8 hành động của cha mẹ cứ nghĩ là tốt cho con nhưng lại chạm đến giới hạn của trẻ khiến chúng nổi loạn, phản kháng
Mọi vấn đề của con cái đều có thể tìm thấy ở cha mẹ. Nếu bố mẹ mắc phải 8 thói quen này sẽ khiến con ngày càng nổi loạn mà thôi.
Nhà giáo dục người Ukraina Vasily Suhomlinsky từng nói: "Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình". Sau đây là 8 hành động của cha mẹ khiến con nổi loạn:
1. Cố gắng kiểm soát sự bốc đồng của trẻ
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ bày tỏ sự thất vọng bằng cách răn con "không được làm điều gì đó", nhưng đứa trẻ thường sẽ làm ngược lại.
Không phải lúc nào trẻ con cũng có thể kiểm soát sự bốc đồng của mình. Tự chủ là một kỹ năng chưa phát triển đầy đủ ở trẻ.
Vì vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn điều chỉnh. Khi bình tĩnh, bạn mới có thời gian để suy nghĩ và đưa ra phản ứng có lợi nhất cho trẻ.
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ bày tỏ sự thất vọng bằng cách răn con "không được làm điều gì đó", nhưng đứa trẻ thường sẽ làm ngược lại. Ảnh minh hoạ
2. Khuyên bảo quá nhiều
Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là hiệu ứng quá giới hạn. Đây là một trạng thái tâm lý tiêu cực của con người, chứng minh rằng việc kích thích quá nhiều trong thời gian dài hay kích thích quá mạnh sẽ khiến cho tâm lý cực kỳ khó chịu và có xu hướng phản kháng, nổi loạn.
Nói cách khác, bố mẹ càng khuyên bảo quá nhiều với trẻ, hàm lượng hấp thụ càng thấp, càng ít ý nghĩa.
Trong chương trình tạp kỹ "After School" của Trung Quốc có một cặp mẹ con như vậy. Ngô Hoan Nhuế là một cô bé được đánh giá là hiểu chuyện và dễ thương, có thành tích học tập xuất sắc, đứng top 3 tại trường. Tuy nhiên, mẹ của cô bé vẫn không hài lòng.
Để con gái hiểu rằng những nỗ lực của ngày hôm nay có thể đổi lấy cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, bà luôn lên tiếng thúc ép con gái.
Cho đến một ngày, Ngô gầm lên với mẹ trước khi đóng sầm cửa: "Nếu mẹ tiếp tục thúc ép con như vậy, con sẽ bỏ đi".
Khi nghe thấy lời của con gái, khuôn mặt người mẹ từ ngỡ ngàng chuyển sang bất lực. Bà thực sự không hiểu vì sao sự quan tâm của người mẹ lại đổi lấy thái độ tức giận của con gái.
"Muốn làm mẹ thành công thì phải nhớ hai chữ im lặng. Một khi mẹ thôi cằn nhằn thì con sẽ bớt 50% rắc rối", một nhà giáo dục tham gia chương trình After School sau đó phân tích.
Cũng theo vị này, sự nổi loạn của con cái đôi khi do cách giao tiếp thiếu tôn trọng của cha mẹ dành cho chúng. Đối với trẻ, nói một lần tốt hơn là lặp đi lặp lại nhiều lần.
Khuyên bảo quá nhiều không phải là vũ khí thần kỳ để trẻ thành công, mà nó sẽ cắt đứt sự thân thiết giữa cha mẹ và con cái, khiến chúng ngày càng rời xa cha mẹ hơn.
3. Giúp con làm tất cả mọi việc
Trẻ nhỏ cũng là con người, chúng thích được tự chủ và muốn lời nói của mình được lắng nghe. Vì vậy, thường trẻ sẽ chống đối khi cha mẹ muốn giúp chúng làm việc gì đó.
Bạn nên để con tự làm nếu chúng muốn, tự dọn giường nếu chúng thích thú.
Đây là cách tốt nhất để con biết mình có thể thực hiện các kế hoạch riêng và trở nên tự chủ hơn.
4. Cầu toàn
Tất cả chúng ta đều có những bộ kỹ năng khác nhau: một số người có thể tập trung, những người khác cẩn thận hoặc có xu hướng cầu toàn.
Giống như tiền xu, tất cả các kỹ năng đều có hai mặt. Ví dụ, người cầu toàn tốt cho công việc, nhưng tương tác với đồng nghiệp có thể gặp vấn đề. Tương tự, một đứa trẻ hoàn hảo ở trường học, có thể rất mất tập trung ở nhà.
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải phân biệt được hành vi một đứa trẻ đang thể hiện tại một thời điểm cụ thể, với bản chất thực sự của nó.
Bạn nên xác định những hành vi không mong muốn để điều chỉnh con, đồng thời không chỉ cho con hành động nhất thời đó không đúng. Điều này sẽ giúp trẻ không bị tổn thương tâm lý ở hiện tại và tương lai.
5. Phủ nhận con để mong chúng nỗ lực hơn
Nhà tâm lý học người Mỹ Seligma làm một thí nghiệm: Ông nhốt một con chó vào lồng. Khi tiếng còi vang lên nó bị chích điện công suất nhẹ. Con chó bị sốc, muốn chạy trốn, nhưng chiếc lồng đã khóa chặt nên không thể trốn thoát. Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉ cần tiếng còi vang lên là con chó bắt đầu rên rỉ, run rẩy trong lồng. Ngay cả khi cửa lồng đã mở, nó cũng mất khả năng thoát ra ngoài.
