Bác Hồ với nhóm du học sinh đầu tiên đi Liên Xô trong Kháng chiến
Gần đây, tôi tìm lại được trong các ghi chép cũ bản ghi cuộc trò chuyện từ nhiều năm trước giữa tôi và ông Nguyễn Đình Khôi - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu 1, Bộ Ngoại giao. Ông Khôi thuộc nhóm thanh niên đầu tiên được cử đi học ở Liên Xô trong Kháng chiến chống Pháp. Lần đó, ông Khôi kể về lần Bác Hồ đến thăm và căn dặn những người sắp được ra nước ngoài học tập.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trường Trần Phú được mở ở An toàn khu Thái Nguyên để bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ của Đảng. Ông Nguyễn Đình Khôi cùng những người thuộc đoàn lưu học sinh đầu tiên chuẩn bị sang nước bạn học tập được tập trung về đây. Đó là ngày 8/5/1950 (theo nhật ký của ông Khôi), buổi trưa trời nóng không ngủ được nên ông ra suối tắm. Bỗng nghe có tiếng vó ngựa, ngẩng lên ông thấy hai người phi ngựa qua. Người đi trước khuất ngay, người thứ hai ông chỉ nhìn thấy phía sau lưng. Người đó mặc bộ quần áo màu cỏ úa, cổ quàng chiếc khăn trắng. Ông Khôi nghĩ đó là hai đồng chí cán bộ đi công tác qua. Đến chiều, lúc ăn cơm, ông mới nghe anh em bàn tán là có Bác Hồ đến thăm trường và đoán người mà mình thấy lúc chiều là Bác.
Bác Hồ với các du học sinh ta tại Liên Xô trong một lần thăm nước bạn
Sau giờ cơm chiều, mọi người được lệnh tập trung ra sân trường. Ông Khôi kể: “Lúc đó khoảng hơn 5 giờ chiều. Khi tới, tôi thấy Bác đang ngồi trên một cái ghế nhỏ đặt giữa sân, chung quanh là các đại biểu được triệu tập về dự Đại hội Học tập toàn quốc. Khi anh em đến đông, Bác bỏ ghế ngồi bệt xuống cỏ cùng mọi người. Gần 500 anh chị em có mặt ngồi thành vòng tròn, Bác ngồi chính giữa. Tiếng nói của Bác mạnh và trong. Khi nói, Bác xưng là “mình” và thỉnh thoảng lại pha trò thú vị bằng những câu nói dân dã làm tất cả cười ồ. Bác không ngồi im mà chú ý xoay hướng cả về đủ bốn phía cử tọa”.
Trong cái đêm tháng 5 đáng ghi nhớ ấy, Bác đã căn dặn riêng với các du học sinh: “Cái tên du học sinh từ trước đến nay không có nghĩa tốt đẹp: con quan, con nhà giàu thì được đi du học để về đè đầu, cưỡi cổ dân. Ngày nay, các chú sắp ra nước ngoài là để học tập những gì trong nước chưa có điều kiện dạy. Các đồng chí nước ngoài sẽ giúp đỡ huấn luyện để các chú về phụng sự đoàn thể, phụng sự cách mạng, phụng sự dân tộc…”.
Mới hai tháng trước đó, ông Khôi đang làm bí thư chi bộ xã Xuân Lạc, huyện Nam Đàn thì được lệnh ra Việt Bắc tập trung đi học. Lúc ở nhà, nghe phổ biến là đi du học và cả huyện chỉ có 3 người được chọn, ông Khôi thấy tự hào ghê gớm. “Khi tôi đi, cả xã ra tiễn. Có cả chụp ảnh nữa, thứ cực hiếm thời đó. Nhiều người chúc tôi đi học giỏi để về “làm quan cả họ được nhờ”! – Ông Khôi cười kể.
Còn tối hôm đó, bên ngọn đèn măng xông đặt giữa bãi cỏ, Bác Hồ căn dặn: “Vậy lúc đi học, phải nghĩ thế nào, làm thế nào cho đúng?
Thứ nhất, phải luôn nhớ rằng trong lúc mình được đi học để sau thành nghề thì trong nước biết bao nhiêu bạn cùng tuổi phải lăn lộn chiến đấu với quân thù. Như vậy thì các chú phải đừng quá hớn hở về việc mình được đi học, đừng lấy đó làm điều hãnh diện. Phải coi thời gian này là thời gian mình được đoàn thể miễn công tác cho để đi học. Mà học là để về phụng sự cách mạng. Bởi vậy việc gì có ích cho cách mạng là học: rèn, nguội, ngoại giao, ngoại ngữ… không có việc gì là sang, là hèn cả.
Bác Hồ với thầy trò một trường đại học những năm 60
Học không phải để làm quan. Các chú phải nhớ điều đó.
Thứ hai, phải đoàn kết với nhau và đoàn kết với các đồng chí nước ngoài. Muốn đoàn kết thì phải phê bình, khuyên răn, sửa chữa cho nhau. Trong mười người, nếu có một người làm bậy thì cả mười người đều mang tiếng xấu. Tuy là với đồng chí, với nhân dân bạn đều là bạn bè nhưng cũng phải giữ quốc thể. Chú nào vi phạm thì phải loại ra, ở nhà không loại thì ra nước ngoài cũng bị loại. Anh em ra nước ngoài muốn thành công trong việc học tập thì tất nhiên phải nghiêm khắc như thế”.
Những lời trên ông Khôi nhớ rất rõ vì sau đó Trường Trần Phú đã tập hợp ghi chép của học viên, đối chiếu để đưa ra bản ghi chính xác nhất những lời Bác dạy. Ông Khôi đã chép nguyên văn những lời của Bác vào cuốn sổ tay và mang theo suốt quãng đời du học và làm cán bộ ngoại giao ở nhiều nước sau này.
Trong cuộc nói chuyện cách đây hơn 20 năm ấy, ông Khôi nói với tôi: “Giờ đã nghỉ nhưng thỉnh thoảng tôi lại giở đọc những trang ghi những lời Bác dặn. Trong tâm trí tôi vẫn hiện rõ hình ảnh Người ngồi trên bãi cỏ, chung quanh là đàn cháu con quây quần. Và xa hơn là cánh rừng và sau đó nữa là chân trời mênh mông mà Người đã mở ra cho chúng tôi.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có thầy hiệu trưởng gửi thư yêu cầu giáo viên không ra bài tập, có thầy đưa ra 11 lời khuyên thú vị dành cho học trò.