4.000 tỷ mua máy tính bảng cho HS: Đánh đố phụ huynh nghèo

Nhiều phụ huynh tại TP.HCM có con đang theo học ở các khối lớp 1, 2, 3 tỏ ra lo lắng khi nghe thông tin về đề án sách giáo khoa điện tử.

Quá sức so với thu nhập người dân

Theo dự án thí điểm sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3 mà Sở GD-ĐT TP HCM công bố, có đến 10.389 giáo viên, 6.874 phòng học và 327.127 học sinh tham gia thí điểm. Theo đó, sẽ trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính bảng bằng ngân sách TP, hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc đối tượng chính sách mỗi em một máy tính bảng, 321.793 học sinh còn lại phải tự túc kinh phí mua máy.

Nhiều phụ huynh cho rằng, ở độ tuổi của các em, việc đưa máy tính bảng vào sử dụng cần phải có sự cân nhắc chính xác từ phía các nhà quản lý.

Phụ huynh Hà Ngọc Tâm (quận 5) cho biết: “Con tôi mới học lớp 1, chữ nghĩa còn chưa rành thì làm sao biết sử dụng máy tính bảng để học". Chưa kể, lớp 1, 2, 3 là lớp mà các cháu phải rèn luyện về chữ viết, sử dụng máy tính bảng, vô tình đã làm cho các bé bỏ qua những bước cơ bản của việc này.

Phụ huynh Trần Thị H., có con học lớp 2, trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây (Bình Thạnh) lại băn khoăn về việc các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các bé: “Tôi nghe nói trẻ con nếu tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử thì có thể gây ra các chứng bệnh như béo phì, trầm cảm…, Thế nên ở nhà, tôi cũng hết sức hạn chế cho con ngồi xem tivi hay chơi game trên điện thoại. Thế mà bây giờ, Sở lại cho các cháu học hết trên máy tính bảng, vậy chẳng phải vô tình hủy hoại đi sức khỏe, tương lai của các cháu hay sao?”.

4.000 tỷ mua máy tính bảng cho HS: Đánh đố phụ huynh nghèo - 1

Với các bé mới chỉ tập đọc, tập viết, việc đưa máy tính bảng vào phục vụ cho công tác giảng dạy liệu có phải là một phương án khả thi?

Với nhiều phụ huynh, mức giá từ 3 – 5 triệu đồng để sắm một chiếc máy tính bảng, chưa kể những khoản đóng góp đầu năm là quá sức.

Phụ huynh Trương Trọng Phúc, có con học lớp 1 tại trường tiểu học Phạm Văn Chí (quận 6) chia sẻ: “Tôi làm công nhân đóng gói bao bì, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng, vậy mà giờ mấy ổng bảo bỏ ra 3 – 5 triệu mua một cái máy tính bảng để cho con đi học, như vậy chẳng phải đánh đố gia đình hay sao”.

“Các cháu còn nhỏ, hiếu động nên việc giữ gìn tài sản là rất khó. Bỏ ra mấy triệu mua máy tính, chẳng may được vài bữa hư hỏng, lại phải mua cái máy tính khác, đâu phải gia đình nào cũng sẵn tiền như vậy. Mấy ổng làm đề án, chỉ nghĩ tới mức thu nhập của người giàu chứ có nghĩ đến người thu nhập thấp như tụi tui đâu. Mà nếu không thực hiện theo, cả lớp người ta có máy tính, con mình không có, chẳng lẽ lại cho con mình nghỉ học”, phụ huynh Bùi Thị Mai (quận 6) bức xúc.

Mua máy tính có thay đổi được chất lượng giáo dục?

Phụ huynh Trần Công Tâm (quận 3) chia sẻ: “Nếu quả thực như Sở Giáo dục & Đào tạo nói, đem máy tính bảng vào giảng dạy và học tập mà chất lượng giáo dục được thay đổi theo hướng tốt hơn thì chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện. Nhưng trước hết, Sở phải chứng minh được tính khả thi của đề án, phải cho phụ huynh thấy được những cái lợi khi áp dụng phương pháp dạy và học mới này. Vì tương lai của con em, một vài triệu chúng tôi không tiếc, nhưng xin Sở đừng mang các cháu ra làm 'chuột bạch', xây dựng cho đã rồi cuối cùng lại ngưng”.

Trong khi đó, phụ huynh Hồ Hoài Khanh (quận 6) cho rằng, việc Sở áp dụng đề án này ngay trong năm học 2014 -2015, lại trên 60% số học sinh là quá vội vàng. “Tại sao không xin thí điểm ở một vài trường, nếu kết quả tốt thì mới triển khai đại trà trên toàn thành phố. 4.000 tỷ không phải là số tiền nhỏ như vài triệu hay vài trăm, cần có một sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ chứ không thể nói là làm ngay được”, anh Hồ Hoài Khanh nói.

Theo một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục, việc công luận phản ứng như thời gian qua là điều dễ hiểu. Bởi rõ ràng, đề án trên là không thích hợp với thu nhập kinh tế của rất nhiều gia đình. “Thu nhập 1 tháng của họ chỉ 5 -6 triệu đồng, vậy mà bắt bỏ ra 3 -5 triệu để mua máy tính bảng, chưa kể các khoản phí khác đầu năm học thì quả là một điều vô lý, ít ai chấp nhận được”.

Vị chuyên gia này cũng đặt giả thiết, nếu như máy tính bảng được cho không hoặc cung cấp với giá rẻ, nếu như mọi thứ hư hỏng được nhà nước hỗ trợ thì có lẽ người ta đã không phản đối mạnh mẽ như thế này. “Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế từ nhiều nước đã áp dụng đưa máy tính bảng vào trường học như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… cho thấy, rõ ràng việc thực hiện đề án này không phải dễ dàng như cái cách người ta đã nói trong hội nghị vừa qua”. Muốn thay đổi chất lượng giáo dục, điều đầu tiên phải thay đổi chính là phương thức và tư duy giảng dạy trong nhà trường cũng như cha mẹ học sinh.

“Hiện nay, nhà trường vẫn quá chú trọng đến việc nhồi nhét kiến thức mà quên đi việc dạy cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh. Cha mẹ thì cũng không muốn con cái mình thua kém bạn bè, vô tình đã đẩy các em vào một cuộc đua tri thức. Trang bị một chiếc máy tính bảng, các em có thể nhẹ được vài ki lô gam gánh nặng sách vở trên lưng, nhưng gánh nặng tri thức, liệu các em có nhẹ được khi nguồn gốc cơ bản của vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”, vị chuyên gia nghiên cứu về giáo dục nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN