9 điểm mới của giáo dục TP.HCM năm học 2017-2018

Sự kiện: Giáo dục

Mặc dù còn nhiều áp lực về tăng học sinh (HS), quá tải trường lớp nhưng TP.HCM vẫn không ngừng đầu tư để đảm bảo đủ chỗ học cho HS cũng như ngày càng nâng chất lượng dạy và học trong nhà trường.

1. Tăng gần 60.000 HS

Năm học 2017-2018, TP.HCM tiếp tục tăng hơn 59.000 HS, nâng tổng số HS toàn TP lên hơn 1,6 triệu em. Trong đó tập trung tăng mạnh ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số cơ học như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh... Cụ thể, bậc mầm non tăng 19.833 em, tiểu học tăng 20.199 em, THCS tăng 12.741 em và THPT tăng 6.319 em.

Điều này tiếp tục là thách thức của TP trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho HS, nâng tỉ lệ học 2 buổi/ngày, cũng như đề ra những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học khi sĩ số ở nhiều trường vẫn quá cao, trên 50 HS/lớp như ở Bình Tân, quận 12, Bình Chánh....

2. Thêm hơn 1.500 phòng học mới

1.500 là số phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng đầu năm học này, nâng tổng số phòng học của TP lên 42.671 phòng. Trong đó, mầm non tăng 287 phòng; bậc tiểu học tăng 198 phòng; THCS tăng 262 phòng và bậc THPT tăng 213 phòng.

Ngoài ra, các trường thuộc khối quận/huyện đã được cấp hơn 163 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 275 tỷ đồng phục vụ sửa chữa nhỏ. Riêng các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở được đầu tư hơn 25 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và hơn 60,6 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất…

3. Không tăng học phí

Vừa qua, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT TP về việc giữ nguyên mức học phí của năm học 2016-2017 trong các trường công lập áp dụng cho năm học 2017-2018. Cụ thể, mức học phí tại các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân: Đối với nhóm nhà trẻ là 200.000 đồng/tháng/HS, nhóm mẫu giáo là 160.000 đồng, nhóm THCS và bổ túc THCS là 100.000 là đồng, THPT và bổ túc THPT là 120.000 đồng.

Ở khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè, mức thu học phí ở nhóm nhà trẻ là 140.000 đồng, mẫu giáo là 100.000 đồng, THCS và bổ túc THCS là 85.000 đồng, THPT và bổ túc THPT là 100.000 đồng.

Việc miễn học phí cho HS khối tiểu học, học sinh hệ chuyên trong các trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên vẫn tiếp tục được duy trì.

Như vậy, các khoản thu ở các trường tiên tiến theo xu thế hội nhập vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định 3968 của UBND TP ban hành năm 2015. Tức học phí chính quy là 120.000 đồng/HS/tháng. Các khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng tổng mức thu thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/HS/tháng.

4. Nhân rộng giữ trẻ mầm non ngoài giờ và 6-18 tháng tuổi

TP tiếp tục thực hiện nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi tại 24 quận, huyện, ưu tiên ở các khu công nghiệp, chế xuất đông người lao động. Được biết, sau ba năm thực hiện, TP có khoảng hơn 100 trường công lập triển khai giữ trẻ tuổi này với khoảng hơn 1.000 trẻ đang theo học.

TP cũng tiếp tục thí điểm đề án giữ trẻ ngoài giờ cho con em của công nhân (đến 17g30 hàng ngày và cả ngày thứ bảy) tại ba trường là Trường mầm non 30/4, (quận Bình Tân), Trường mầm non KCX Linh Trung 1 và Trường mầm non KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức). Và năm nay tiếp tục mở rộng tại KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Tây Bắc (Củ Chi). Kinh phí là 50-50, tức 50% ngân sách nhà nước và 50% do các doanh nghiệp, KCX hỗ trợ và từ phụ huynh.

