6 lý do các thiên tài càng thông minh càng kém hạnh phúc
Nhiều người từng mơ ước sinh ra là một thiên tài. Tuy nhiên ít ai biết rằng, những người có chỉ số IQ cao gặp phải rất nhiều bất lợi và khó khăn với 1 cuộc sống “không như mơ”.
Chỉ số IQ cao là một lợi thế rất lớn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đa số những người thông minh vượt trội lại không mấy hạnh phúc. Họ có thể có được những thành công vang dội trong công việc, tuy nhiên, đôi khi vẫn có điều gì đó khiến họ cảm thấy cô độc, buồn bã và nản lòng.
Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Ernest Hemingway từng chia sẻ: “Sự hạnh phúc của những người thông minh là điều hiếm thấy nhất mà tôi biết”. Đồng tình với quan điểm này, theo các nhà khoa học, thông minh quá đôi khi luôn đi kèm với một cái giá khá đắt. Vì sao vậy?
Thông minh quá đôi khi lại đi kèm với một cái giá khá đắt.
1. Người thông minh luôn có xu hướng phức tạp hóa mọi thứ
Người có chỉ số IQ cao thường có khuynh hướng phân tích, đánh giá, mổ xẻ quá mức mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của họ. Đôi khi đó là điều rất bất lợi, đặc biệt khi quá trình suy nghĩ đưa họ đến các kết luận không mong muốn, gây bực bội, thất vọng và khiến nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn một màu tối tăm.
Thậm chí, do biết quá rõ kết quả trong từng quyết định của mình và đắn đo giữa những kết quả đó, người thông minh nhiều khi không biết phải đi theo hướng nào cả.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến câu: “Người chẳng biết gì mới là người hạnh phúc'? Nghe thì có vẻ hài hước nhưng một mặt nào đó lại rất chính xác. Bạn càng hiểu ít, không phải bận tâm, nghĩ ngợi nhiều và do đó, bạn càng hạnh phúc, thoải mái.
2. Người thông minh đặt ra những tiêu chuẩn quá cao
Những người thông minh luôn liên tục đặt ra những mục tiêu hơn người. Điều này có nghĩa là họ khó hài lòng với thực tại, với các thành tích, mối quan hệ và mọi thứ trong cuộc sống. Và nếu những kỳ vọng vì một lý do nào đó không thực hiện được, họ dễ rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản.
3. Người thông minh quá nghiêm khắc với bản thân
Một lý do khác khiến những người thông minh không thể hạnh phúc là họ có xu hướng trở nên quá hà khắc với chính mình. Họ thường tự phân tích mọi vấn đề của bản thân và những hành vi của mình theo cách nghiêm khắc như thể họ cố gắng xoi mói và tìm kiếm mọi thứ.
Đôi khi, trước khi đi ngủ, họ thường nằm và nhớ lại tình huống (thậm chí đã xảy ra nhiều năm hoặc ít nhất cũng từ vài tháng trước) mà mình đã không hành động theo cách đáng ra nên làm. Điều này cũng đủ khiến tâm trạng của họ trở nên tồi tệ, từ đó gây rối loạn giấc ngủ. Những người thông minh rất hay gặp tình cảnh như vậy vì hay hồi tưởng những sai lầm trong quá khứ. Tất cả điều này nuôi dưỡng cảm giác tội lỗi, bất mãn và nhiều cảm xúc tiêu cực khác gây bất lợi cho hạnh phúc của một cá nhân.
4. Với họ, không bao giờ là đủ
Những người có chỉ số IQ cao không bao giờ ngừng tìm kiếm cái gì đó lớn hơn - một hình mẫu, một ý nghĩa, một mục đích, họ luôn thấy nhàm chán với những gì tầm thường. Trí óc không ngừng nghỉ không cho phép họ thư giãn và tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những người như vậy mong muốn một cái gì đó tuyệt vời, lý tưởng, vĩnh cửu... và tất nhiên, không phải lúc nào cũng tìm thấy nó trong thế giới thực.
Bạn đã bao giờ cảm thấy như mình không thuộc về nơi này mà có lẽ đã sống trong một kỷ nguyên khác hoặc có thể trên một hành tinh khác? Suy nghĩ sâu sắc, những người thông minh thường cảm thấy theo cách này. Làm thế nào họ có thể vui vẻ, hạnh phúc khi bản thân luôn cảm thấy như một người xa lạ với thế giới họ đang sống?
5. Ít người hiểu mình
Những người có cùng tư tưởng, suy nghĩ cùng nhau ngồi ở nơi nào đó yên tĩnh và trò chuyện về những điều xảy ra trong cuộc sống, chia sẻ quan điểm về thế giới xung quanh, nhưng đáng buồn thay, người thông minh hiếm khi có được niềm vui này. Nhiều người trong số họ có xu hướng thích ở một mình bởi thấy rằng không ai có thể nhìn thấy và đánh giá đúng chiều sâu tâm trí họ. Không phải những người thông minh không muốn có sự tương tác với các cá nhân khác. Họ chỉ đơn giản muốn nói về những thứ hấp dẫn và có ý nghĩa hơn là thảo luận về thực phẩm, thời tiết hay kế hoạch cuối tuần.
6. Người có IQ cao dễ mắc các vấn đề về tâm lý
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa các hội chứng tâm thần, như ám ảnh xã hội và rối loạn lưỡng cực, với chỉ số IQ cao. Khoa học vẫn chưa làm sáng tỏ những bí ẩn trong tâm trí con người, chỉ biết rằng đây dường như là “tác dụng phụ” của một bộ óc thiên tài.
Những người thông minh nếu không mắc bất kỳ một dạng rối loạn tâm thần nào thì vẫn có xu hướng dễ bị trầm cảm, thường là kết quả của việc suy nghĩ quá nhiều.