5 kiểu nuôi dạy con cái này sẽ khiến đứa trẻ ngày càng tự ti, chán nản
Nuôi dạy con cái sai cách sẽ để lại những tổn thương tâm lý và hình thành tính cách tiêu cực cho một đứa trẻ.
1. Sống quá tiết kiệm
Cần cù, tiết kiệm là đức tính tốt nhưng nhiều cha mẹ lại biến đức tính này thành kiểu “than nghèo kể khổ” khi giáo dục con cái.
Tiểu Y (Trung Quốc) sinh trong một gia đình lao động bình thường, gia cảnh không mấy giàu có. Trong ký ức của cô, hầu hết quần áo của mình đều đồ cũ do người thân cho hoặc mẹ đi xin.
Khi lớn lên, Tiểu Y luôn nghĩ gia đình mình nghèo, không có tiền, không thể so sánh với những gia đình giàu có. Cô luôn cho rằng, cha mẹ kiếm tiền cho mình ăn học không dễ, vì thế cần phải sống tiết kiệm.
Không một ai trong gia đình cô được tổ chức sinh nhật, cô cũng chưa từng đi du lịch. Mẹ cô cho rằng, những thứ này chỉ vô dụng, làm lãng phí tiền bạc.
Vì lớn lên trong một môi trường như vậy nên cô có lòng tự trọng thấp, không muốn tiếp xúc nhiều với bạn bè cùng lớp, luôn tự ti vì thấy mình kém cỏi.
Một giáo sư ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc từng nói: “Nếu bạn luôn nói với con cái rằng, nhà mình thiếu thốn, gia đình không giàu bằng người khác. Điều đó chẳng khác nào việc truyền đi cảm giác nghèo đói cho con cái, khiến trẻ cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm lý”.
So với nghèo về vật chất, nghèo về tinh thần còn kinh khủng hơn. Khi tự ti trở thành thói quen và chuẩn mực tâm lý, con cái suốt đời không thể sửa đổi được.
2. Khoe khoang
Trái ngược với những cha mẹ hay than khổ vì nghèo, có những cha mẹ thích dạy con cái kiểu phô trương, thoải mái cho con tiền và khoe khoang gia đình mình giàu có.
Họ thích chiều chuộng con mình như “hoàng tử bé”, “công chúa nhỏ”, cho rằng tiêu tiền cho con là thể hiện tình yêu thương con cái. Những gì đứa trẻ khác có thì con mình cũng phải có.
Nhiều người nói rằng, thời nay nuôi con cái quá tốn kém. Điều này phản ánh chi phí nuôi con đắt đỏ và quan niệm nuôi dạy con cái “tiền nào của nấy” của nhiều bậc cha mẹ.
Theo khảo sát, những đứa trẻ lớn lên theo kiểu được cha mẹ cung phụng thường có thói kiêu căng, tự cao và rất thích so sánh.
3. Hù dọa
"Nếu con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ không cần con nữa!"
"Nếu con lại khóc, mẹ sẽ bỏ đi!"
"Nếu con làm điều này một lần nữa, mẹ sẽ đánh con!"
Có lẽ ít nhiều cha mẹ đã từng nói những câu này với con mình. Họ đơn giản nghĩ rằng, chỉ cần đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, chúng sẽ ngoan ngoãn nghe lời.
Khi cha mẹ “khủng bố” con cái như vậy, họ cũng lấy đi cảm giác an toàn của trẻ.
Cha mẹ luôn muốn con cái mình ngoan ngoãn, nhưng những đứa trẻ quá nghe lời thường khó đạt được những bước đột phá lớn trong tương lai.
Việc cha mẹ dọa nạt trong thời gian dài có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, rụt rè, sợ mắc lỗi và ngại bày tỏ suy nghĩ thật của mình.
Nếu cha mẹ thực sự hy vọng con mình sẽ “hóa rồng thành phượng” sau này, tốt hơn nên học cách kiên nhẫn khi dạy con, cho phép trẻ mắc lỗi và khuyến khích chúng tìm tòi những điều mới mẻ.
4. “Bao trọn gói”
Nuôi dạy con cái theo kiểu “bao trọn gói” có nghĩa là cha mẹ làm hết mọi thứ cho con cái họ với danh nghĩa “vì lợi ích của con”.
Trẻ muốn tự ăn nhưng bạn cho cho rằng, chúng sẽ làm bẩn hết áo quần. Trẻ muốn tự mặc quần áo nhưng bạn cho rằng, chúng làm quá chậm chạp. Trẻ muốn trèo cây nhưng bạn cho rằng, chúng có thể bị ngã.
Nhiều bậc cha mẹ quyết định thay con mình về mọi thứ, từ quần áo, thức ăn, thói quen sinh hoạt và cả sở thích của con theo ý mình. Trên thực tế, khi cha mẹ làm hết cho con, điều đó cũng có nghĩa đã tước đi khả năng học cách tự lập của trẻ.
Nếu cha mẹ thực sự muốn tốt cho con mình, hãy học cách buông bỏ ham muốn kiểm soát này.
5. Đổ lỗi
Cách nuôi dạy con cái này đề cập tới việc 1 trong 2 người vợ hoặc chồng bỏ bê việc chăm sóc và giáo dục con cái. Điều này không chỉ làm xấu đi mối quan hệ hôn nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Người cha nói: “Anh phụ trách việc kiếm tiền để nuôi gia đình, còn em lo chuyện nhà cửa chăm sóc bọn trẻ”.
Người vợ đáp lại: “Anh nghĩ em không mệt khi chăm con cả ngày sao? Anh không thể giúp em chăm con một chút khi ở nhà à”.
Dù vợ chồng có sự phân công lao động khác nhau nhưng cả 2 đều muốn tìm kiếm giá trị của bản thân và mong được đối phương công nhận.
Nhưng dưới cùng một mái nhà, khi xảy ra tranh chấp, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Cả 2 vợ chồng đều cảm thấy mình đang cống hiến nhiều hơn cho gia đình nên xảy ra những bất đồng trong chuyện con cái.
Kỹ năng quan sát của trẻ rất mạnh, chúng rất nhạy cảm trước những thay đổi của bầu không khí ở nhà. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình là rắc rối của gia đình và không được coi trọng. Điều này rất có hại cho đứa trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá trình nuôi dạy con cái, vai trò của sự đồng hành rất quan trọng, cha mẹ cần phải chú ý điều này.