7 nguyên tắc vàng khi dạy con, nhiều cha mẹ ước giá như được biết sớm
Nếu áp dụng được hết những nguyên tắc này, cha mẹ sẽ nuôi dưỡng con mình trở thành một đứa trẻ lạc quan, kỷ luật và tự tin.
1. Quy tắc bể cá
Nếu thả một con cá nhỏ vào bể cá, nó vẫn là một con cá nhỏ sau vài năm. Nhưng một ngày nọ, bể cá bị vỡ và những con cá nhỏ được thả xuống ao, chúng phát triển thành cá lớn một cách kỳ diệu.
Đối với giáo dục cũng vậy, chỉ có phá vỡ “bể cá”, trẻ mới phát triển được nhiều hơn.
Những đứa trẻ sáng tạo, xuất sắc luôn có cha mẹ biết nhìn xa trông rộng. Họ sẽ cho con mình môi trường thoải mái để phát triển tài năng của bản thân.
2. Hiệu ứng Rosenthal
Hiệu ứng Rosenthal, cũng được gọi là "hiệu ứng Pygmalion", là một hiện tượng trong tâm lý học xã hội mà sự kỳ vọng của người khác đối với một cá nhân có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và phát triển của cá nhân đó.
Hiệu ứng này được đặt tên theo tên nhà tâm lý học Robert Rosenthal, người đã nghiên cứu và mô tả hiện tượng này trong các nghiên cứu về giáo dục.
Theo hiệu ứng Rosenthal, khi ai đó có kỳ vọng cao về khả năng hay thành công của một người, người đó sẽ có xu hướng đạt được những kết quả tốt hơn so với những người mà không được kỳ vọng cao. Ngược lại, nếu ai đó có kỳ vọng thấp về một người, người đó có thể gặp khó khăn và không đạt được tiềm năng của mình.
Hiệu ứng Rosenthal đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như giáo dục, nơi kỳ vọng của giáo viên đối với học sinh có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập của trẻ.
3. Định luật củng cố
Định luật củng cố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn trẻ em phát triển thói quen tốt.
Một thói quen tốt chính là một tài sản, sẽ mang lại lợi ích suốt đời cho con người. Để trẻ em hình thành thói quen tốt, yếu tố quan trọng là sự hướng dẫn và việc làm gương của cha mẹ.
Có một "thí nghiệm cá voi" khiến nhiều người kinh ngạc. Các nhà khoa học đặt một bức tường kính trong nước, cá voi và thức ăn được đặt ở hai phía khác nhau. Ban đầu, khi cá voi va chạm mạnh vào kính nhiều lần mà không lấy được thức ăn, nó đã bỏ cuộc.
Sau đó, nhà khoa học gỡ bỏ bức tường kính nhưng cá voi vẫn nghĩ có một bức tường ở đó nên không bơi qua lấy thức ăn.
Hành vi của con người cũng tương tự, sau một khoảng thời gian hoặc một số trải nghiệm lặp đi lặp lại sẽ hình thành thói quen.
Vì vậy, để trẻ em hình thành thói quen đọc sách, cha mẹ cần đọc sách cùng con hằng ngày vào thời gian cố định. Để trẻ em hình thành thói quen vận động, cha mẹ cần thường xuyên tập thể dục cùng con. Để trẻ em hình thành thói quen không xem điện thoại, cha mẹ không nên cầm điện thoại xem suốt ngày trước mặt con.
Cổ nhân đã dạy, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.
4. Luật sói
Sói là loài động vật tò mò nhất trên thế giới. Chúng không coi mọi thứ là điều hiển nhiên mà thích tự mình trải qua.
Albert Einstein từng nói: "Tôi không có năng khiếu đặc biệt, chỉ có tính tò mò mạnh mẽ. Người luôn giữ tò mò sẽ luôn tiến bộ".
Tò mò là nguồn gốc của mọi sở thích và là động lực vô hạn để trẻ khám phá kiến thức.
Khi trẻ cho thấy sự tò mò với những điều mới, cha mẹ không nên can thiệp nhiều, và đặc biệt không nên ngăn cản một cách thẳng thừng.
