7 kiểu gia đình dễ khiến trẻ bị trầm cảm, bi kịch ở chỗ cha mẹ không hề nhận ra sai lầm của mình
Trẻ trầm cảm không hình thành trong một ngày mà bị ảnh hưởng một cách từ từ từng ngày một. Nguy hiểm là nhiều cha mẹ coi nhẹ vấn đề tinh thần của con, cho rằng con "làm quá" để gây chú ý.
Cách đây ít lâu, một video trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) thu hút sự quan tâm của hơn 300 triệu người. Trong video, một cô gái họ Mã nói rằng bản thân đã vật lộn với bệnh trầm cảm bảy năm qua, nhiều lần muốn tự tử.
Nhưng khi cô nói với mẹ, bà trả lời: "Con vẫn luôn như thế, đã bao năm rồi? Con vẫn tỏ ra mình khác biệt, bản thân không tự chịu còn bắt ai chịu thay". Mã kể chậm rãi, nói xong cười tuyệt vọng.
"Không thể tưởng tượng khi con cái bị trầm cảm mà cha mẹ lại chẳng biết gì, thậm chí còn trách chúng là giả vờ hay đạo đức giả", nhiều độc giả để lại bình luận dưới video của Mã.
Vào năm 2012, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về chứng trầm cảm của gần 3.000 thanh thiếu niên từ độ tuổi 10-25 tại Trung Quốc. Kết quả là cứ 5 trẻ thì 1 em bị trầm cảm.
Về mặt tâm lý, trầm cảm bắt nguồn từ sự tấn công bên ngoài khiến trẻ luôn tự ti, thậm chí ghét bỏ bản thân. Cảm xúc và sự tức giận bị kìm nén này lại không được bộc lộ ra ngoài, trẻ tự chịu đựng, cô đơn trong chính nơi được gọi là mái ấm.
Áp lực gia đình kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt là có khả năng làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó phổ biến nhất là chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Ảnh minh hoạ
Có 7 kiểu gia đình dưới đây dễ khiến trẻ trầm cảm nhất.
1. Gia đình thờ ơ với con cái về mặt tình cảm
Mối quan hệ cha mẹ và con cái này còn tàn nhẫn hơn cả bạo lực. Ở trong một gia đình như vậy lâu dài, đứa trẻ sẽ có lòng tự trọng thấp, không có cảm giác thân thuộc, bất an, thiếu tình yêu thương, thậm chí trầm cảm.
Thậm chí, cha mẹ yêu con vẫn cần phải thể hiện tình yêu với con.
Nhà tâm lý học người Mỹ Jeffrey Bernstein từng viết: "Bạn yêu con thôi chưa đủ. Nếu bạn không bày tỏ thành lời, đứa trẻ sẽ không thể cảm nhận được tình yêu của bạn".
Các bậc cha mẹ châu Á thường ngại thể hiện tình yêu với con bằng lời nói, đặc biệt là khi bước con qua tuổi nhũ nhi.
Theo quan niệm truyền thống Á đông, cha mẹ nghĩ rằng bày tỏ bằng hành động chăm sóc, nuôi nấng... sẽ ý nghĩa và thiết thực hơn.
Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu thương này khiến nhiều trẻ lầm tưởng cha mẹ không yêu mình. Trong khi đó, cha mẹ phương Tây thoải mái hơn trong việc này.
Nếu việc thốt ra lời yêu khiến bạn ngần ngại, có thể bắt đầu bằng việc viết một lời nhắn, một bức tranh, một lá thư gửi con với ba chữ "Bố/mẹ yêu con", điều này sẽ rất có ý nghĩa với đứa trẻ.
2. Gia đình có kỳ vọng quá cao vào con cái
Trong một chương trình truyền hình có một cậu bé dù mới 6 tuổi nhưng đã có "lịch trình phát triển bản thân" được bố mẹ sắp xếp dày đặc.
Từ 3 tuổi, cậu đã bắt đầu học lớp học năng khiếu, 5 tuổi tham gia vào các lớp học thêm, 6 tuổi học lớp tài năng.
Dù một tháng có 30 ngày, nhưng cậu không có ngày nào để nghỉ ngơi cả. Tất cả chỉ có học và học mà thôi.
