8 cách bố mẹ có thể nuôi dưỡng con mình trở thành người sống giàu tình cảm
Nhiều bậc phụ huynh chú trọng với IQ của con mình mà bỏ qua EQ (chỉ số cảm xúc). Trên thực tế, chỉ số cảm xúc vô cùng quan trọng, nó có thể giúp bạn chống lại những căng thẳng trong cuộc sống cũng như cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh.
1. Bố mẹ đừng trốn tránh những cảm xúc tiêu cực của con mình
Nếu bỏ qua những cảm xúc tiêu cực hoặc thậm chí đổ lỗi cho con cái, điều này có thể khiến trẻ bị trầm cảm. Sự trách móc và thờ ơ của bố mẹ sẽ khiến con cái cảm thấy ngày càng sợ hãi và chán ghét bố mẹ mình hơn.
Vì vậy, tốt nhất là bố mẹ nên giải quyết các vấn đề thay vì giả vờ rằng mọi thứ đều ổn.
Ảnh minh họa.
2. Bố mẹ nên lắng nghe con mình một cách tích cực
Việc lắng nghe một cách chân thành là phần thiết yếu để nuôi dưỡng EQ của con cái. Việc này đòi hỏi sự tương tác trong quá trình nói chuyện. Nếu bố mẹ chú tâm tới những gì con cái nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, lắng nghe một cách tích cực, đứa trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và tự tin hơn.
3. Bố mẹ dạy con cái cách giải quyết vấn đề
Điều quan trọng bố mẹ nên dạy con cái cách đối phó với những vấn đề đang xảy ra thay vì nổi cơn thịnh nộ. Khuyến khích con cái nhờ người khác giúp đỡ hoặc chia sẻ với ai đó mình có thể tin tưởng để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực đang có. Đặc biệt, bố mẹ cần chú trọng tới việc để trẻ tự đưa ra những cách giải quyết cho riêng mình.
4. Tận dụng trò chơi giả vờ
Bố mẹ có thể chơi các trò chơi đóng giả một số tình huống xảy ra trong xã hội, để con cái học được cách phản ứng. Việc đóng giả như thế này sẽ giúp trẻ thể hiện sự sáng tạo của bản thân, thể hiện sự đồng cảm và hiểu người khác hơn.
5. Để trẻ bộc lộ cảm xúc tiêu cực một cách an toàn
Đôi khi trẻ khó kiềm chế được sự thất vọng. Nếu bố mẹ không dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc của mình, chúng sẽ dần có xu hướng bạo lực. Bố mẹ có thể dạy trẻ cách xả stress lành mạnh, chẳng hạn như đấm vào gối, chạy thật nhanh thay vì đánh ai đó hoặc ném đồ đạc.
6. Dạy trẻ biết được nguyên nhân đằng sau những cảm xúc tiêu cực của bản thân
Trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sự thất vọng là sự thay đổi bất ngờ. Ngoài ra, có một số yếu tố liên quan tới thể chất như đói hoặc mệt mỏi cũng gây ra sự bực bội, cáu kỉnh. Mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng có thể hiểu được các nguyên nhân nhưng bố mẹ vẫn cần cho con cái biết điều này.
7. Dạy trẻ biết về ngôn ngữ cơ thể
Cảm xúc ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất. Chúng ta có xu hướng đau đầu khi bực bội hoặc cảm thấy cồn cào trong bụng khi lo lắng. Khi trẻ biểu hiện sự hoảng sợ, hãy ngăn chúng lại và hỏi xem chúng cảm thấy cơ thể của mình như thế nào, từ đó có cách xử lý phù hợp.
8. Bố mẹ đừng che giấu cảm xúc của chính mình
Việc bố mẹ cởi mở, trung thực sẽ khiến con cái cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ với vấn đề mình quan tâm. Nếu bố mẹ luôn che giấu việc mình đau khổ bằng khuôn mặt lúc nào cũng cười nói, con cái có xu hướng nghĩ rằng bố mẹ mình sống giả tạo.
Nguồn: [Link nguồn]
Những biểu hiện tiêu cực của con cái không tự nhiên mà có, phần lớn đều bắt nguồn từ cách dạy dỗ của bố mẹ.