38 cụm thi đại học: Choáng ngợp trước quy mô kỳ thi
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, đại diện nhiều trường nói với PV rằng quy mô kỳ thi quá lớn, chưa chủ động được số thí sinh.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm học 2014 . Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐH Bách khoa Hà Nội, theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo, là trường khá tự tin khi được giao một cụm thi cũng “ngợp” trước khối lượng công việc. Năm nay, ĐH Bách khoa được giao tổ chức thi cho 25.000 thí sinh của một quận của Hà Nội và tỉnh Nam Định.
Gần đây, trường này mới tổ chức thi cho 19.000 thí sinh. Trong kỳ thi quốc gia này, ngoài việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi, ĐH Bách khoa phải lo chỗ ăn ở cho khoảng 4.000 thí sinh.
Ông Phong Điền cho biết, ĐH Bách khoa lo được 3.000 chỗ, còn lại phải nhờ trường bạn. Một trong những khó khăn trong công tác tổ chức thi là chưa biết thí sinh ở Nam Định lên bao nhiêu người, song ĐH Bách khoa đã dự kiến thuê địa điểm của các trường bạn như: ĐH Xây dựng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Ông Phong Điền cho biết, ĐH Bách khoa sẽ cân nhắc và không sử dụng sinh viên coi thi; việc chấm thi, ngoài chấm máy bài thi trắc nghiệm, các môn Toán, Lý, Hóa sẽ do ĐH Bách khoa đảm nhiệm; các môn khác, trường sẽ mời giáo viên các trường tham gia chấm.
Quy mô kỳ thi quá lớn
Đó là cảm nhận của ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM. Ông Nghĩa cho biết, đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM chưa có thông tin gì về nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, ông Nghĩa hình dung, một khối lượng công việc lớn sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phân công của Bộ GD&ĐT, của Ban chỉ đạo thi TPHCM. Cũng như nhiều nhà tuyển sinh nêu ý kiến, ông Nghĩa nói: Quy mô kỳ thi sẽ lớn hơn mọi năm rất nhiều vì toàn bộ thí sinh chỉ tập trung vào 1 đợt thi duy nhất (mọi năm quy mô được sẻ ra cả 3 đợt: đợt 1, 2 và CĐ). Các trường sẽ vất vả hơn trước rất nhiều, một nhà tuyển sinh nói, do số môn thi nhiều, cơ cấu phức tạp, thí sinh nhiều, thi liên tiếp trong 4 ngày, công việc cấp tập trong 1 đợt… Có nhiều trường khó khăn vì đây là lần đầu tiên được phân công sao in đề thi. Chưa làm bao giờ, chưa có kinh nghiệm, sơ suất một chút là ảnh hưởng đến cả nước. Chấm thi quy mô lớn như thế ai chấm, chấm thế nào; phải quản lý và mất thời gian tìm cách chấm đồng nhất…
Hàng loạt câu hỏi đối với kỳ thi năm nay đang làm các nhà tuyển sinh không khỏi đau đầu: Năm nay số lượng hồ sơ được chuyển về với số lượng lớn, làm sao để đảm bảo độ chính xác; nhiều vấn đề chưa rõ ràng mà Bộ mới tung ra như: ma trận đề thi, đề cương thi…
“Thầy cô giáo các trường hỏi về ma trận đề thi và đề cương để ôn tập cho thí sinh, nhưng tôi cũng chưa biết trả lời thế nào”, một nhà tuyển sinh phía Nam tâm sự. Các nhà tuyển sinh cũng băn khoăn về vấn đề tài chính: Không biết thu có đủ chi không?