Bài thi tốt nghiệp THPT được chấm như thế nào?
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, các địa phương bắt đầu chấm thi, muộn nhất ngày 24/7 phải hoàn thành để công bố điểm 2 ngày sau đó.
Cán bộ coi thi bốc thăm số phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Vĩnh Phúc
Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án môn Ngữ văn. Khác với bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy, đây là môn duy nhất chấm tự luận, giáo viên chấm bằng tay, do đó hằng năm thí sinh vẫn lo ngại việc các giáo viên sẽ chấm không đều tay.
Chưa kể, kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức thi, chấm thi nên có nhiều ý kiến nghi ngại việc có địa phương chấm chặt, địa phương chấm lỏng.
Quy chế thi quy định về chấm thi tự luận và địa phương chấm theo hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán ở 2 tổ chấm khác nhau.
Sau khi Trưởng môn chấm thi nhận các túi bài thi đã rọc phách, tổ chấm sẽ chấm chung ít nhất 10 bài để thống nhất sau đó mới chấm độc lập tại các phòng riêng biệt. Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu.
Khi chấm lần thứ nhất, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) chỉ được ghi vào 1 phiếu chấm của từng bài thi. Sau khi chấm lần thứ nhất, toàn bộ các phiếu chấm thi được rút ra và giao các túi bài thi cho tổ chấm khác để chấm lần thứ hai. Ở lần chấm này, cán bộ chấm thi được chấm trực tiếp vào bài thi của thí sinh. Sau đó điểm bài thi sẽ được thống nhất.
Chấm bài thi tự luận, sẽ xuất hiện các tình huống vênh điểm giữa các cán bộ chấm thi, Quy chế thi quy định cách xử lý các tình huống cụ thể.
Tình huống 1, điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch hoặc lệch nhau dưới 1 điểm thì 2 cán bộ chấm thảo luận thống nhất điểm. Nếu 2 cán bộ chấm không thống nhất được do vênh quan điểm thì Trưởng môn chấm hoặc Tổ trưởng tổ chấm lập biên bản quyết định điểm.
Tình huống thứ 2, điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau 1,5 điểm sẽ tổ chức chấm lần thứ 3. Nếu kết quả 2 trong 3 lần chấm giống nhau, sẽ lấy điểm chấm giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất lên tới 2,5 điểm sẽ lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm. Trường hợp kết quả 3 lần chấm lệch nhau hơn 2,5 điểm, tổ chấm sẽ tổ chức chấm chung các bài thi đó và lập biên bản thống nhất lại điểm bài thi.
Để đảm bảo yếu tố khách quan, quy chế cũng quy định việc chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi tự luận. Lãnh đạo Ban Chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã qua 2 vòng chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn những bài có nghi vấn (được 2 cán bộ chấm thi cho điểm chênh lệch nhau nhiều trước khi thống nhất điểm) hoặc chọn các bài thi có điểm cao chấm kiểm tra.
Ngoài việc vận chuyển và bảo quản bài thi an toàn, tại khu vực chấm thi tự luận và trắc nghiệm camera giám sát 24/24 giờ. Số lượng, vị trí camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng. Hệ thống camera không được kết nối internet bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện, dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng/thẻ nhớ) của camera được niêm phong dưới sự chứng kiến của Trưởng ban Chấm thi tự luận/trắc nghiệm, công an, thanh tra và được Giám đốc sở GD&ĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ.
Trước khi chấm, việc làm phách bài thi được thực hiện trong khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài chỉ gồm thành viên trực tiếp tham gia đánh phách bài thi và thanh tra; cửa sổ các phòng phải đóng kín và được công an niêm phong. Các khoảng trống thông ra bên ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hằng ngày, những người ở vòng trong tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng ngoài.
Trước khi tiến hành tổ chức chấm thi, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện các công việc như: Kiểm tra toàn bộ hệ thống chấm thi trắc nghiệm và quét thử để bảo đảm tính tương thích giữa các thiết bị và phần mềm; Tiếp nhận các túi bài thi từ Ban Thư ký Hội đồng thi trong tình trạng nguyên niêm phong của từng điểm thi.
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đánh giá quy định về chấm thi hiện nay đã rất chặt chẽ và các địa phương đều đã được tập huấn kỹ tuy nhiên nếu cán bộ chấm thi lơ là, cắt xén quy trình sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Các thành viên của Ban chấm thi trắc nghiệm, người đang thi hành nhiệm vụ liên quan thực hiện nhiệm vụ tại khu vực chấm bài thi trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác vào phòng chấm. Cán bộ không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) của thí sinh với bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lí do gì.
Cán bộ chấm quét phiếu TLTN theo từng túi, xong túi nào niêm phong lại túi đó. Ngay khi quét xong tất cả túi/phiếu TLTN của Hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 2 bộ đĩa CD/DVD có nội dung giống nhau.
Toàn bộ dữ liệu nhận dạng ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa. Điểm chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Nguồn: [Link nguồn]