Bà mẹ có 2 con trai lớn lên giỏi giang, chia sẻ cách dạy con làm việc nhóm từ bé để thành công trong tương lai
"Nhóm của con phụ thuộc vào con, vì vậy, con phải có mặt đúng giờ, hàng ngày, dù muốn hay không", yêu cầu của bà đối với 2 con trai.
Travis Kelce và Jason Kelce là hai anh em và cũng là 2 nhà vô địch Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ), Travis chiến thắng vào năm 2020 và Jason vào năm 2018. Không chỉ vậy, gần đây Travis Kelce còn gây xôn xao giới giải trí khi đang trong giai đoạn tìm hiểu và hẹn hò với nữ ca sĩ Taylor Swift. Mối tình ngọt ngào được bà Donna Kelce rất ủng hộ.
Travis Kelce hẹn hò Taylor Swift
Trong những ngày trước trận đấu lớn, mẹ của 2 chàng cầu thủ nổi tiếng đã trả lời rất nhiều câu hỏi về việc làm thế nào hai con trai của bà đều trở thành ngôi sao NFL, và mỗi người cũng đều đã sở hữu cho mình một chiếc cúp vô địch.
Bà Donna đã chia sẻ với trang web nuôi dạy con cái SheKnows, anh em nhà Kelce lớn lên ở Cleveland Heights, Ohio, và luôn được cha mẹ luôn khích lệ tinh thần thể thao. Các cậu bé được khuyến khích thử bất kỳ môn thể thao nào mà chúng muốn chơi.
Cha mẹ chỉ có một yêu cầu duy nhất là nếu đã tham gia, họ cần cam kết gắn bó với một đội trong cả mùa giải. Dù trong khoảng thời gian đó, họ không thích môn thể thao này, họ vẫn phải gắn bó với nó trong cả mùa giải để không làm đồng đội thất vọng.
Bà Donna Kelce luôn ủng hộ hai con
"Ngay khi mùa giải kết thúc, nếu con không thích đội đó, hoặc nếu con không thích môn thể thao đó, vậy thì con không cần phải chơi nữa," bà Kelce chia sẻ, "Nhưng nhóm của con phụ thuộc vào con, vì vậy, con phải có mặt đúng giờ, hàng ngày, dù muốn hay không."
Triết lý đó cũng đúng trong cuộc sống của người trưởng thành, sự rời đi của một đồng nghiệp sẽ để lại cho đồng nghiệp cũ của họ nhiều công việc hơn và cả những khoảng trống cảm xúc.
Ngay cả trong các môn thể thao dành cho thanh thiếu niên, việc một đứa trẻ bỏ cuộc giữa mùa giải có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý đồng đội - mặc dù các chuyên gia cho rằng cha mẹ nên sẵn sàng cho phép con cái họ rời bỏ một đội trong trường hợp bị thương nặng hoặc bị bắt nạt.
Bà Kelce yêu cầu các con nếu đã tham gia, họ cần cam kết gắn bó với một đội trong cả mùa giải.
Kiên trì cũng là một kỹ năng quan trọng để trẻ học hỏi. Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba nói với HuffPost vào năm ngoái rằng học cách phục hồi sau một thử thách hoặc sự thất vọng có thể giúp xây dựng sức mạnh bên trong và tạo dựng nền tảng cho trẻ thành công.
"Đó là lý do tại sao chúng là những vận động viên chuyên nghiệp," Kelce nói. "Hãy luôn cố gắng hết sức mình. Khi bạn nghĩ rằng mình không còn gì để mất nữa, bạn sẽ cố gắng hơn nữa và bạn sẽ biết mình có thể vươn mình bao xa."
Các cách dạy con trở thành người đồng đội tốt
Nếu bạn hoặc con bạn đã từng chơi các môn thể thao đồng đội, bạn sẽ biết chúng có lợi như thế nào đối với việc học tập và phát triển. Trở thành thành viên của một nhóm dạy cho bạn trách nhiệm, có tinh thần thể thao và cùng nhau làm việc vì mục tiêu chung.
Tuy nhiên, việc trở thành một đồng đội tốt không phải lúc nào cũng tự nhiên mà có. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng hành vi đồng đội tốt khi con bạn bắt đầu tham gia các môn thể thao, vì những phẩm chất này sẽ không chỉ áp dụng cho trò chơi mà còn cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống của trẻ.
Việc trở thành một đồng đội tốt không phải lúc nào cũng tự nhiên mà có. Ảnh minh hoạ
Theo Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý và tác giả sách bán chạy nhất quốc tế ("13 điều cha mẹ có tinh thần thép không nên làm", "13 điều phụ nữ có tinh thần thép không nên làm" và "13 điều trẻ khỏe mạnh nên làm"), các môn thể thao đồng đội có rất nhiều lợi ích về sự phát triển cho trẻ em, bao gồm dạy các kỹ năng vận động như phối hợp tay mắt, kỹ năng xã hội bằng cách tương tác với bạn bè đồng trang lứa và kỹ năng giao tiếp cần thiết để thực hành làm việc theo nhóm.
Ngoài những lợi ích về sự phát triển, chơi các môn thể thao có tổ chức còn dạy trẻ cách trở thành những nhà lãnh đạo cũng như nhân viên giỏi, giúp trẻ đối mặt với cả chiến thắng cũng như thất bại, đồng thời dạy trẻ rèn luyện đức tính chăm chỉ, cống hiến và kiên trì.
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng hành vi đồng đội tốt ở trẻ em?
Khen ngợi
Một cách để khuyến khích hành vi đồng đội tốt của con là khen ngợi. Morin cho rằng: "Cha mẹ nên khen con họ chơi thể thao giỏi và cổ vũ đồng đội, thay vì chú ý đến số điểm chúng ghi được trong trò chơi".
Nên đặt những câu hỏi như "Hôm nay lúc nào mà con thực sự thấy mình là một người đồng đội tốt?" và "Ai là đồng đội tốt nhất trong đội của con và tại sao?"... Khơi dậy những cuộc trò chuyện khiến trẻ em suy nghĩ về lý do tại sao trở thành một người đồng đội tốt lại quan trọng và sẽ phấn đấu để trở thành một người đồng đội tốt.
Thay vì cố gắng huấn luyện con bạn và nói cho chúng biết cách chơi, cha mẹ nên tập trung vào việc cố gắng truyền cho con một thái độ tích cực. Bạn không thể kiểm soát kết quả trận đấu, nhưng bạn có thể kiểm soát thái độ và cách bạn phản ứng. Chính thái độ của của cha mẹ sẽ là cầu nối tốt nhất giúp con xây dựng được tinh thần đồng đội.
Nuôi dưỡng hành vi đồng đội tốt khi con bạn bắt đầu tham gia các môn thể thao, vì những phẩm chất này sẽ không chỉ áp dụng cho trò chơi mà còn cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống của trẻ. Ảnh minh hoạ
Hướng dẫn cụ thể cho con về cách để trở thành một người đồng đội tốt
Đôi khi, cách tốt nhất để khiến con bạn làm điều gì đó là chỉ cho con cách làm. Cha mẹ có thể tạo mô hình hành vi đồng đội tốt trong giờ chơi, cho dù đó là bất kỳ trò chơi nào.
Cha mẹ hãy nói cho con biết làm thế nào để có thể trở thành một người đồng đội tốt, từ cách phối hợp với đồng đội, thể hiện thái độ trong khi chơi, cũng như việc chấp nhận kết quả... Đồng thời cho trẻ thấy rằng, tinh thần đồng đội không chỉ nên thể hiện trên sân chơi, mà cả ở ngoài đời sống hàng ngày, trong học tập…
Cùng con xem các trò chơi thể thao và chỉ cho con thấy những hành động thể hiện tinh thần đồng đội tốt trong trận đấu
Một cách khác để dạy con bạn trở thành một đồng đội tốt là cùng con xem các trò chơi thể thao. Chẳng hạn khi đội thể thao yêu thích của bạn đang chơi, hãy hòa nhịp với con bạn và chỉ ra những ví dụ cụ thể về tinh thần thể thao tốt khi bạn thấy điều đó đang diễn ra trong trận đấu.
Những hành vi đơn giản như các cầu thủ ôm nhau khi ghi điểm hoặc cầu thủ khoác tay lên vai đồng đội, hay kéo người đồng đội dậy khi anh ấy/cô ấy bị ngã… Tất cả những điều này đều cho thấy một tinh thần đồng đội tốt. Hãy cho con bạn thấy điều đó.
Khơi dậy tinh thần đồng đội cho con
Cha mẹ có thể đặt những câu hỏi tự phản ánh để giúp con có suy nghĩ về việc trở thành một người đồng đội tốt. Chẳng hạn, thay vì đặt câu hỏi về màn trình diễn của các cầu thủ, vận động viên, hãy làm cho trẻ suy nghĩ về thái độ, cách cư xử của người chơi với đồng đội.
Ví dụ cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi: "Khi đội của con thua con sẽ làm gì, suy nghĩ gì để không cảm thấy buồn?" hoặc "Làm thế nào con có thể hỗ trợ đồng đội khi họ gặp khó khăn?"… Đây đều là những câu hỏi tuyệt vời để bắt đầu khơi dậy tinh thần đồng đội cho trẻ.
Nhiều người bàn tán cách hành xử của ông bố sau khi con mình phạm lỗi.
Nguồn: [Link nguồn]