30 điểm vẫn trượt đại học: Bất cập tính điểm ưu tiên và “ma trận” tiêu chí phụ
Có những thí sinh nữ dù đạt điểm tuyệt đối (30 điểm) song vẫn không đỗ vào một số ngành của các trường Công an, hay việc một số thí sinh dù đạt 29,35 và 29,35 điểm vẫn “trượt” vào ngành Bác sĩ đa khoa.
Ngoài việc điểm chuẩn của một số trường top đầu cao kỷ lục, mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 còn xuất hiện tình huống khá “lạ” so với trước là có những thí sinh nữ dù đạt điểm tuyệt đối (30 điểm) song vẫn không đỗ vào một số ngành của các trường Công an, hay việc một số thí sinh dù đạt 29,35 và 29,35 điểm vẫn “trượt” vào ngành Bác sĩ đa khoa do “thua” về tiêu chí phụ, điểm làm tròn hoặc điểm ưu tiên khu vực.
Những tình huống trên đã đặt ra nhiều điều phải suy ngẫm về cách thức xây dựng tiêu chí phụ, chính sách cộng điểm ưu tiên và đặc biệt là chuyện đề thi năm nay đã thực sự chuẩn hóa đủ để phân loại thí sinh trong xét tuyển?
Học sinh thành phố “thua” vì không có điểm ưu tiên
Theo thống kê sơ bộ về kết quả thi THPT quốc gia năm 2017, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, có 13 em đạt điểm 30, trong đó khối A có 3 thủ khoa, khối B có 10 thủ khoa, các khối còn lại không có em nào.
Điều này cho thấy, việc các thí sinh có điểm số trên 30 là do đã được cộng điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng. Trong đó, điểm ưu tiên dao động trong khoảng từ 0,5 đến 3,5 điểm. Vì vậy, việc một số trường lấy điểm chuẩn 30,5 điểm là đã bao gồm điểm ưu tiên và lý do một số thí sinh nữ đạt 30 điểm, thậm chí là 30,5 điểm song vẫn trượt nguyện vọng 1 là do không cạnh tranh được với các thí sinh khác về điểm ưu tiên và tiêu chí phụ.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi online tại Trung tâm luyện thi Hocmai.vn cho biết: Trong những ngày qua, ông đã nhận được hàng chục tin nhắn của học sinh chia sẻ về việc các em bị trượt nguyện vọng một khi đạt 28, 29 điểm do “thua” các bạn khác về điểm ưu tiên và tiêu chí phụ.
Ông Ngọc cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng còn một nửa để tạo sự công bằng. Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, 1 điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một, tổng mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.
“Hiện tại, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh, thành đã có nhiều đổi khác. Các em có thể học trực tuyến qua Internet, thi cử được tổ chức ở các địa phương khiến khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn được thu hẹp. Do vậy, nếu nhà nước vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại thì các thí sinh ở khu vực 3, thuộc các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực không được cộng điểm ưu tiên, sẽ khó có cơ hội tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như Quân đội hay ngành Y đa khoa do không cạnh tranh được với các thí sinh khu vực khác về điểm ưu tiên”, ông Ngọc đặt vấn đề.
Ngoài những băn khoăn về điểm cộng ưu tiên, ông Ngọc còn cho biết, tiêu chí phụ năm nay cũng rối rắm như “ma trận” khi có trường đặt ra tới 3, 4 tiêu chí phụ khác nhau. Thậm chí, một số trường còn không thông báo trước về việc sử dụng tiêu chí phụ nên đã khiến học sinh và phụ huynh rơi vào bị động.
Một số trường dù có thông báo trước nhưng đến khi diễn ra xét tuyển, chính các trường cũng không ngờ phải sử dụng cùng một lúc nhiều tiêu chí phụ đến như vậy.
“Bộ GD&ĐT nên đặt ra các nguyên tắc nhất định khi đặt ra tiêu chí phụ, tránh tình trạng cùng một nhóm ngành đào tạo ở các trường lại có tiêu chí phụ khác nhau như năm nay”, ông Ngọc đề xuất.
Việc thí sinh đạt 30 điểm song vẫn trượt nguyện vọng 1 đã đặt ra nhiều suy nghĩ về đề thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa.
Đề thi chưa thực sự chuẩn hóa
Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, việc một số trường top đầu phải sử dụng tiêu chí phụ, thậm chí có trường phải dùng đến 4 tiêu chí phụ để “loại” bớt những thí sinh trên 29 điểm như trong mùa tuyển sinh năm nay chứng tỏ đề thi chưa thực sự chuẩn hóa. Bởi thực tế cho thấy, nếu đề thi chuẩn hóa, phân loại được thí sinh tốt thì các trường sẽ không phải đặt ra nhiều tiêu chí phụ đến như vậy.
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh Hiệp hội các trường ĐH-CĐ cho rằng: Để nhìn nhận đề thi có đạt tiêu chuẩn hay không, phải dựa vào phổ điểm. Phổ điểm dạng hình chuông úp xuống, đều cả 2 bên thể hiện tính chuẩn mực của đề thi và là dấu hiệu chỉ ra đó là đề thi tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, nhìn qua phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017 cho thấy, phổ điểm hầu hết các môn thi đều không đạt đối xứng, thậm chí là méo mó. Đơn cử như môn Giáo dục công dân, đỉnh phổ điểm lệch hẳn về bên phải, trong khi đó, môn Tiếng Anh lại lệch về bên trái. Đây là dấu hiệu chứng tỏ đề thi năm nay chưa phải đề thi tiêu chuẩn. Quá trình chuẩn bị ngân hàng đề thi chưa được trọn vẹn.
Nếu đề thi chuẩn bị tốt hơn và được thử nghiệm trên 1 lượng học sinh đông đảo thì chắc kết quả sẽ khác, sẽ không có chuyện gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp hay các trường phải sử dụng quá nhiều tiêu chí phụ để loại bớt thí sinh điểm cao như hiện nay.
Cũng theo ông Khuyến, do đề thi năm nay chưa thực sự chuẩn hóa, việc phân loại thí sinh còn hạn chế nên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mới chỉ đáp ứng và thuận tiện cho các trường ở top giữa và top dưới.
Còn đối với những trường top trên, có thương hiệu, đòi hỏi chất lượng đầu vào cao thì nên xem xét lại. Hiện nay, tại một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, các trường top trên sẽ tổ chức thêm một kì thi sát hạch riêng với đề bài kiểm tra riêng chứ không chỉ hoàn toàn dựa vào điểm thi THPT quốc gia. Nếu làm như vậy, các trường sẽ không phải tìm đến “ma trận” tiêu chí phụ để “cản” bớt thí sinh có cùng một mức điểm cao như hiện nay mà vẫn có thể chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.
“Theo luật giáo dục ĐH, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các trường, Bộ GD&ĐT hoàn toàn không cấm, chỉ là các trường chưa mạnh dạn làm mà thôi”, ông Khuyến cho biết.
Mùa tuyển sinh 2017, dư luận vẫn chưa xôn xao vì câu chuyện đầy nghịch lý, 30 điểm trượt ĐH vì tiêu chí phụ, vì cộng...