6 sự khác biệt giữa học chủ động và học bị động
Nếu hiểu được sự khác biệt giữa 2 phương pháp này, bạn sẽ nhận ra đâu là cách học phù hợp cho bản thân và con em mình.
Học tập được định nghĩa là quá trình tiếp thu kiến thức, kiến thức có được từ kinh nghiệm. Trước đây, việc học giống như chúng ta học nghề, có nghĩa là người ta sẽ tìm kiếm một người thầy, học việc và dần dần tích luỹ kinh nghiệm , sau đó bắt đầu sự nghiệp của riêng mình.
Tuy nhiên bây giờ, việc học trở nên rất đa dạng, không chỉ có mỗi trường học mới mang lại cơ hội học tập mà thư viện, internet… cũng giúp ích rất nhiều.
Giờ đây, mọi người ở mọi lứa tuổi, không phân biệt màu da hay giới tính, chỉ cần gõ vài từ khóa lên Google là bạn sẽ có vô vàn thông tin hiện ra.
Cùng với sự phát triển của xã hội, phương pháp học thụ động thầy dạy trò chép không còn hiệu quả cao như trước. Thay vào đó, học chủ động sẽ là phương pháp học tập thực tế và tích cực hơn.
6 sự khác biệt giữa học chủ động và thụ động
1. Học chủ động lấy người học làm trung tâm, học thụ động lấy giáo viên làm trung tâm
Học chủ động đòi hỏi sự tham gia tích cực của học sinh, đòi hỏi mỗi người phải suy nghĩ, thảo luận, phân tích. Học sinh sẽ có hứng thú hơn với những chủ đề mình quan tâm và tích cực tìm hiểu sâu về nó.
Học thụ động chỉ yêu cầu học sinh tiếp thu, ghi nhớ, chuyển thông tin đó thành kiến thức cho mình. Học sinh không tham gia tích cực, không có hứng thú với việc học.
2. Học chủ động giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, học thụ động gắn liền với các phương pháp giảng dạy truyền thống
Học chủ động khiến học sinh tham gia nhiều hơn vào việc phân tích, tổng hợp thông tin và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện của mình. Sau đó, học sinh sẽ học cách ứng dụng thông tin vào trong thế giới thực.
Học thụ động thường khiến học sinh không hứng thú với chủ đề được giáo viên dạy, không muốn tham gia vào bất cứ hoạt động học tập nào trong lớp.
3. Học chủ động có tư duy phân kỳ, học thụ động có tư duy hội tụ
Trong học chủ động, tư duy phân kỳ liên quan đến việc học sinh không tìm kiếm câu trả lời đúng, bởi vì trên thực tế, không có câu trả lời chính xác tuyệt đối. Cách học này phổ biến trong các lĩnh vực như luật, kinh tế, tâm lý học và triết học.
Trong học thụ động, tư duy hội tụ có nghĩa là chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất. Học sinh có thể giữ lại một số lượng lớn các dữ kiện và thường không cần tranh luận. Cách học này phổ biến trong các lĩnh vực như toán học, vật lý, y học, v.v.
4. Học chủ động tìm kiếm thông tin trên nhiều phương tiện, học thụ động chỉ biết thuộc lòng những gì viết trong sách
Học sinh học thụ động được mong đợi học bằng cách nghe đọc chép từ các văn bản trong sách vở. Điều này có nghĩa học sinh sẽ chủ học lý thuyết là chính, họ học nhưng không thực sự hiểu những gì mình học.
Cách học này có thể dẫn tới việc học sinh nghĩ rằng, chỉ cần thuộc lòng kiến thức trong sách vở là sẽ đối phó được với các bài kiểm tra.
Trong khi đó, học sinh học chủ động sẽ tích cực tìm kiếm thêm sự hiểu biết ngoài những kiến thức có trong sách giáo khoa. Học sinh sẽ biết thêm được nhiều kiến thức có liên quan, một sự kiện thực tế, một tình huống cụ thể…
Ví dụ: Với một yêu cầu về cách sử dụng Microsoft word, học thụ động sẽ thuộc lòng tài liệu hướng dẫn, còn học chủ động sẽ tới phòng máy tính và thực hành từng bước.
5. Học chủ động không giới hạn tài liệu, học thụ động giới hạn về số lượng tài liệu trong sách vở
Học chủ động liên quan đến các ứng dụng thực tế của kiến thức mình thu nạp được, do đó không có giới hạn đối với tài liệu có thể được giảng dạy.
Ví dụ khi cần trình bày về một chủ đề nào đó, học chủ động là học sinh tích cực tìm kiếm thêm thông tin ngoài sách giáo khoa để bổ sung vào nội dung. Lúc này, học sinh sẽ biết thêm được rất nhiều thứ.
Mặt khác, với cách học thụ động, có giới hạn về số lượng tài liệu có thể được trình bày, học sinh sẽ bị giới hạn trong những gì sách giáo khoa viết.
6. Học chủ động khiến học sinh vui vẻ, hứng thú, còn học thụ động khiến học sinh cảm thấy nhàm chán
Học chủ động có thể đặt ra một thách thức lớn cho cả giáo viên và học sinh. Mỗi bên đều phải có chủ động tìm hiểu các kiến thức có liên quan và luôn có tinh thần tiếp thu những điều mới mẻ.
Trong khi đó, học thụ động là thuộc lòng những gì trong sách đã viết, các câu hỏi và kiến thức không mới mẻ, điều này khiến học sinh cảm thấy buồn chán. Những học sinh thông minh muốn hỏi giáo viên thêm về những gì ngoài sách vở, điều này có thể khiến bạn học cảm thấy phiền phức.
Khi trẻ làm sai chúng cần phải biết xin lỗi, nhưng xin lỗi như thế nào lại là điều rất quan trọng.
Nguồn: [Link nguồn]