5 hành động tuy nhỏ ở trẻ nhưng lại báo động chỉ số EQ rất thấp, cha mẹ cần để ý uốn nắn ngay
Bạn có thể giúp con cải thiện EQ từ sớm bằng phương pháp giáo dục đúng cách...
Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết, hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính bạn và người khác. Chỉ số EQ không tự nhiên sinh ra và duy trì cố định theo năm tháng, bởi nó có thể thay đổi theo sự nỗ lực của cá nhân. Cải thiện EQ không phải là một kỹ năng hay chiến lược, nó là thói quen mà bạn nên duy trì hàng ngày.
Nhiều người vẫn luôn thắc mắc: "Tại sao trí tuệ cảm xúc ngày càng được đề cao?".
Trước câu hỏi này, Jeffrey Bernstein - Tiến sĩ, nhà tâm lý học chuyên tư vấn các phương pháp dạy con cái, đồng thời là tác giả của cuốn sách 10 Days To A Less Defiant Child (10 Ngày Giúp Trẻ Ít Bướng Bỉnh) từng đưa ra nhận định: "EQ cao giúp bạn hiểu rõ bản thân mình, hòa đồng với người khác và thực hiện ước mơ tốt hơn. Trí tuệ cảm xúc khiến bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công. Trí tuệ cảm xúc giúp bạn tự tin, lôi cuốn, có sức ảnh hưởng và tạo hình ảnh tốt trong mắt người khác. Trí tuệ cảm xúc cũng nâng cao sự sáng tạo, thông minh, có khiếu thẩm mỹ và phong cách hơn".
Nói như thế, có thể hiểu được tầm quan trọng của EQ với sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. Với cha mẹ có con nhỏ, bạn có thể giúp con cải thiện EQ từ sớm bằng phương pháp giáo dục đúng cách. Mà trong những bước đầu tiên giúp con trở thành người có trí tuệ cảm xúc cao là nhận biết con có phải đứa trẻ EQ thấp hay không.
Những đứa trẻ có EQ thấp thường rất ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Ảnh minh họa
1. Luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói
Những đứa trẻ có EQ thấp thường rất ích kỷ, không quan tâm đến cảm xúc của người khác, không biết đặt mình vào vị trí của ai khác. Trẻ hay vạch trần lỗi lầm đối phương, dùng lời nói làm tổn thương họ.
Khi một người luôn muốn đánh bại người khác bằng lời nói thì mục đích không chỉ là giao tiếp mà thể hiện bản thân và hạ gục đối phương. Đại đa số những người có thói quen xấu này đều không nhận ra tác hại của nó. Nhưng trên thực tế, đây là hành vi của người bất lịch sự, không biết lắng nghe và tôn trọng người đối diện. Bề ngoài có vẻ là người chiến thắng nhưng thực chất lại thua trong tâm hồn, bị mọi người lánh xa.
Người có EQ cao sẽ không "xát muối vào vết thương" của người khác mà quan tâm đến cảm xúc hiện tại của họ. Đừng tùy tiện nói khuyết điểm của người khác, buộc tội họ rồi cho rằng mình thẳng thắn, bộc trực.
2. Khó kiểm soát cảm xúc
Một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ có EQ thấp là sự khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, thường biểu hiện qua việc thường xuyên giận dữ và các hành vi thiếu tính tích cực.
Giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) chỉ ra rằng, việc thường xuyên la hét, khóc lóc cùng với các hành vi chống đối như làm hỏng đồ chơi hay xé sách vở là những biểu hiện của trẻ có EQ thấp. Những hành vi này phản ánh sự thiếu kiểm soát cảm xúc. Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi thấy con mình có những biểu hiện này.
Về vấn đề này, giáo sư Lý Mai Cẩn đã đưa ra một số lời khuyên dành cho phụ huynh. Điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần thực hiện là giữ bình tĩnh và tuân theo phương pháp "4 không 1 có": không la mắng, không chiều chuộng, không rao giảng đạo lý và không bỏ rơi trẻ một mình khi chúng không kiểm soát được cảm xúc.
