5 điều con cái hy vọng cha mẹ có thể làm khi la mắng mình
Trong quá trình dạy dỗ con cái, việc phê bình hay la mắng con là điều tất yếu, nhưng phê bình như thế nào để trẻ không bị tổn thương và nhận ra bài học lại là điều khác.
Dưới đây là 5 điều mà con cái hy vọng cha mẹ có thể làm khi phê bình hay la mắng mình.
1. Hy vọng cha mẹ không la mắng ở nơi đông người
Việc la mắng trẻ ở nơi ít người, riêng tư sẽ giúp bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, tránh gây xấu hổ và ồn ào nơi công cộng. Môi trường riêng tư sẽ giúp trẻ dễ cởi mở và tiếp thu ý kiến của cha mẹ hơn.
Khi trẻ gây rối nơi công cộng hoặc cần phải dạy dỗ ngay lập tức, cha mẹ hãy đưa trẻ tránh sang một nơi có ít người nhìn thấy nhất để trao đổi riêng. Trẻ cảm thấy được cha mẹ quan tâm và giữ thể diện cho mình.
Một đứa trẻ sợ hãi sau khi mắc lỗi sẽ rất biết ơn cha mẹ sau này vì cha mẹ biết cách bảo vệ lòng tự trọng của chúng.
2. Hy vọng cha mẹ vừa la mắng vừa khen ngợi
Cựu Tổng thống Mỹ John Calvin Coolidge từng nói: “Hãy kết hợp những lời chỉ trích với những lời khen ngợi”.
Ông đưa ra một ví dụ: "Bạn đã bao giờ nhìn thấy một thợ cắt tóc cạo râu cho ai chưa? Trước khi cạo, anh ta sẽ bôi một ít xà phòng lên da. Bằng cách này, việc cạo râu sẽ không đau".
Đây là “hiệu ứng nước xà phòng” nổi tiếng trong tâm lý học và nó cũng được áp dụng trong giáo dục.
Khi phê bình con, không nhất thiết lúc nào cha mẹ cũng phải dùng những từ ngữ tiêu cực.
Ví dụ, khi làm bài tập về nhà, vì muốn nhanh chóng được xem TV nên trẻ làm ẩu môn Toán. Một số phụ huynh nhìn thấy bài tập về nhà như vậy sẽ dễ dàng giận dữ nói: “Con làm bài cẩu thả quá!”.
Trên thực tế, họ chỉ cần nói: "Mẹ thích bài tập toán con viết hôm qua hơn, rất cẩn thận”.
Sở dĩ làm như vậy là để trẻ biết rằng, cha mẹ không chỉ chú ý đến những lỗi lầm, khuyết điểm của con mà những điểm mạnh, những điều tốt đẹp của con luôn được người lớn nhìn thấy.
Thông qua những phản hồi tích cực như vậy, hành vi tốt của trẻ sẽ được củng cố và dần dần phát triển thành thói quen tốt.
Cha mẹ cẩn thận không dùng quá nhiều nhãn nhán như bất cẩn, cẩu thả, ồn ào, nghịch ngợm... Quá nhiều từ ngữ như vậy sẽ khiến trẻ khó phát triển sự tự tin.
3. Hy vọng cha mẹ la mắng nhẹ nhàng, không gay gắt
Khi phê bình trẻ, cha mẹ phải xác định rõ mục đích. Đó không phải là đánh con, cũng không phải trút hết nỗi lòng của cha mẹ mà là giúp đỡ con, khiến con nhận ra lỗi lầm của mình và tìm ra hướng sửa chữa.
Nhiều bậc cha mẹ chỉ trích chỉ để trút giận, mất bình tĩnh khi con mắc lỗi. Mỗi câu họ nói đầy sự mỉa mai, công kích con.
Kiểu phê bình này mang tính cảm xúc, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, không giúp trẻ hiểu và sửa chữa lỗi lầm của mình.
Con cái có nhận ra bài học không phụ thuộc vào lời nói gay gắt hay to tiếng của cha mẹ, nó phục thuộc vào việc cha mẹ có lý trí và kiên quyết hay không. Đôi khi, ngôn ngữ ngắn gọn có thể chạm đến trái tim trẻ hiệu quả hơn.
Vì vậy, nếu bạn muốn chỉ trích con mình, trước tiên hãy giải quyết cảm xúc của chính mình rồi mới nói đến việc dạy con. Cha mẹ hãy đến gần trẻ, ngồi xổm xuống, nhìn vào mắt chúng, nói những gì bạn muốn nói một cách rõ ràng và ngắn gọn nhất có thể.
Bạn càng hạ giọng khi phê bình con, con sẽ càng cẩn thận lắng nghe và sửa sai, vì con sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn.
4. Hy vọng những lời la mắng của cha mẹ mang hướng sửa chữa
Trẻ em dễ mắc lỗi nhưng đó không phải là điều xấu. Trẻ dần học được nhiều thứ thông qua quá trình mắc lỗi và sửa sai. Khi dạy con, cha mẹ không nên quá tập trung vào việc trừng phạt mà hãy giúp trẻ sửa chữa lỗi lầm của mình.
Ví dụ:
Nếu làm đổ sơn ra sàn nhà, trẻ phải tự mình lau chùi.
Nếu cãi nhau với bạn mình, hãy chỉ cho trẻ cách làm hoà với nhau.
Làm vỡ bình hoa, bày cách để trẻ dành tiền tiêu vặt mua bình mới.
Bằng cách chỉ ra phương pháp sửa chữa lỗi lầm, trẻ mới có thể biết mình sai ở đâu và cần sửa ở chỗ nào. Chỉ bằng cách này, lời phê bình của cha mẹ mới phát huy tác dụng.
5. Hy vọng cha mẹ không doạ bỏ rơi
Một số mẹ khi la mắng con mình thường dọa: “Con cứ ở đây một mình đi, mẹ không quản con được đâu!”.
Sau đó, người mẹ thực sự quay lưng bỏ đi, để lại đứa trẻ đang khóc và đuổi theo ở một nơi xa lạ.
Kiểu chỉ trích này là một kiểu “bạo lực” tình cảm làm tổn thương trái tim trẻ. Trẻ cảm thấy bị phớt lờ, bị bỏ rơi. Khi con cái không thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, chúng sẽ dần dần oán hận sự giáo dục của cha mẹ.
Sau khi mắng con xong, cha mẹ nên sử dụng ngôn ngữ hoặc tiếp xúc cơ thể một cách phù hợp để tạo cho trẻ sự thoải mái về tâm lý. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này, dù bên ngoài có phạm sai lầm lớn đến đâu cũng sẽ không hoảng sợ, cũng không giấu giếm cha mẹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, lời nói và hành động của cha mẹ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của con.