34 nghìn tỷ đồng đổi mới SGK tiêu vào việc gì?
Với kinh phí dự tính 34.275 tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình, SGK trong vòng 10 năm tới, theo nhiều chuyên gia, cần phải làm rõ con số này bởi nếu tiếp tục làm như cách hiện hành thì vừa tốn kém, lại vừa không hiệu quả.
Dự thảo đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015 bắt đầu được Bộ GD&ĐT đưa ra công luận từ tháng 6/2011. Trong phần VI của dự thảo (tổ chức thực hiện), Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến kinh phí là 70.000 tỷ đồng.
Con số dự kiến kinh phí này đã gây sốc trong dư luận khiến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (hồi đó còn là Chánh Văn phòng) đã phải gửi công văn tới các báo để giải thích tiền chi cho việc biên soạn chương trình, SGK chưa đầy 1/70 tổng dự toán - tức chỉ khoảng hơn 960 tỷ đồng. Hầu hết số tiền “khái toán” dành cho xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học.
Một năm rưỡi sau, từ tháng 11/2013, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đưa ra công luận phiên bản mới dự thảo đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015.
Từ phiên bản tháng 11/2013 cho đến phiên bản trình UB Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) hôm qua (14/4) đều hoàn toàn vắng bóng nội dung dự toán kinh phí, dù cấu trúc dự thảo vẫn còn mục “Tổ chức thực hiện đề án”.
Trao đổi với Tiền Phong trước khi Bộ GD&ĐT trình bày đề án trước UB TVQH, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm: “Một đề án bao giờ cũng kèm theo dự toán kinh phí mà kinh phí ấy một mặt phải đảm bảo đủ để thực hiện các nội dung yêu cầu, mặt khác phải trong khả năng cung cấp của nhà nước.
Nếu một trong hai điều kiện đó không đáp ứng được thì đề án không khả thi bởi hoặc là anh đặt ra một nội dung quá lớn mà không có tiền để thực hiện, hoặc anh đòi hỏi một lượng tiền khá lớn mà ngân sách không đủ khả năng”.
Tiền chi vào những khoản gì?
Theo nhiều chuyên gia, việc Bộ GD&ĐT đặt vấn đề chạy theo “thông lệ quốc tế” là 5 - 7 năm thay đổi chương trình, SGK cần phải xem lại khi chúng ta vẫn là một nước nghèo. Hơn nữa, lấy gì đảm bảo để Bộ GD&ĐT không đi vào vết xe đổ của lối “ăn đong” trong việc làm chương trình biên soạn SGK như cách đã làm với bộ sách hiện hành?
“Sách được biên soạn theo cơ chế dự án, cứ đủ chứng từ là được giải ngân. Nhiều khi chúng tôi buộc phải cho qua khi thẩm định dẫu cuốn sách chưa đạt yêu cầu bởi nếu không thẩm định học sinh không có sách mà học”, một chuyên gia từng tham gia thẩm định SGK chia sẻ.
Một tác giả SGK toán cấp THPT cũng cho biết ông từng được tham quan, học hỏi cách viết SGK ở nước ngoài năm 2007 trong khi SGK đã được viết xong từ giai đoạn 2005 - 2006: “Hình như dự án họ không quan tâm lắm tới hiệu quả công việc mà chỉ quan tâm tới việc có tiêu được tiền không. Cá nhân tôi sau khi đi về thì thấy tiếc, giá như mình được đi sớm hơn!”, vị TS này nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng băn khoăn không hiểu lượng tiền lớn đổ vào các khâu nào chứ tiền thù lao cho các tác giả, cho các thành viên hội đồng thẩm định chắc chắn rất ít.
Ví dụ, có Phó GS vốn dĩ là một học giả rất sắc sảo của một trường ĐH được giao viết hai tiết khái quát về văn học Việt Nam. Vị Phó GS này đã phải sửa đi sửa lại bài viết tới 6 lần trong khi thù lao được trả là 300.000 đồng/tiết. Cũng thời điểm đó (khoảng năm 2005 – 2006), nhuận bút cho một bài đăng trên một tạp chí văn học là 1.000.000 đồng.
GS Thuyết kể: “Cách làm của mình rất máy móc nên hội đồng nào thẩm định càng kỹ hội đồng đó càng thiệt. Với bộ SGK THPT Ngữ văn chúng tôi thẩm định đến 3 vòng trong khi tiền chỉ chi cho 2 vòng. Thế nên mới có thảm cảnh các ủy viên hội đồng thẩm định phải nằm nghỉ trưa trên các băng ghế ngoài hành lang vì không có kinh phí thuê phòng nghỉ.