Cậu bé cũng rất hiểu chuyện, nghiêm túc thực hiện mọi kế hoạch hàng ngày mà bố mẹ đặt ra.
Nhưng qua những chi tiết nhỏ, có thể thấy rõ vấn đề tâm lý của bé: cậu bé có chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, khi sắp xếp đồ đạc phải rất gọn gàng.
Cậu bắt đầu nuôi trong mình thói quen làm hài lòng bố mẹ, ngay cả khi bản thân cảm thấy không vui.
Cậu không biết cách xã giao, không biết cách kết bạn và không có bạn bè. Cũng chính vì thế mà cậu không biết thế nào là niềm vui tuổi thơ.
Cha mẹ kỳ vọng rất cao vào con cái, và vì muốn làm hài lòng bố mẹ, trẻ không ngừng o ém bản thân và làm vui lòng bố mẹ.
Nhìn bề ngoài, trẻ có vẻ rất hiểu chuyện, nhưng thực tế là trái tim của trẻ đang dần "vụn vỡ" mà kết nối gia đình bắt đầu cách xa.
Trẻ trầm cảm không hình thành trong một ngày mà bị ảnh hưởng một cách từ từ từng ngày một. Ảnh minh hoạ
3. Gia đình luôn phủ nhận cố gắng và đánh giá thấp về con
Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh kể chuyện: "Một cháu bị trầm cảm đi tái khám. Lúc chờ bác sĩ, cậu bé mở sách ra đọc, khi trở về bác sĩ khen: 'Cháu chăm chỉ thật'.
Không ngờ mẹ cậu bé đáp trả ngay: 'Chăm chỉ gì, chỉ toàn giả vờ'".
Vị bác sĩ cho rằng, dù con có tâm lý không bình thường, bố mẹ cũng không thể sử dụng cách mỉa mai này để giao tiếp với trẻ.
Bác sĩ rất nỗ lực hàn gắn tâm lý cho trẻ nhưng chỉ vì câu nói của người mẹ mà mọi công sức tiêu tan.
"Nhiều cha mẹ thực sự không biết vì sao trẻ trầm cảm, cũng không hiểu tại sao có đứa đòi chết. Bố mẹ hết lòng yêu thương trẻ cũng có thể là người làm tổn thương trẻ nhiều nhất", vị bác sĩ nói.
Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc một người kể câu chuyện của mình: "Khi còn nhỏ, trên đường đi học chẳng may bị xe đâm, tôi sẽ bị mắng là chậm chạp, không biết tai nạn mà tránh. Nếu bị bạn cùng lớp lấy mất tiền, bố mẹ sẽ quy cho tôi tội không trung thực, tiêu tiền bừa bãi còn nói dối. Bị bạn khác đánh, sưng đầu mẻ trán nhưng người bị mắng vẫn là tôi. Tại sao tôi không bắt nạt người khác mà bố mẹ lại cứ bắt nạt tôi?".
Với trẻ, sự đánh giá của cha mẹ chính là cách chúng nhận biết giá trị bản thân. Gặp trắc trở gì bố mẹ đều đổ lỗi cho trẻ, gặp thất bại gì trẻ cũng bị bố mẹ nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị hao mòn, lòng tự trọng bị đánh gục và cuối cùng rơi vào bóng tối.
4. Gia đình chỉ quan tâm đến điểm số của con cái
Không ít phụ huynh khi thấy con bị điểm kém liền nặng lời trách mắng. Cũng không ít phụ huynh đưa ra lời dọa dành cho con trước kỳ thi: "Bị điểm kém thì cứ liệu hồn đấy", "Điểm số không nằm trong top 3 thì đừng về nhà nữa",…
Việc cha mẹ quá chú trọng vào thành tích, vào điểm số chỉ khiến con cảm thấy căng thẳng. Như vậy, trẻ sẽ dễ mắc lỗi sai khi làm bài.
Một khi trẻ học không tốt sẽ rơi vào trạng thái tự trách móc, lo lắng, có lỗi với cha mẹ, những cảm xúc tiêu cực lâu dài sẽ khiến trẻ dễ bị trầm cảm.
