Học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình
Không phải một mà nhiều học sinh đang học tại các trường tiểu học, THCS ở Hướng Hóa (Quảng Trị) không biết đọc, biết viết. Địa phương đã lên tiếng phản đối nhưng các trường vẫn cố giấu giếm thực trạng này.
Không biết chữ vẫn... đều đều lên lớp
Em Hồ Văn Thăng (trú thôn A Doan, xã A Dơi), học sinh lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS A Dơi là người được chỉ “đích danh” là chưa biết viết, biết đọc, không biết làm phép tính toán. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì không hiểu trên lớp em học thế nào. Khi được hỏi, Thăng nói: “Lên lớp, em nhìn theo nét chữ của cô giáo để chép lại vào vở chứ tự mình viết thì em không viết được. Trong giờ kiểm tra, cô giáo chép một nửa bài giải lên bảng sau đó em chép theo. Một nửa bài giải còn lại em nhìn bài bạn nhưng em không chép kịp, và chép chữ mà không có dấu nên chỉ được trung bình 6 điểm mỗi bài kiểm tra” – Thăng thật thà kể. Chúng tôi bảo Thăng viết tên của mình thì em bảo không viết được.
Cùng lớp với Thăng có em Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn cũng không biết viết, biết đọc. Chúng tôi ra phép toán thì Nhơ chỉ cộng được các số dưới 20, các phép tính khác em nói “bó tay”. Còn bảo Nhơ viết tên mình thì em viết sai vì không có dấu.
Thăng và Nhơ đều cho biết, các em có đầy đủ sách vở và đi học rất thường xuyên. Cô thầy biết hai em không biết chữ nhưng không dạy phụ đạo mà bảo các em nhờ bạn bè bày vẽ cho. “Không biết chữ, buồn và xấu hổ với bạn bè, nhiều lúc em muốn bỏ học nhưng lại sợ ba mẹ, cô thầy nên ngày nào cũng đến lớp mà không biết gì” – Nhơ nói.
Chúng tôi tiếp tục đến thôn Kì Nơi, xã A Túc (Hướng Hóa) tìm hai anh em Hồ Văn Thế (lớp 5B) và Hồ Văn Thùy (lớp 4) cùng học Trường Tiểu học A Túc. Trong căn nhà sàn rách nát, anh Hồ Văn Đức - bố của Thế lo lắng nói: “Đời chúng mình nghèo vì thiếu cái chữ nên muốn con đi học kiếm cái chữ thoát nghèo. Ai ngờ cô thầy dạy thế nào mà con mình năm nào cũng lên lớp nhưng không biết viết, biết đọc gì cả”.
Kiểm tra Thế, chúng tôi tá hỏa khi em không có bất cứ kiến thức gì, chữ cái cũng không viết được. Có mặt chứng kiến sự việc, chị Hồ Thị Giới – Phó ban Dân vận xã A Túc bức xúc nói: “Tôi thật sự thấy buồn về cách dạy của thầy cô giáo, nếu các em cứ lên lớp mà không biết chữ như thế này thì rất nguy hiểm cho xã hội, và tốn tiền của gia đình”.
Không đi học vẫn nhận được giấy khen tiên tiến
Theo chỉ dẫn của chị Giới, chúng tôi nhận được phản ảnh của anh Hồ Văn Lêng - công an viên thôn Ba Lin (A Túc). Anh Lêng cho hay, cuối năm học 2012-2013, anh phát hiện con trai mình là Hồ Xuân Luật, học xong lớp 1, Trường Tiểu học A Túc nhưng vẫn chưa biết chữ. Năm học 2013-2014, anh quyết định cho con ở nhà để anh tự dạy. Thế mà đến cuối năm học, Luật vẫn nhận được giấy khen là “học sinh tiên tiến”. Anh Lêng nói: “Thấy bạn thằng Luật đem giấy khen của trường về cho nó tôi ngạc nhiên vô cùng. Thằng Luật có đi học đâu mà có giấy khen. Bức xúc quá, trong cuộc họp cử tri xã tôi đã phản ánh. Tháng 9.2014, nhà trường đến lấy lại giấy khen”.
Sau 1 năm được anh Lêng kèm cặp, Luật đã biết viết, biết đọc. “Ở vùng cao này, mình chỉ cần con cái rành rọt con chữ rồi mới tính đến chuyện học cao, hiểu rộng”- anh Lêng thật thà.
Gặp ông Bùi Công Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Túc, chúng tôi được ông khoe rằng, trường đã đạt phổ cập từ lâu. Hàng năm, trường có 300 học sinh, trong đó khoảng 45 em đạt học sinh giỏi, chưa kể học sinh tiên tiến.
Giải thích việc em Luật không đi học vẫn nhận được giấy khen, ông Minh ấp úng cho rằng, giáo viên có chút nhầm lẫn, do lỗi… đánh máy. Còn việc em Hồ Văn Thế không biết chữ mà lên lớp 5, ông Minh nói rằng: “Đó là một số em bị khuyết tật nên cho các em ở lại lớp cũng thế mà cho lên lớp cũng thế”. Tuy nhiên, ông Minh lại nói: “Các em bị khuyết tật hay không chúng tôi không rõ”.
Ông Minh còn cho rằng, tuy Bộ GDĐT không quy định bắt buộc trường phải cho học sinh lên lớp nhưng vì sổ học bạ tiểu học (cũ) chỉ có 7 trang ghi cho 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) nên việc phải làm bằng mọi cách để học sinh lên lớp được coi như một quy định ngầm, để đạt chỉ tiêu được giao. Nếu không đạt chỉ tiêu thì cán bộ, giáo viên sẽ bị hạ mức danh hiệu thi đua từ lao động tiên tiến xuống lao động trung bình; hoặc từ lao động trung bình xuống không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị kéo dài thời gian nâng lương. Ông Minh cho hay, trường có một vài giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến như thầy Nguyễn Quang Đức (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NTNN, lớp 5A có em Hồ Văn Quyền không biết chữ.
Một sự thật khó tin nữa được ông Hồ Xa Cách – Chủ tịch UBND xã A Dơi tiết lộ, đó là vào kỳ thi cuối cấp 2005-2006, 14 học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS A Dơi đi thi thì có đến 8 em không biết chữ, không viết được tên mình. “Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở thầy cô trong trường nhưng không ăn thua”-ông Cách nói.
Tìm hiểu của PV NTNN, rất nhiều học sinh ở Hướng Hóa khi vào học các trường THPT được vài tháng thì phải bỏ học. Lý do, giáo viên trường THPT kiểm tra bài gắt gao, các em không biết chữ nên không thể học được và vì xấu hổ với bạn bè.