5 phương pháp kỷ luật con cực kỳ hiệu quả mà các bậc cha mẹ nên áp dụng, nếu muốn con mình có tương lai rộng mở
Nhiều phụ huynh thấy khó khăn trong việc lựa chọn phương thức kỷ luật phù hợp khi con phạm lỗi. Dưới đây là 5 phương pháp mà chuyên gia tâm lý khuyên mọi cha mẹ nên áp dụng nếu muốn con mình có một tương lai rộng mở.
Cha mẹ đau đầu lựa chọn phương thức kỷ luật con cái
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi dạy con cái cho rằng, không có phương thức kỷ luật nào luôn đúng trong mọi tình huống.
Tuỳ vào phong cách nuôi dạy của gia đình, tính cách của trẻ, tính cách của bản thân mà phụ huynh có thể lựa chọn phương thức kỷ luật phù hợp.
Tuy nhiên, họ khuyến nghị cha mẹ nên kỷ luật theo hướng tử tế nhưng cứng rắn, cân nhắc các giới hạn và hậu quả, đồng thời nhất quán trong việc xác nhận cảm xúc của con.
Theo chia sẻ của TS. Trần Hà Thu, giảng viên khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), các bậc phụ huynh không nên sử dụng duy nhất một phương thức kỷ luật con cái trong mọi tình huống và mọi lứa tuổi.
Cụ thể, TS. Trần Hà Thu giải thích: "Trẻ em phát triển và thay đổi liên tục, do đó phương pháp kỷ luật cũng cần linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn và tình huống cụ thể. Ví dụ như: Khi trẻ ở tuổi mẫu giáo (2-5 tuổi) thì việc kỷ luật nên tập trung vào việc định hướng, hướng dẫn và bảo vệ trẻ. Trong khi đó, khi các em ở tuổi thiếu niên (11-17 tuổi) thì việc kỷ luật cần hướng đến việc giúp các em hiểu rõ hơn về trách nhiệm và hậu quả của sự việc với bản thân và người khác, có thể đàm phán, thảo luận với các em về hình thức kỷ luật phù hợp với các em".
Cũng theo TS. Trần Hà Thu, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc các phương thức kỷ luật dưới đây để áp dụng linh hoạt trong từng trường hợp.
1. Kỷ luật tích cực
Phương pháp kỷ luật tích cực dựa trên lời động viên và khích lệ. Thay vì tập trung vào sự trừng phạt, cha mẹ đưa ra hình thức kỷ luật tích cực để dạy dỗ con.
Cha mẹ dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề và cùng trẻ cải thiện vấn đề. Phương pháp kỷ luật tích cực thường dùng trong các buổi họp mặt gia đình và cách tiếp cận có thẩm quyền để giải quyết vấn đề hành vi của trẻ.
2. Kỷ luật nhẹ nhàng
Phương pháp kỷ luật nhẹ nhàng tập trung vào ngăn chặn vấn đề, ngăn trẻ khỏi việc phạm phải những thói quen xấu.
Đôi khi, trẻ em sẽ mắc lỗi và nảy sinh vấn đề, nhưng phương thức kỷ luật nhẹ nhàng không khiến trẻ cảm thấy xấu hổ. Thay vào đó, cha mẹ thường sử dụng sự hài hước và đánh lạc hướng trẻ khỏi cảm giác tội lỗi. Trọng tâm của kỷ luật nhẹ nhàng là cha mẹ quản lý cảm xúc của mình trong khi giải quyết hành vi sai trái của trẻ.
Chuyên gia tâm lý chỉ ra 5 phương pháp kỷ luật con cái cực kỳ hiệu quả, mọi cha mẹ nên áp dụng. Ảnh minh họa
3. Kỷ luật thiết lập giới hạn
Kỷ luật thiết lập giới hạn tập trung vào việc đặt ra các giới hạn và đưa ra các quy tắc rõ ràng từ trước. Sau đó, đảm bảo để trẻ hiểu rằng nếu thực hiện hành vi sai trái, trẻ sẽ phải nhận về những hậu quả như thế nào. Từ đó, trẻ sẽ được tự mình đưa ra các lựa chọn và chịu trách nhiệm về những hành động đó.
4. Kỷ luật sửa đổi hành vi
Sửa đổi hành vi tập trung vào những kết quả tích cực và tiêu cực. Hành vi tốt được củng cố bằng lời khen ngợi hoặc phần thưởng. Hành vi sai trái không được khuyến khích bằng cách để trẻ nhận được những hậu quả tiêu cực, chẳng hạn như mất quyền lợi hoặc bị ngó lơ.
5. Huấn luyện cảm xúc
Huấn luyện cảm xúc là một quy trình kỷ luật gồm năm bước, tập trung vào việc dạy trẻ về các cảm xúc và cách ứng xử với chúng. Khi những đứa trẻ hiểu được cảm xúc của mình, chúng sẽ có khả năng diễn đạt lại bằng lời nói hơn là hành động theo bản năng. Trẻ em nên được dạy rằng mọi cảm xúc là bình thường và cha mẹ cần giúp con bằng cách dạy trẻ những cách phù hợp để đối phó với cảm xúc của chúng.
Nguồn: [Link nguồn]
Những định luật này chứa đựng các kinh nghiệm dạy con cái rất đáng để cha mẹ học hỏi.