Các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực cho con. Chỉ cần con nỗ lực hết sức thì điểm số dù thấp cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng.
Điểm số, thành tích không quan trọng bằng sự cố gắng phi thường của con. Vì thế, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, nói cho con hiểu rằng điểm số không phải là điều quyết định tất cả.
Điều này sẽ giúp trẻ duy trì được tâm trạng thoải mái, tích cực. Từ đó, trẻ sẽ hoàn thành bài kiểm tra một cách tốt nhất.
5. Gia đình bỏ bê con cái
Có một câu chuyện như thế này: Một cô bé 12 tuổi, vì cha mẹ không hạnh phúc, không tìm được tiếng nói chung nên họ đã quyết định đem nhau ra tòa để ly hôn.
Để không ảnh hưởng đến cuộc sống mới của nhau, họ đã gửi con gái đến một trường học nội trú.
Cô bé vì không thể thích nghi với cuộc sống ở trường học nội trú nên đã nhiều lần "cầu cứu" cha mẹ với hy vọng có thể trở lại trường học cũ, nhưng cha mẹ cô bé lại ngó lơ mọi thứ.
Một lần, cô bé lén về nhà và khi bị phát hiện, cô đã bị đánh và mắng mỏ. Tối hôm đó, mẹ cô bé đã nấu một bữa tối với đầy những món ăn mà cô bé không thích.
Lúc đó, cô bé vừa ăn vừa khóc. Mẹ cô nghĩ con gái đang làm bộ nên cũng chẳng bận tâm.
Ngày hôm sau, khi mẹ cô bé chuẩn bị đánh thức con để đưa con đến trường học nội trú thì đã thấy cảnh tượng kinh hoàng: cô bé đã tự tử ngay trong phòng ngủ của mình.
Không có gì đáng sợ bằng việc trẻ em bị cha mẹ bỏ quên. So với những trẻ thường xuyên bị chỉ trích, đánh đập, mặc dù không gây thương tích nhiều, nhưng kiểu dạy con này lại làm tổn thương tinh thần của chúng rất nhiều.
Không có sự quan tâm của cha mẹ, không có tình yêu, trẻ em sẽ cảm thấy mình không có giá trị, thậm chí ghét bỏ bản thân mình, tâm hồn càng trở nên khô cằn và cuối cùng dẫn đến trầm cảm.
6. Gia đình luôn cãi vã
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường cha mẹ luôn cãi vã thường sẽ rất nhạy cảm và luôn thấy bản thân kém cỏi.
Chất lượng của mối quan hệ giữa vợ và chồng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ không cãi nhau trước mặt con có thể cho chúng cảm giác an toàn và sức mạnh vô hình để sống tự tin hơn.
Nếu có khúc mắc, sau khi rời khỏi tầm mắt của trẻ, có thể trao đổi để tìm cách giải quyết.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường cha mẹ luôn cãi vã thường sẽ rất nhạy cảm và luôn thấy bản thân kém cỏi. Ảnh minh hoạ
7. Gia đình kiểm soát con quá mức
Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy rằng chúng ta đang kiểm soát vận mệnh của chính mình. Con cái chúng ta cũng vậy.
Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói với con cái rằng chúng phải tự chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của mình, tự quản lý tốt bản thân.
Nhưng sau đó, họ bắt đầu quản lý bài tập về nhà, các hoạt động sau giờ học và những người bạn mà con cái mình nên có.
Theo thời gian, trẻ sẽ thấy rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của chính mình.
Thiếu kiểm soát và cảm giác bất lực có thể gây khó chịu và căng thẳng, không chỉ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của chúng trong tương lai.
Trong 6 thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được "chịu trách nhiệm" có nhiều cảm xúc tích cực hơn, động lực bên trong lớn hơn và khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn.
Đây là những điều giúp cải thiện kết quả học tập và thành công trong sự nghiệp.
Mọi vấn đề của con cái đều có thể tìm thấy ở cha mẹ. Nếu bố mẹ mắc phải 8 thói quen này sẽ khiến con ngày càng nổi loạn mà thôi.
Nguồn: [Link nguồn]