5 câu trách mắng tuyệt đối không nói với con dù tức giận đến đâu
Khi nóng giận, người lớn thường mất bình tĩnh, khó kiểm soát lời nói của mình. Cũng chính vì vậy mà họ dễ nói ra những câu làm tổn thương con.
Trong những năm tháng đầu đời, phần lớn thời gian của trẻ là ở bên bố mẹ. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ và đây cũng là thời kỳ bé hình thành nên thói quen cũng như tính cách của bản thân mình. Có lẽ vì thế mà việc giáo dục con trong thời kỳ này cũng vô cùng quan trọng.
Khi nóng giận, người lớn thường mất bình tĩnh, khó kiểm soát lời nói của mình. Cũng chính vì vậy mà họ dễ nói ra những câu làm tổn thương con. Những đứa trẻ thường xuyên phải nghe những câu dưới đây từ bố mẹ về lâu dài sẽ hình thành nên tính cách tự ti, buồn chán chính bản thân mình. Trong tương lai, các con sẽ yếu đuối và khó thành công.
Nhiều người không biết rằng bạo lực bằng ngôn từ có hậu quả tiêu cực hơn rất nhiều so với bạo lực bằng đánh đập hay đòn roi. Nó gây ra vết thương tâm lý, ám ảnh con tới sau này. Trẻ nhỏ như những trang giấy trắng, tờ giấy ấy thay đổi ra sao sẽ tuỳ thuộc vào phương pháp nuôi dạy và giáo dục của bố mẹ, thầy cô và nhà trường.
Những lời nói tiêu cực mà cha mẹ vô tình nói thường ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa: shutterstock
Dưới đây là 5 câu người lớn không nên nói:
1. Con quá kém cỏi
"Con quá kém cỏi" là câu nói được khá nhiều bậc phụ huynh sử dụng trong mỗi lần con sai phạm điều gì đó. Nhưng việc bố mẹ thường xuyên dùng câu nói trên sẽ khiến tâm lý của trẻ bất ổn, gặp áp lực bởi những điều mà bé vô tình gây ra. Từ đó, trẻ sẽ dần cảm thấy bản thân thật sự kém cỏi và từ bỏ việc cố gắng sửa chữa.
Trong một số trường hợp, trẻ còn có nguy cơ gặp stress, trầm cảm bởi cảm thấy tự ti trước các thành viên trong gia đình.
Với trường hợp này, thay vì buông câu nói "Con quá kém cỏi", các bậc phụ huynh nên thẳng thắn phê bình khuyết điểm của trẻ và đề xuất cách khắc phục để trẻ có thể lựa chọn.
Ngoài ra, nên tạo điều kiện để trẻ có thể sửa chữa sai lầm. Điều đó sẽ giúp trẻ có thêm sự tự tin và hiểu rằng, mọi lỗi lầm đều có thể mắc phải nhưng điều quan trọng là không trốn tránh và chấp nhận hậu quả từ sai lầm của chính mình.
2. Con hãy ra khỏi nhà ngay, đừng bao giờ về nữa
Trong các cuộc tranh luận giữa cha mẹ và con cái, khi cơn tức giận lên đến cực điểm, nhiều người tức lên nên mất bình tĩnh nói: "Con hãy ra khỏi nhà ngay, đừng bao giờ về nữa". Đây chỉ là câu nói trong lúc nóng giận nhất thời. Tuy nhiên, lời đe dọa không phải là cách phù hợp cho cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái mà chỉ khiến bầu không khí trở nên căng thẳng. Và đứa trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, không còn cảm giác an toàn khi ở nhà.
Thay vì để cuộc tranh luận kéo dài quá lâu và đi vào bế tắc, tốt hơn bạn nên đi ra chỗ khác để lấy lại bình tĩnh cho bản thân và cho cả đứa trẻ. Sau khi cơn nóng giận đã qua, cha mẹ mới nên trò chuyện với con để giải tỏa những khúc mắc.
3. Bố mẹ xấu hổ vì con
Con bạn có thể vẫn còn quá nhỏ để hiểu sự xấu hổ thực sự là gì. Cụm từ này không khiến chúng biết rõ lý do tại sao điều chúng làm là sai.
Hơn nữa, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xấu hổ có thể khiến trẻ em trở nên hung dữ hơn. Hãy cố gắng giải thích cho con bạn những gì sai và tránh lặp lại trong tương lai.
Câu nói thay thế: "Hành động của con khiến bố/mẹ khó chịu vì...".
Cách bày tỏ sự thất vọng với con cái khi làm sai một hoặc vài vấn đề nào đó sẽ làm cho các bé rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa: shutterstock
4. Bố mẹ thất vọng vì con
Nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng rằng, việc bày tỏ sự thất vọng đối với con sẽ khiến trẻ cảm thấy được lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, cách bày tỏ sự thất vọng với con cái khi làm sai một hoặc vài vấn đề nào đó sẽ làm cho các bé rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ cảm thấy bị xa lánh, không còn được cha mẹ quan tâm yêu thương. Điều này sẽ khiến các bé xuất hiện những tư tưởng mang tính chất chống đối hoặc trở nên khép mình, thậm chí là sẽ có vài suy nghĩ tiêu cực.
Theo các chuyên gia tâm lý, có rất nhiều cách có thể giúp con trẻ hiểu được cái sai của mình. Hãy chỉ ra lỗi lầm và yêu cầu các bé sửa, không tái phạm và có thể đưa ra khung hình phạt nhất định. Tuyệt đối không nhắc lại sai lầm trước đó của trẻ hay bày tỏ sự thật vọng về con.
Nên khuyến khích, động viên con đối diện với sai lầm và có trách nhiệm để sửa sai sẽ giúp các con thêm trưởng thành, có tính cách tốt trong tương lai.
5. Con nhìn chị/ em mình đi, sao con kém cỏi hơn nhiều vậy
Nhiều bố mẹ quan niệm phải lấy người khác, con nhà người ta, hoặc chị em của bé làm gương cho con. Những tưởng như vậy con sẽ có thêm động lực nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Cha mẹ nên biết mỗi đứa trẻ là một cá thể, có tính cách riêng, điều cha mẹ cần làm là khuyến khích, nâng đỡ con bước tới đam mê của mình.
Chính vì vậy, việc so sánh là không hợp lý. Đừng lấy một ai đó ra làm hình mẫu rồi bắt con mình phải noi theo. Hãy tôn trọng sở thích hay niềm đam mê của con, biến nó trở thành động lực và luôn ủng hộ bé trên hành trình của mình.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, những điều họ làm là tốt cho con cái nhưng thực chất lại là điều khiến con cảm thấy khó chịu và thực sự không tốt cho trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]