Cha mẹ nên dành thời gian để trẻ tự ổn định lại cảm xúc, ở cạnh trẻ nhưng không nên nói gì, chờ đợi cho đến khi trẻ tự lấy lại được sự bình tĩnh và nhận ra lỗi lầm của mình. Khi trẻ đã không còn bực tức, cha mẹ cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lại có cảm xúc như vậy rồi cùng nhau tìm hướng giải quyết.
Một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ có EQ thấp là sự khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, thường biểu hiện qua việc thường xuyên giận dữ và các hành vi thiếu tính tích cực. Ảnh minh họa
3. Trẻ không thể chấp nhận bất kỳ sự phê bình hay lời nói không hay về mình
Những đứa trẻ chỉ muốn được nghe những lời khen ngợi khi đối mặt với những ý kiến trái chiều, trẻ có thể sẽ có những phản ứng quá khích như khóc lóc, la hét, đập phá. Đây là dấu hiệu điển hình của EQ thấp.
"Thuốc đắng dã tật", lúc này, cha mẹ cần nghiêm túc chờ trẻ bình tĩnh lại và phân định đúng sai, nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ về việc con người cần chấp nhận các ý kiến trái chiều để từ đó có thể hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Những đứa trẻ chỉ muốn được nghe những lời khen ngợi khi đối mặt với những ý kiến trái chiều, trẻ có thể sẽ có những phản ứng quá khích. Ảnh minh họa
4. Không biết phép tắc
Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh từng bất lực trước đứa trẻ không chịu nghe lời. Chúng rất lì lợm, ngang bướng, không biết sợ bất cứ ai kể cả bố mẹ. Khi tiếp xúc với người khác, chúng cũng thường nghịch ngợm, phá phách ảnh hưởng tới người đó nhưng không biết hối lỗi.
Trong trường hợp này, nhiều ông bố, bà mẹ còn ngụy biện rằng con còn nhỏ nên không biết gì và cho qua. Thế nhưng thực chất nếu đối diện với việc con không hiểu phép tắc, có tính cách thất thường, quậy phá, ngang bướng, bạn cần răn dạy con ngay.
Nếu cứ nuông chiều và bỏ qua những lỗi lầm con mắc phải, sau này người chịu hậu quả sẽ là con bạn.
5. Trẻ thích phàn nàn
Một trong những dấu hiệu của trẻ có EQ thấp là thói quen liên tục than phiền, chỉ trích người khác và không chịu nhận trách nhiệm về hành động của mình. Trẻ em không có khả năng nhìn nhận sai lầm cá nhân thường tìm kiếm nguyên nhân từ bên ngoài để biện minh cho những hành động không đúng của mình. Điều này không chỉ là biểu hiện của EQ thấp mà còn cho thấy sự thiếu can đảm.
Theo giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn, nếu hành vi này không được cha mẹ chú ý và chỉnh sửa kịp thời, trẻ có thể phát triển thành những cá nhân thích đổ lỗi cho người khác, ghen tỵ và không hoà đồng. Những tính cách này khiến trẻ khó có được những người bạn chân thành, cuộc sống cũng khó có thể có được sự hạnh phúc.
Phụ huynh cần là hình mẫu cho con, biết chấp nhận lỗi lầm và xin lỗi để con có thể học hỏi. Cần dạy con hiểu rằng việc nhận sai không phải là sự xấu hổ hay tự ti, mà là điều mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng nên thực hiện.
Cha mẹ cũng nên nghiêm túc giáo dục con về việc không ai muốn làm bạn với người hay giận dữ, nói xấu, hoặc đổ lỗi cho người khác. Giúp con nhận ra rằng nói xấu và đổ lỗi là hành vi không đúng và cần từ bỏ ngay lập tức.
J.Stuart Ablon, giáo sư tâm thần học tại trường Y thuộc ĐH Harvard khuyên, các ông bố nên chia sẻ cảm xúc của mình với con. Điều này nhằm giúp tăng cường trí tuệ cảm xúc (EQ) và cải thiện cách giao tiếp cho chúng.
Nguồn: [Link nguồn]