5. Thêm 9 trường thực hiện mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế

Nâng tổng số trường tại TP áp dụng mô hình này là 35 trường, từ mầm non đến THPT. Các trường mới này đều ở địa bàn vùng ven như quận 12, 8, 5, Gò Vấp và Tân Phú nhưng có đủ điều kiện đạt chuẩn theo quy định của TP về sĩ số HS, chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất....

Các trường sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, tức bắt đầu từ lớp 1 với bậc tiểu học, lớp 6 với THCS và từ lớp mầm với khối mầm non. Tham gia mô hình này, các em vẫn được học theo sát chương trình của Bộ GD&ĐT nhưng theo hướng giảm nhẹ kiến thức hàn lâm, tăng tiết học phát triển năng khiếu, kỹ năng sống cho HS.

9 điểm mới của giáo dục TP.HCM năm học 2017-2018 - 1

Niềm vui năm học mới của học sinh trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TP.HCM). Đây cũng là trường được chọn triển khai mô hình trường tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế từ năm học này.

6. Tuyển sinh lớp 10 chương trình tích hợp

Đây là năm học đầu tiên TP tuyển sinh lớp 10 với 270 chỉ tiêu cho chương trình tiếng Anh tích hợp tại bốn trường THPT là chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Trưng Vương. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, đây là những trường đủ điều kiện về phòng ốc, giáo viên và đã được tập huấn giảng dạy chương trình này.

Được biết, TP đã bắt đầu triển khai chương trình này ở tiểu học và THCS được 4 năm nay và việc triển khai ở THPT năm nay nhằm đảm bảo lộ trình học xuyên suốt cho HS đã học chương trình này từ cấp dưới. Theo đó, các em sẽ học môn toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.

7. Tuyển sinh lớp 6 tiếng Hàn

Đây cũng là năm đầu tiên TP.HCM tuyển sinh lớp 6 tiếng Hàn (ngoại ngữ 2) tại trường THCS Hoa Lư (quận 9) và trường THCS Bình Thọ (quận Thủ Đức), nhằm đáp ứng nhu cầu lựa chọn thêm các ngoại ngữ để học cho các em. Việc chọn học các lớp này do nhu cầu tự nguyện đăng ký của phụ huynh, HS.

8. Điểm danh học sinh bằng thẻ SSC

Từ năm học 2017-2018, thẻ học đường SSC sẽ được phát hành miễn phí cho toàn bộ HS của khoảng hơn 300 trường học. Dần dần sẽ tiến tới phát hành khoảng 2 triệu thẻ cho HS toàn TP. Ngoài việc thu học phí không sử dụng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ tiện ích, thẻ này còn được tích hợp sẵn chức năng điểm danh. Phụ huynh có thể giám sát việc ra vào trường của con thông qua phần mềm điểm danh được cài đặt miễn phí trên điện thoại thông minh.

Đề án này triển khai từ năm 2014 và đến năm học 2016-2017 có 40 trường đã tham gia để thu học phí. Toàn TP có 5 trường THPT đã được lắp đặt hệ thống điểm danh là chuyên Lê Hồng Phong, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Cầu, Tân Phong và Nguyễn Chí Thanh.

Việc phát hành và sử dụng thẻ SSC để điểm danh sẽ hoàn toàn miễn phí. Riêng phí dịch vụ để phụ huynh HS sử dụng thanh toán điện tử qua tài khoản, qua thẻ sẽ là 13.600 đồng/tháng.

9. Mỗi HS có thể chơi được một môn thể thao

Năm học này, TP phấn đấu để HS sẽ được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, cụ thể như tiểu học sẽ có khoảng 80% em được học 2 buổi/ngày...

Các em có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT; Các em có thể chơi được ít nhất 1 môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.  

PTT Vũ Đức Đam: Ngành giáo dục cần xem lại thời gian nghỉ hè cho trẻ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, trong năm học tới, ngành giáo dục phải xem xét lại thời gian nghỉ hè ở Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN