8 câu cha mẹ khôn ngoan không bao giờ nói với trẻ vị thành niên

Sự kiện: Dạy con

Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu rõ việc trò chuyện với con là cần thiết. Nhưng có nhiều trường hợp, cha mẹ nhận phải “tác dụng ngược” vì những câu nói chưa khéo léo.

Cha mẹ là thầy giáo tốt nhất của con, những lời cha mẹ nói thường sẽ ảnh hưởng đến con cả đời. Thế nhưng những lời đau lòng nhất trên đời thường lại là lời bố mẹ nói với con. Nếu không muốn con bị tổn thương, đừng nói câu nói này đừng nói với con nữa!

1. "Tất cả những gì bố mẹ làm là vì tốt cho con"

Đầu tiên "Bố mẹ làm tất cả vì muốn tốt cho con" chỉ là lời nói tự mình làm mình cảm động, tự mình đề cao sự hy sinh tự thân. Thoạt nhìn đây là một câu nói đầy tình thương nhưng thực tế lại kiểm soát và bó buộc con, phá hủy con dưới danh nghĩa tình yêu.

Có một cậu bé từ nhỏ đến lớn luôn sống dưới sự kiểm soát của cha mẹ, từ những việc nhỏ như mặc loại quần áo nào, kết bạn với ai, thậm chí chọn trường nào, chuyên ngành gì, mẹ đều muốn can thiệp. Tình yêu mẹ lớn lao khiến cậu bé không thể chống cự, chỉ có thể chấp nhận, dần dần không có khả năng sống tự lập, cũng không có kỹ năng giao tiếp, sống như một đứa trẻ to xác..

Bị kìm kẹp lâu ngày, không có tự do, cuối cùng khiến cậu mệt mỏi về cả thể xác và tinh thần, mắc bệnh trầm cảm.

Khi người khác hỏi, mẹ cậu chỉ biết khóc trong hối hận: "Tôi làm tất cả đều vì tốt cho thằng bé, ai biết được…".

Khi giáo dục con cái, tránh nói nhưng câu mang tính áp đặt nhưng lại khó hiểu. Ảnh minh hoạ

Khi giáo dục con cái, tránh nói nhưng câu mang tính áp đặt nhưng lại khó hiểu. Ảnh minh hoạ

2. "Con là niềm hy vọng duy nhất của gia đình"

Đừng đặt ý nghĩa cuộc sống của người lớn vào việc "bắt trẻ phải hứa". Mặc dù kết quả học tập là quan trọng nhưng đó không phải là điều kiện duy nhất để có được cuộc sống thành công. Một ý chí kiên cường, thái độ lạc quan và tấm lòng nhân hậu, biết đồng cảm là tất cả những điều trẻ không thể thiếu trong tương lai.

Không ít cha mẹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào con khiến cuộc sống của chúng bị nhấn chìm trong trong những tham vọng, sự cầu toàn của người lớn. Vì tham vọng này, cha mẹ đã chẳng hề quan tâm xem con mình thích gì, khả năng thực lực đến đâu. Và khi không thể đáp ứng được kỳ vọng đó, một số em đã tìm đến ý nghĩ tiêu cực, khiến cha mẹ hối hận.

Thay vào đó, có thể nói: "Bố mẹ tin con sẽ làm được, bố mẹ hiểu con mà".

3. "Nếu không làm việc chăm chỉ, con sẽ hối hận cả đời"

Trong cuốn "Cách trò chuyện với trẻ em để xây dựng động lực, giải quyết áp lực và ngôi nhà hạnh phúc", hai nhà giáo dục, tâm lý học William Stixrud và Ned Johnson khẳng định khơi dậy nỗi sợ hãi là một trong những cách kém hiệu quả nhất để kích thích động lực bên trong của con trẻ. Thậm chí, nó còn gây áp lực bất lợi cho con. Các con sẽ cảm thấy căng thẳng, dần dẫn đến né tránh những lời khuyên từ cha mẹ.

Ngoài ra, người lớn đang đưa ra một viễn cảnh khá xa nằm ngoài tầm hiểu biết của các con. Vì vậy, câu nói này được hai vị chuyên gia đánh giá là vô nghĩa, dễ phản tác dụng. Thay vào đó, cha mẹ khôn ngoan nên khuyến khích con. Các tác giả đưa ví dụ: "Con chưa làm phép tính nhân ba chữ số được nhưng con sẽ học được nhanh thôi. Nhìn này, con đã biết nhân hai chữ số thành thạo rồi cơ đấy".

Chúng ta cũng có thể cho trẻ thấy việc đang làm không dễ dàng nhưng nếu tiếp tục tập luyện, con sẽ chinh phục được và tự tin đối mặt với các thử thách tương lai. "Cha tin con sẽ làm tốt" - đây là lời gợi ý mà chuyên gia đưa ra.

