5 điều cha mẹ nghĩ là thương con nhưng lại tước đi khả năng tự lập của trẻ
Cha mẹ nào cũng thương con nhưng tình yêu thương sai cách có thể khiến một đứa trẻ trở nên hư hỏng hoặc lười biếng.
Khi trẻ bắt đầu chập chững bước đi bằng đôi chân của mình, cha mẹ nên cho trẻ được tự làm những điều trong khả năng của mình. Nếu cha mẹ không muốn con mình khi trở thành sinh viên đại học mà ngay cả trứng luộc cũng không biết nấu, cơm không biết cắm, quần áo không biết giặt… thì tình yêu thương chỉ gây hại mà thôi.
Dưới đây là 5 điều cha mẹ nên buông tay để con cái được tự làm:
1. Đút trẻ ăn
Hầu hết các bé hơn 1 tuổi đã có thể tự xúc ăn nhưng vẫn bị một số người mẹ xúc cho ăn. Theo quan điểm của họ, nếu để cha mẹ đút ăn sẽ nhanh và không bị rơi vãi ra ngoài, làm bẩn quần áo. Điều này vô tình tước đi ham muốn khám phá thức ăn, phần lớn các bé rất lười ăn.
2. Mặc quần áo cho trẻ
Trước khi đi học mẫu giáo, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết tự mặc quần áo cơ bản như mang tất, đi giày, biết đi vệ sinh dội nước. Ở độ tuổi này, trẻ rất tò mò và thường bắt chước người lớn, cha mẹ hãy tận dụng điều này để dạy con mình làm những điều trong khả năng.
3. Giặt, gấp quần áo cho trẻ
Sau khi trẻ đi học mẫu giáo một thời gian, cha mẹ nên dạy con cách rửa bát, tự dọn dẹp phòng, biết cách cho quần áo vào máy giặt và cần nhấn nút nào. Trẻ 4-5 tuổi có thể làm được rất nhiều thứ mà cha mẹ không ngờ tới được.
Trên thực tế, có những đứa trẻ 5 tuổi được mẹ dạy đã có thể nấu một bữa cơm đơn giản. Điều quan trọng nhất là cha mẹ có muốn cho con mình tự lập sớm hay không.
Có một người mẹ chia sẻ câu chuyện về con trai của mình rằng, sáng hôm đó đi học thì cậu bé phát hiện hộp cơm của mình chưa rửa nên vội trách mẹ: “Sao mẹ không rửa hộp cơm cho con”. Người mẹ trả lời lại: “Thế tại sao khi về nhà con không tự rửa hộp cơm của mình. Con phải chịu trách nhiệm việc của mình chứ, đó là hộp cơm của con cơ mà”.
Nghe mẹ nói vậy, cậu bé im lặng không nói gì, từ hôm đó về sau, mỗi khi đi học về cậu bé đều tự rửa hộp cơm của mình.
4. Nấu ăn sẵn và gọi trẻ tới ăn
Khi trẻ quen với việc lúc nào cũng có cơm canh sẵn mẹ nấu trên bàn, đợi mẹ gọi 5 lần 7 lượt mới chịu ngồi vào bàn ăn, khi ăn còn không tập trung phải đợi nhắc nhở và thậm chí còn kén ăn, chúng sẽ không bao giờ biết quý trọng đồ ăn mẹ nấu. Có lẽ đây là những tình huống thường thấy ở nhiều gia đình, khiến cho người mẹ “tức điên” mỗi khi cho con ăn.
Một người mẹ Trung Quốc chia sẻ một kinh nghiệm “trị” những đứa con lười ăn của mình rất hiệu quả, đó là đợi con kêu đói mới đi nấu ăn. Cô cho biết ưu điểm của việc này là khi trẻ đói thì nhất định sẽ ăn nhiều và tập trung, không cần đợi cha mẹ nhắc nhở. Vì đói nên chúng sẽ ăn hết thức ăn và không kén ăn.
5. Luôn luôn là người kể chuyện cho trẻ nghe
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường kể chuyện, đọc sách tranh cho con nghe. Tuy nhiên, sau khi trẻ lớn dần, cha mẹ hãy làm ngược lại, đó là yêu cầu con kể lại cho mình nghe những câu chuyện thú vị mà trẻ đang quan tâm. Bằng cách này, trẻ sẽ dần thích thú và chủ động tìm kiếm những câu chuyện mình thích để kể lại cho cha mẹ nghe.
Một vài nguyên tắc trong số này có thể trái ngược với các quan điểm dạy con truyền thống nhưng rất đáng để cha mẹ tham khảo.
Nguồn: [Link nguồn]