Bà mẹ dạy con bằng game trực tuyến thay vì tới trường
Một bà mẹ ở Anh đã dạy con mình học tại nhà bằng cách để chúng chơi game trực tuyến 7 giờ mỗi ngày.
Cô Katie tin rằng những đứa con của mình học được nhiều kỹ năng qua trò chơi hơn là tới trường
Katie Pybus, 44 tuổi, tin rằng 3 đứa con Sapphire, 12 tuổi, Etienne, 10 tuổi và Orin, 7 tuổi, sẽ được giáo dục tốt hơn thông qua các trò chơi trực tuyến hơn là học đọc, viết và làm toán. Cô cho biết các con của mình sẽ không phải làm bài kiểm tra hay thi trừ khi chúng muốn.
“Tôi không nghĩ bảng chữ cái ảnh hưởng nhiều tới việc học đọc”, Katie nói. “Các trò chơi là phương pháp chúng tôi giáo dục con tại nhà. Trường học quá tập trung vào kiểm tra và thi cử, nên tôi muốn con của chúng tôi học qua chơi”.
Những đứa trẻ thức dậy khi chúng muốn và dành thời gian để chơi game trực tuyết như Minecraft, Clash of Clans, The Sims và Pokemon Go.
Cô Katie và chồng Roger quyết định giáo dục con tại nhà cách đây 12 năm. Cô con gái Sapphire của họ biết đọc từ khi lên 4 tuổi nhờ sử dụng sách Ladybird, trong khi hai cậu em trai của cô bé chơi với Lego và đồ chơi bằng gỗ.
Bà mẹ 44 tuổi cho biết, trò chơi Minecraft giúp con của cô học về thời gian biểu và chúng không có trải nghiệm toán tiêu cực như ở trường học.
Trong khi phần lớn bạn của các con cô Katie là người chơi game trên mạng, bà mẹ 44 tuổi tin rằng điều này giúp chúng có nền tảng đa dạng hơn.
Những đứa con của cô Katie được phép chơi game 7 giờ mỗi ngày.
“Nhiều người nghĩ rằng giáo dục tại nhà đồng nghĩa bạn có những lý do đặc biệt như bạn không thể tới trường hay học không tốt”, Sapphire nói. “Điều đó không thực sự đúng. Tôi đã học rất nhiều qua các trò chơi”.
Khoảng 36.000 trong tổng số 9,5 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Anh quốc được giáo dục tại nhà. Cô Katie cho biết, các nhà chức trách tới thăm nhà cô hàng năm và rất hài lòng với sự tiến bộ của các con cô.
Một trường học ở Anh cũng có phương pháp giáo dục đặc biệt khi yêu cầu học sinh đi dép lê trong lớp học sau khi nghiên cứu khoa học cho thấy đi dép lê có thể giúp học sinh sáng tạo hơn.