thường, nhưng nó không hề “dễ như một cuộc đi dạo trong công viên” bởi nó có tới… 9 ẩn số khác nhau.
Bài toán ôn tập để thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang "gây bão" dư luận.
Nói về bài toán này, Phó Giáo sư, tiến sĩ về toán học Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - nhận xét, bài toán trên “không phải khó mà rất khó, cực kỳ khó, rối rắm”. Bởi với học sinh lớp 3, các phép tính cộng, trừ, nhân, chia còn chưa thạo, nữa là phải tìm đến rất nhiều ẩn số (9 ẩn số – PV). Học sinh lớp 3 chỉ phù hợp bài toán tìm 1 ẩn số, ví dụ như “mấy” cộng 3 để bằng 4.
Theo ông Cương, nước ta đang muốn thay đổi chương trình học sao cho nhẹ đi, do đó không cần thiết phải làm những bài toán “nặng” như vậy.
“Do bài toán khó như vậy nên có bài báo nước ngoài viết đến tiến sĩ của nước họ cũng “bó tay” là phải thôi. Tôi cũng xem qua, nếu cố gắng cũng có thể tìm được lời giải, nhưng không đáng làm vì chả có lợi ích gì cả, mất thì giờ”, Phó Giáo sư Cương cho biết.
Ông Cương cũng “không hiểu vì sao trường lại đưa ra bài toán như vậy?”. Ông nói: “Tôi không hiểu mục tiêu của họ hướng đến học sinh làm được bài đó thì như thế nào, mà không làm được thì như thế nào?”.
Phó Giáo sư Cương cũng cho rằng, không nên đưa bài toán khó như vậy cho học sinh lớp 3 ôn tập. Thay vào đó, chỉ nên giao bài cho học sinh lớp 3 một cách bình thường như trong sách giáo khoa, hay nâng cao hơn là những hình vẽ, hoặc không dùng con số mà thay bằng hình ảnh quả cam, quả quýt... gây hứng thú cho học sinh.
Thủ khoa khối A1 (toán, lý, Anh) Trường Đại học Ngoại thương năm 2014 - Phạm Việt Anh chia sẻ, bài toán là một phương trình có 9 ẩn, để giải được bài toán này phải thử rất nhiều các bộ số khác nhau. Do đó, bài toán này sẽ có nhiều đáp án.
Anh Việt Anh đánh giá, bài toán trên không phù hợp với học sinh lớp 3, đề bài như đánh đố học sinh. Để giải được bài toán này, cần học sinh phải có tốc độ tư duy vượt trội so với lứa tuổi.
Ông Lê Bá Trần Phương, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, bài toán này không phù hợp về mặt tư duy đối với học sinh lớp 3. Mặc dù, học sinh chỉ cần mò mẫm đưa ra một đáp án là được, nhưng việc mò mẫm dự đoán ở đây không phải là mò mẫm với 1-2 con số mà rất nhiều con số, cụ thể là 9 con số. Hơn nữa, việc mò mẫm không hề xuất phát từ một dấu hiệu hoặc một cơ sở khoa học nào, mà chỉ là mò mẫm ra các con số. Do đó, bài toán này không phù hợp với học sinh lớp 3.
Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gọi “đây là bài toán hại não”, ngay cả ông - người chuyên giảng dạy - cũng không thể đưa ra một phương pháp tối ưu nào cho bài toán. Một bài toán có vô vàn đáp án.
Từ đó, ông Phương nhấn mạnh, nếu ra đề thi, đề kiểm tra như bài toán trên sẽ không có tác dụng trong giáo dục, phản khoa học trong giáo dục.
Theo Dương Tùng-Công Phương ([Tên nguồn])