Cách thông minh nhất là khuyến khích trẻ suy nghĩ, hướng dẫn chúng đặt câu hỏi, để thử và khám phá.
5. Quy tắc gió nam
Giáo dục trẻ em đòi hỏi phải chú trọng cách thức và phương pháp.
So sánh giữa gió bắc và gió nam, xem bên nào có thể cởi bỏ áo khoác của người đi đường. Gió bắc lạnh lẽo đến xương tủy, người đi đường càng muốn giữ chặt áo. Gió nam thổi nhẹ nhàng, ấm nóng khiến người ta chỉ muốn cởi áo cho nhanh.
Nguyên tắc gió nam nhấn mạnh: Sự khoan dung có sức mạnh to lớn hơn việc trừng phạt.
Giáo dục trẻ em cũng vậy, khi chỉ trích một cách mù quáng sẽ khiến trẻ ngày càng nổi loạn, không nghe lời. Trong khi đó, bằng cách yêu thương, khoan dung sẽ có hiệu quả hơn so với hình phạt độc đoán và đòn roi.
Mỗi đứa trẻ đều có thể mắc lỗi, cha mẹ cần khoan dung với nhược điểm của trẻ, xử lý các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày một cách khách quan, hợp lý và khoa học. Đồng thời, hiểu và thông cảm cho trẻ, bắt đầu từ chính bản thân và làm tốt công việc tự giáo dục, chỉ như vậy mới có thể giáo dục trẻ tốt hơn.
6. Quy luật tự nhiên của sự trừng phạt
Nhà giáo dục người Pháp Rousseau tin rằng: “Hình phạt mà một đứa trẻ phải nhận là kết quả tất yếu của lỗi lầm mà chúng gây ra”. Vì vậy ông đề xuất “Luật trừng phạt tự nhiên”.
Nói một cách đơn giản, hãy cho trẻ cơ hội để thử dù đó là việc làm sai, để trẻ tự gánh lấy hậu quả do mình tự gây ra. Trẻ sẽ hiểu được mức độ nghiêm trọng, từ đó học cách suy nghĩ và sửa chữa lỗi lầm.
Ví dụ, nếu trẻ nhất quyết muốn làm một việc gì đó, cha mẹ chỉ cần nhắc nhở đơn giản. Nếu trẻ không tin thì có thể để trẻ làm theo ý mình nhưng hậu quả phải tự gánh chịu.
Quy luật trừng phạt tự nhiên là như vậy, tăng cường những trải nghiệm đau đớn để trẻ rút kinh nghiệm.
7. Quy luật trì hoãn sự hài lòng
Có một "thí nghiệm kẹo" nổi tiếng ở Mỹ: Hàng chục đứa trẻ, mỗi đứa ngồi một mình trong một lớp học nhỏ, với những viên kẹo yêu thích được đặt trên bàn.
Các nhà nghiên cứu nói với bọn trẻ rằng, chúng có thể ăn kẹo ngay nhưng sẽ không nhận được phần thưởng. Ngược lại, nếu có thể đợi cho tới khi nhà nghiên cứu quay lại, chúng có thể nhận thêm 1 viên kẹo.
Hầu hết trẻ em không thể cưỡng lại sự cám dỗ của kẹo nên ăn ngay lập tức. Chỉ một số ít đứa trẻ nhất quyết không ăn kẹo cho đến khi các nhà nghiên cứu quay lại.
Nghiên cứu và theo dõi những đứa trẻ này sau 1 thời gian dài và nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt. Những đứa trẻ có thể chống lại sự cám dỗ sẽ có mục tiêu rõ ràng hơn trong cuộc sống tương lai, có khả năng chịu đựng được những lợi ích ngắn hạn hơn và có nhiều khả năng thành công hơn trong sự nghiệp.
Trong việc giáo dục con cái, phương pháp nuôi dạy con bằng cách trì hoãn sự hài lòng sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ. Nghĩa là khi trẻ có một nhu cầu, cha mẹ không thỏa mãn trẻ ngay mà đặt ra một số điều kiện để trẻ rèn luyện ý chí và sự kiên trì trong khi chờ đợi.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là những kiểu cha mẹ độc hại ảnh hưởng xấu tới tương lai của con cái nhất.