82 sinh viên gian lận vừa bị buộc thôi học: Vì sao Bộ GD&ĐT không gọi bổ sung thí sinh?
Bộ GD&ĐT cho rằng nếu gọi số thí sinh đã bị "trượt oan" để thay thế cho 82 sinh viên vừa bị đuổi học vì liên quan gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 thì sẽ gây ra xáo trộn lớn.
Trao đổi với báo chí ngày 11/5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 82 thí sinh bị huỷ kết quả học tập tại trường đại học, cao đẳng vì liên quan gian lận điểm thi.
Dư luận cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2018 quá bất công khi những người được nâng điểm đã chiếm mất chỗ của thí sinh trung thực khác. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng không thể gọi bổ sung 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ vì sẽ gây ra xáo trộn rất lớn.
Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay (ảnh minh họa).
"Ở góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả thí sinh liên quan”, bà Phụng nói.
Cụ thể, Bà Phụng cho biết, hàng năm có khoảng 22.000 thí sinh trúng tuyển do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không nhập học vào các trường, cũng là chiếm chỗ thí sinh khác. Điều đó cho thấy 82 em được nâng điểm vừa bị buộc thôi học là con số nhỏ.
Nếu giải quyết theo hướng cho 82 thí sinh có điểm tiệm cận vào thế chỗ thì sẽ phải làm gì để giải quyết cho 82 thí sinh ở các nguyện vọng thấp hơn. Vì vậy, tuyển bổ sung sẽ tạo ra hiệu ứng domino với tất cả nguyện vọng của thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho hay việc xử lý sai phạm liên quan kết quả thi THPT của thí sinh không chỉ áp dụng bởi quy chế, mà còn căn cứ một số văn bản pháp luật khác và đề án tuyển sinh của trường đại học.
Cụ thể, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nên việc xử lý thí sinh bị hạ điểm trước hết thuộc thẩm quyền của trường. Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ví dụ, các trường thuộc khối công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã xảy ra vụ gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. Đã có 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó ở Hà Giang là 114 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh và Hòa Bình 64 thí sinh.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Về giải quyết hậu quả, Hà Giang đã xác minh và trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cho thí sinh.
Có 108 thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... bị xác minh liên quan gian lận thi cử. Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học 57 sinh viên thuộc đối tượng này. Con số 51 thí sinh còn lại hiện vẫn đang theo học bình thường.
Báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức sáng 8/5, cho hay, 51 thí sinh bị phát hiện nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 hiện vẫn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Cụ thể, 12 thí sinh từ Hòa Bình có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học. Tại Hà Giang, số thí sinh thuộc đối tượng này là 39 thí sinh (trong tổng số 114 thí sinh được nâng điểm) hiện đang theo học tại 23 trường đại học.
Bộ GD&ĐT cho biết đây là phương án xử lý trước mắt và sẽ vẫn chờ kết luận tiếp theo của cơ quan điều tra, nếu thí sinh nào có tham gia vào quá trình gian lận sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi năm 2019 nhưng thời điểm này vẫn chưa xử lý hết hậu quả của các vụ việc gian...