4. "Nhìn con nhà người ta xem"

Bạn ghét bị đối xử như thế nào, đừng làm như thế với người khác. Nếu con bạn nói: "Nhìn mẹ của người ta xinh đẹp thế nào", "Nhìn xem bố của người ta tốt thế nào," "Nhìn xem con nhà người ta học trường xịn ra sao", "Nhìn xem gia đình người ta giàu có thế nào", là phụ huynh, bạn có thể chấp nhận những lời này không? Bạn không thể chấp nhận thì tại sao lại nói với con như lời tương tự?

Chấp nhận sự tầm thường của con cái, giống như cách con cái chưa bao giờ yêu cầu cha mẹ phải xuất sắc như thế nào!

Bị so sánh với những đứa trẻ khác khiến con vừa đau khổ vừa dần hình thành trong chúng niềm tin luôn thua kém. Ảnh minh hoạ

Bị so sánh với những đứa trẻ khác khiến con vừa đau khổ vừa dần hình thành trong chúng niềm tin luôn thua kém. Ảnh minh hoạ

5. Bố mẹ xấu hổ vì con

Nếu trẻ mắc lỗi và đã biết là sai, không cần phải tiếp tục đay nghiến và nhấn mạnh lại các lỗi của trẻ. Bố mẹ cần giúp trẻ giải quyết vấn đề chứ không phải để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực của chính mình.

Nhiều cha mẹ luôn nghĩ con mãi là những em bé chưa lớn, không coi con như những người bạn để cùng lắng nghe con tâm sự, luôn áp chế con, ép buộc con phải làm theo ý mình. Nếu không như ý, sẽ khiến con phải nghe lời càm ràm, lời nặng nề hay sự đe dọa. Thay vì làm như thế, cha mẹ cần bình tĩnh, chọn cách ngồi bên con, nói và giải thích cho con hiểu. Sự việc nào cũng sẽ được tháo gỡ. To tiếng chính là sợi dây nhiều nút thắt chặt lại rắc rối nhiều vòng hơn.

6. "Đừng lo, có cha/mẹ đây rồi"

Càng lớn, trẻ càng muốn vẫy vùng tự do. Phụ huynh không thể luôn ở bên con mọi lúc hay theo dõi nhất cử nhất động của trẻ. Nếu con luôn nghĩ cha mẹ sẽ giải quyết thay mọi việc, chúng sẽ có xu hướng cư xử liều lĩnh hơn, thậm chí thiếu trách nhiệm với hành động đang, sẽ làm.

Phụ huynh cũng nên để trẻ được phép mắc sai lầm. Bởi chúng ta không thể bảo vệ con mãi trong lồng kính, hãy để trẻ khám phá thế giới xung quanh, học cách đứng dậy sau vấp ngã. Vai trò của cha mẹ là định hướng, phân tích đúng sai, đưa cách giải quyết hợp lý thay vì trấn an mọi việc đã có phụ huynh lo.

Đặc biệt ở tuổi mới lớn, các con sẽ tò mò về thế giới, nếu càng cấm đoán, con sẽ càng tìm cách "vượt rào". Nhưng điều này cũng không có nghĩa bạn nên im lặng hoặc mặc kệ để trẻ tự hành xử. Chúng ta cũng cần có những lúc cứng rắn nói không, đặc biệt phân tích về rủi ro, trách nhiệm có thể xuất hiện.

7. "Sao con ngốc thế?"

"Con ngốc thế thì sau này chỉ có đi nhặt rác", một vài phụ huynh thường mắng con thế này mà không biết rằng IQ của con có liên quan đến gen di truyền của cha mẹ.

Yếu tố di truyền này chiếm 70%, vì vậy đừng nói trẻ ngốc, điều này tương đương với việc bạn đang chê bai chính bản thân bạn. 30% còn lại có thể thông qua nỗ lực để trở nên thông minh hơn, nhưng đã bị bậc làm cha làm mẹ như bạn đánh bại. Làm cha mẹ mà không biết cách khích lệ con, chỉ biết chỉ trích và châm biếm, điều này sẽ làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ!

8. Bố mẹ không thể dạy nổi con nữa, phải không?

Đối với trẻ vị thành niên, những thay đổi về cách hành xử, những hành động bột phát có thể khiến cha mẹ khó hiểu và gây ra những mâu thuẫn giữa hai thế hệ. Khi cha mẹ muốn chỉ ra những hành vi sai của con thì nên nói chuyện với trẻ như những người bạn, hãy giải thích về những lo lắng của mình thay vì mắng mỏ hay nói lời cay nghiệt.

Chưa kể, cha mẹ càng nói câu này, trẻ càng thích chống lại. Trong trường hợp này, bố mẹ và con cái trở thành hai đối thủ trong một cuộc chiến. Bố mẹ càng muốn nhấn mạnh uy quyền của mình, trẻ càng muốn phá bỏ ranh giới này và chứng tỏ giá trị của chúng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN