Áp lực thi cử dồn nén lên vai học sinh: Phần lớn do thiếu trường, lớp?

Sự kiện: Giáo dục

Học sinh căng thẳng học 12 tiếng mỗi ngày hay phụ huynh chi cả chục triệu mỗi tháng cho con học ôn, luyện thi vào lớp 10 là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội. Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, Thủ đô cần nhanh chóng xây thêm trường, đảm bảo chỗ học cho học sinh, tránh chuyện tư vấn, phân luồng vi phạm quyền học tập của học sinh.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, hơn 106.000 học sinh Hà Nội sẽ dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học tới. Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có hơn 50.000 em sẽ có lựa chọn khác như: học tư thục, học nghề, học Trung tâm GDTX - GDNN…Hằng năm, sau phân luồng, các trường công lập bậc THPT chỉ đảm bảo chỗ học cho khoảng 60-62% học sinh.

Học sinh lớp 9 tại quận Ba Đình (Hà Nội) trong đợt thi thử vào lớp 10

Học sinh lớp 9 tại quận Ba Đình (Hà Nội) trong đợt thi thử vào lớp 10

Quận Hà Đông năm nay có gần 8.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp và thi tuyển vào lớp 10, tuy nhiên chỉ có 3 trường THPT công lập gồm: THPT Lê Quý Đôn, THPT Quang Trung và THPT Trần Hưng Đạo với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 2.025 em.

Áp lực nhất là học sinh ở khu vực quận Cầu Giấy bởi đây là quận có số lượng học sinh rất đông (năm nay khoảng 7.000 học sinh lớp 9) nhưng chỉ có 2 trường (THPT Cầu Giấy và THPT Yên Hòa tuyển 1.440 chỉ tiêu). Quận Ba Đình cũng chỉ có 3 trường THPT công lập; quận Hoàn Kiếm 2 trường (THPT Việt Đức, THPT Trần Phú tuyển 1.575 chỉ tiêu)… Đa số các trường này hằng năm có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào lớp 10 rất cao, chỉ có những học sinh có năng lực khá, tốt mới có thể bước vào cuộc đua.

Tuy Hà Nội đã chia toàn thành phố thành 12 khu vực tuyển sinh và mỗi học sinh có 3 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập ở các khu vực khác nhau nhưng trong đó có những quận “nóng” ghép với nhau như: Ba Đình - Tây Hồ; Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm; Cầu Giấy - Đống Đa - Thanh Xuân; Chương Mỹ - Hà Đông - Thanh Oai… Quy tắc, học sinh đăng ký 3 nguyện vọng nhưng trong đó 2 nguyện vọng thuộc 1 khu vực, 1 nguyện vọng khu vực khác. Như vậy, nếu học sinh ở trung tâm quận Hà Đông vì khoảng cách địa lý ngại đăng ký sang huyện Chương Mỹ, Thanh Oai trong khi lựa chọn đăng ký 1 nguyện vọng lại bị áp lực rủi ro.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định, các loại hình trường học đảm bảo đủ chỗ học cho 100% học sinh. Theo kế hoạch phân luồng, triển khai đề án định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025 của thành phố, phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Xây thêm trường công là giải pháp cốt lõi

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến áp lực đối với học sinh là thiếu trường lớp, đặc biệt là các quận nội thành hiện nay có số lượng trường THPT công lập rất ít. Một số quận nhiều năm nay không xây thêm được trường học nào trong khi số lượng học sinh tăng hằng năm.

Thực trạng giáo viên trường THCS “khuyên” học sinh có học lực yếu kém đi học nghề đã tồn tại nhiều năm nay nhưng không giải quyết được, ngày càng tạo nên bức xúc trong phụ huynh, dư luận. Đây không chỉ là bệnh thành tích là còn làm trái với luật pháp. Quyền của học sinh là được đi học, có quyền được chọn học ở đâu, làm nghề gì và không ai được phép ngăn cấm.

“Tại một số địa bàn quận có tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc thừa thiếu trường học cục bộ đã gây áp lực cho hệ thống các trường công lập trên địa bàn, trong đó có các trường THPT công lập”. Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Theo TS Lâm, giải pháp hiện nay là thành phố ưu tiên nhanh chóng mở rộng và xây mới các cơ sở trường học các cấp đáp ứng nhu cầu học tập khi tăng dân số. Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước, có thể mở rộng chính sách công - tư hợp tác để từng quận, huyện căn cứ nhu cầu phát triển dân số trong quá trình đô thị hóa, giao đất sạch cho các nhà đầu tư xây dựng trường.

Nhà nước giao đất có thể yêu cầu nhà đầu tư áp mức học phí đảm bảo phù hợp với nhiều đối tượng người dân, thay vì học phí trường tư quá cao, người dân không theo kịp. Giao các quận, huyện có kế hoạch phát triển trường học trong 5 năm tới, chủ động trình chính sách tháo gỡ giải phóng mặt bằng xây dựng trong 3-5 năm tới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của dân. “Khi đó, quận Hoàn Kiếm nội đô bí đất có thể quy hoạch, xây trường ở ven đê sông Hồng. Nếu quyết tâm, mỗi năm mỗi quận, huyện xây thêm 1 trường THPT là điều không khó để thực hiện”, ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, Thủ đô cũng cần có chính sách động viên, khích lệ kịp thời trường tư thục chủ động, sáng tạo, đóng góp cho sự đa dạng hệ thống trường học và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường còn gặp khó khăn để đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường, giảm áp lực tuyển sinh cho trường công.

Theo TS Lâm, cần phải nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, không chạy theo thành tích bằng cách học thật, thi thật và đánh giá thật năng lực của học sinh. Theo đó, trong suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 9, các nhà trường, thầy cô giáo kiểm tra, chấm điểm một cách nghiêm túc, đúng năng lực để học sinh, không vì thành tích mà chấm điểm 9, 10 dẫn đến “lạm phát” điểm 10 như hiện nay.

Thầy cô hỗ trợ học sinh tiến bộ nhưng cũng sẵn sàng cho học sinh “đúp”, học lại, không lên lớp bằng mọi giá để đến lớp 9 mới ồ ạt phân luồng. Nếu Sở, Phòng GD&ĐT có trách nhiệm giám sát chặt chẽ chất lượng kiểm tra từng học kỳ, từng năm học, chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy học bạ là căn cứ xét tuyển vào lớp 10, giảm áp lực thi cử rất lớn cho cả phụ huynh, học sinh.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS M.V Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội), cho rằng, áp lực thi cử dồn nén lên vai học sinh có phần nguyên nhân từ sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh, nhưng phần lớn nguyên nhân từ thiếu trường, lớp.

Nguồn: [Link nguồn]

“25 năm trước, khi bạn hỏi một đứa trẻ nguồn cơn lớn nhất gây ra stress cho chúng là gì? Câu trả lời sẽ là việc bố mẹ chúng ly dị hoặc mâu thuẫn với anh chị em. Giờ đây, câu trả lời luôn luôn là việc học” - Madeline Levine, Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN