Ai nắm quyền trong lớp học?
Đã đến lúc, thay vì tập trung quyền lực, người thầy nên trao một số quyền cho học trò.
LTS: Nếu thử lại làm đứa trẻ trong một ngày: đi học thì bị thầy cô mắng mỏ, về nhà thì cha mẹ rầy la, chúng ta sẽ sống ra sao? Câu chuyện về “trung tâm của giáo dục” – học sinh hiện nay ngày càng trở nên bị áp lực bởi rất nhiều bạo lực từ đòn roi đến tinh thần, khiến cho phụ huynh chúng ta rất xót xa. Những bài viết dưới đây cho thấy rõ “quyền lực” của thầy cô đã khiến cho đứa trẻ ngày càng trở nên thụ động, sợ hãi.
Đã đến lúc, thay vì tập trung quyền lực, người thầy nên trao một số quyền cho học trò như: tự do trình bày ý kiến trong lớp học, đóng góp vào tiến trình ra quyết định với các sự kiện trong lớp… Ảnh minh hoạ: TL
Một bữa, sau khi tan trường về nhà, con gái một người bạn tôi (đang học lớp 9) tỏ thái độ rất ấm ức vì bài kiểm tra toán chỉ được 8 điểm dù đáp án đúng. Giải thích của cô giáo về điểm 8 thay vì điểm 10 là cách giải của cô bé không giống cách cô giáo hướng dẫn trên lớp. Đương nhiên, lý do này không thể thuyết phục được đứa trẻ lớp 9 và đây không phải là một tình huống hiếm hoi trong giáo dục. Dường như, người thầy ấy cho mình quyền “quyết định chân lý khoa học”.
Có lần, một phụ huynh khác lại chia sẻ với tôi về sự lúng túng của chị trong ứng xử với giáo viên của con chị. Khi thầy bước vào lớp thì thấy một dòng chữ in hoa trên bảng “Hôm nay thầy T. (tên thầy) ốm, cả lớp nghỉ”. Thầy khăng khăng là chữ con của chị trong khi sự thật không phải thế. Thầy quá giận nên cả lớp không ai dám đứng ra nhận hay bào chữa cho con của chị. Cậu bé vừa buồn, vừa giận vì sự oan ức, vừa thất vọng vì sự “chụp mũ” của thầy. Dường như, người thầy ấy cho mình quyền “quyết định sự thật”.
Không chỉ quyền quyết định chân lý khoa học tức chỉ kiến thức thầy cung cấp mới là đúng; quyền quyết định sự thật tức những gì thầy cho là sự thật thì thực tiễn chắc chắn đã diễn ra như thế; nhiều người thầy cũng quyết định luôn các chuẩn mực đạo đức, nguyên tắc ứng xử trong nhà trường bất chấp các nguyên tắc, các chuẩn mực đó có hợp lý hay không. Tôi vẫn nhớ cô giáo dạy lý hồi cấp 2 của tôi luôn đặt ra yêu cầu: khi cô vào lớp, tất cả học sinh đều phải đứng nghiêm chào cô (điều này hợp lý vì thể hiện sự tôn trọng cô), toàn bộ sách vở, bút viết phải xếp ngay ngắn phía tay phải, sát mép bàn, đều tăm tắp, nếu ai lỡ xếp nhầm bên thì cô sẽ không cho cả lớp ngồi xuống cho đến khi mọi người tự kiểm tra lại và sắp xếp đúng ý cô. Thú thật, tới giờ phút này, tôi vẫn không hiểu dụng ý của cô với nguyên tắc xếp tập vở ấy, rèn luyện sự gọn gàng, ngay ngắn ư, đâu nhất thiết phải là xếp bên tay phải, sát mép bàn và mỗi buổi học, chúng tôi đều căng thẳng, sợ hãi ánh mắt liếc nhìn của cô qua từng dãy bàn. Dù biết không phải thầy cô nào cũng theo chế độ “độc tài” như trên nhưng không thể phủ nhận, nhiều người thầy đã nắm quyền quyết định tuyệt đối trong lớp học. Học sinh phải tuyệt đối tuân theo, quyền trao đổi, thảo luận hay thoả thuận với thầy cô là việc viển vông.
Quan điểm giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm” được triển khai rộng rãi vài chục năm qua nhưng với nhiều thầy cô Việt Nam, điều đó chỉ nằm trong các văn bản, tài liệu, còn thực tế, những người thầy quyền năng tối thượng vẫn tồn tại trong lớp học. Nhiều học sinh tỏ ra nể sợ thầy cô hơn là nể trọng, đặc biệt với học sinh ở những bậc học thấp. Với không ít thầy cô, duy trì được trật tự, kỷ luật, khiến học sinh nể sợ mình được xem là một thành tích to lớn, thể hiện năng lực sư phạm vượt trội. Đến cả phụ huynh, nhiều người cũng cảm thấy tin tưởng khi gửi con cho những thầy cô nghiêm khắc, học sinh nào cũng sợ. Vì đâu những tư tưởng ấy vẫn thống trị trong nhà trường nước ta ở thế kỷ 21 này? Cũng có thể nhìn ở một khía cạnh công bằng hơn cho người thầy, đó là xã hội cũng đặt lên vai họ quá nhiều trách nhiệm trong việc giáo dục một đứa trẻ thành nhân. Để hoàn thành như kỳ vọng của xã hội, người thầy phải cố giữ lấy quyền lực của mình nhằm điều khiển hoạt động giáo dục như ý muốn. Thế nhưng, có lẽ, việc giữ quyền lực này đang ngày càng khiến người thầy xa cách trò và hiệu quả giáo dục không hề tăng thêm.
Thực tế cho thấy xã hội mỗi ngày lại đòi hỏi sự dân chủ cao hơn, lớp học cũng là một xã hội thu nhỏ nên xu hướng trên là không thể tránh khỏi. Đã đến lúc, thay vì tập trung quyền lực, người thầy nên trao một số quyền cho học trò như: tự do trình bày ý kiến trong lớp học, đóng góp vào tiến trình ra quyết định với các sự kiện trong lớp… và thay vì bắt học trò phải nể sợ mình, người thầy hãy khiến học trò phải tôn trọng mình.