Hiện tượng này chỉ ra rằng khi con người cảm thấy bản thân không thể kiểm soát được những gì xảy ra thì họ có xu hướng đơn giản là từ bỏ và chấp nhận sự an bài của số phận. Sự ì ạch này có thể khiến nhiều người bỏ qua những cơ hội để thay đổi hoặc hành động để bản thân cảm thấy tốt hơn.
Hiệu ứng này cũng áp dụng cho việc giáo dục con cái. Khi bố mẹ dễ dàng phủ nhận năng lực của trẻ ngay từ nhỏ, lớn lên trẻ rất dễ buông xuôi.
Một blogger nổi tiếng ở Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện về một đứa trẻ bị trầm cảm. Khi tái khám, thấy cậu bé đọc sách, bác sĩ khen: "Con thật chăm chỉ". Người mẹ ngồi cạnh mỉa mai: "Nó vờ chăm chỉ đó". Bác sĩ tiếp tục khen cậu bé tiến bộ trong giao tiếp, bà mẹ lại giễu cợt. Vị bác sĩ bất lực nói với người mẹ: "Tất cả nỗ lực của bác sĩ đều bị cô phá hỏng hết".
"Có bao nhiêu bố mẹ đang không ngừng chối bỏ và coi thường trẻ em như thế?", blogger đặt câu hỏi. Anh cho rằng, ngay cả khi đứa trẻ thực sự chăm chỉ, nó cũng bị người mẹ bóp méo thành sự giả tạo. Trong một môi trường gia đình u tối và tuyệt vọng như vậy, đứa trẻ nào lại không nổi loạn?
Trong tác phẩm dành cho thiếu nhi "Don't blame me, it's not my fault", tác giả Jimmy Liao viết: "Trẻ con thà bị cây xương rồng đâm còn hơn nghe lời giễu cợt từ người lớn. Ít ra vết sẹo còn có thể nhìn thấy để chữa lành, còn vết thương do bị coi thường lại là vô hình".
6. Không cho con bộc lộ cảm xúc tiêu cực
Trẻ em trải qua những cảm giác giống như người lớn, chỉ khác chúng không thể che giấu hoặc kìm nén. Hơn hết, không phải lúc nào trẻ cũng biết cách thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói.
Đó là lý do tại sao nên cố gắng giúp con tìm ra những từ phù hợp để nói. Cách tốt để làm điều đó là hỏi trực tiếp trẻ chuyện gì đang xảy ra, cũng như cho con không gian riêng.
Trẻ em trải qua những cảm giác giống như người lớn, chỉ khác chúng không thể che giấu hoặc kìm nén. Ảnh minh hoạ
7. Đặt ra ranh giới không phù hợp
Sự khác biệt về ranh giới luôn là yếu tố khó hiểu đối với trẻ em. Chúng không hiểu tại sao một ngày chúng được thưởng một món quà ngọt ngào và ngày hôm sau thì không, dù cùng một hành động.
Điều quan trọng là phải tuân thủ các quy tắc bạn đặt ra cho một đứa trẻ, cho dù đó là phần thưởng hay thiết lập ranh giới.
8. So sánh con mình với người khác
Bị so sánh với bạn bè, anh chị em là nỗi đau thầm kín của nhiều trẻ. Bao nhiêu người khi còn nhỏ khao khát được cha mẹ công nhận mình hơn là nghe lời khen về con người khác?
Trong sự so sánh lặp đi lặp lại, đứa trẻ từ cảm giác tội lỗi ban đầu trở nên vô cảm ở những lần tiếp sau. Thậm chí nhiều trẻ đã phủ nhận bản thân một cách sâu sắc: "Hóa ra tình yêu của cha mẹ là có điều kiện. Mình không xứng đáng với tình yêu của họ nếu không xuất sắc".
Và rồi trẻ sẽ nghĩ trên đời này sẽ không có ai yêu chúng vô điều kiện, không có ai đáng tin tưởng để chúng dựa vào.
Nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler từng nói, so sánh sẽ làm trẻ mất tự tin và làm tổn thương nặng nề trái tim chúng. Mỗi trẻ đều có ưu điểm riêng vì thế mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Cha mẹ nên tôn trọng, đánh giá đúng khả năng của trẻ, không phân biệt đối xử, hạ thấp trẻ. Để khuyến khích con, có thể so sánh nhưng phải đúng cách. Cha mẹ nên tìm điểm mạnh của con cái để trẻ tự khám phá tiềm năng của chính mình.
Tình yêu đích thực dành cho con cái phải như chúng vốn có chứ không phải như bố mẹ mong muốn. Khi người lớn bỏ đi định kiến và những kỳ vọng không thực tế, cho trẻ em không gian và sự tự do để phát triển, tiềm năng của trẻ sẽ được kích thích.
Cha mẹ yêu thương con cái không có gì sai, nhưng nếu yêu quá mức sẽ khiến trẻ lạc vào tình yêu dị dạng.
Nguồn: [Link nguồn]