3 việc làm của cha mẹ dễ khiến họ mất uy quyền trước mặt con cái
Những việc làm này của cha mẹ khiến con cái không còn tôn trọng và nghe theo lời cha mẹ nói nữa.
Trên thực tế có không ít những trường hợp con cái dùng vũ lực với cha mẹ khi còn rất nhỏ tuổi. Điều này cho thấy những đứa trẻ này không coi cha mẹ mình ra gì, và nó phần nào thể hiện rõ sự thất bại trong cách giáo dục của cha mẹ.
Cha mẹ luôn có một quyền lực nhất định trước mặt con cái, dù trẻ có bất mãn tới đâu cũng không được thô bạo hay ăn nói hỗn láo với người sinh ra mình.
Cái gọi là quyền hạn của cha mẹ không chỉ đơn giản đề cập đến sự sợ hãi của đứa trẻ đối với cha mẹ, mà là sự tôn trọng của đứa trẻ đối với cha mẹ. Tuy nhiên, có 3 việc làm phổ biến ở cha mẹ khiến quyền uy này dần mất đi và dẫn tới việc trẻ có hành vi hỗn láo.
1. Lời nói và hành động không nhất quán
Cha mẹ nào cũng muốn con mình sau này trở thành người tài nên ngay từ nhỏ đã dạy trẻ phải biết các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử và yêu cầu chúng phải tuân theo.
Khi đưa con đi chơi, cha mẹ luôn nói với con: “Hãy lịch sự với người khác”. Cha mẹ cũng luôn yêu cầu con mình phải chủ động chào người khác.
Thế nhưng khi ở nhà, cha mẹ lại hiếm khi chào hỏi và tôn trọng người lớn tuổi. Cha mẹ ép con mình chào hỏi người khác và cũng phớt lờ tâm trạng của chính đứa trẻ.
Sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của cha mẹ dẫn tới việc trẻ không biết lễ phép với người lớn.
Vì muốn con cái học tập tốt hơn, một số cha mẹ thường xuyên nói với con mình rằng: “Rảnh rỗi thì con đọc nhiều sách vào, đừng có lãng phí xem TV hay nghịch điện thoại nữa”.
Thế nhưng, họ lại không bao giờ rời khỏi cái điện thoại của mình, thậm chí vừa xem điện thoại, vừa la mắng con học bài.
Có một đứa trẻ hỏi cha mình rằng: “Bố nói với con dùng điện thoại không tốt tại sao lại ôm nó cả ngày”. Thay vì đưa ra một lời giải thích hợp lý, người bố thô lỗ nói với con: “Bố là người lớn còn con chỉ là một đứa trẻ”.
Nếu những gì cha mẹ nói với con cái không nhất quán với hành vi, trẻ sẽ khó vâng lời cha mẹ.
Và những cảnh như thế này đâu đâu cũng thấy, nhưng những bậc cha mẹ như vậy làm sao được con cái tin tưởng? Vì không có lòng tin nên con cái không muốn nghe lời cha mẹ nữa và họ dần mất đi uy quyền của mình trước mặt con.
2. Thường xuyên không giữ lời hứa dù cố ý hay vô ý
Trong cuộc sống, cha mẹ thỉnh thoảng cũng sẽ không giữ lời hứa, có thể là để đối phó với một số tình huống nhất thời, đôi khi cũng là nguyên nhân khách quan.
Có một người mẹ được con mình đặt cho biệt danh là “kẻ nói dối”. Nguyên nhân là bởi cứ mỗi lần con bám mẹ, cô sẽ nói “con ở nhà một lúc, mẹ có việc bận ra ngoài một lúc rồi trở về chở con đi chơi nha”.
Đứa trẻ có lúc nhớ lúc quên, khi thấy đứa con nhớ tới lời hứa của mình, người mẹ lại nói: “Trời tối rồi, sân chơi đóng cửa rồi, con ngoan ngoãn ngủ đi, sáng mai mẹ đưa con đến đó”. Nhưng sáng mai đứa trẻ còn chưa dậy, người mẹ đã đi làm mất.
Vì quá nhiều lần thất hứa với con cái nên đứa trẻ dần không tin tưởng và xa lánh người mẹ.
Đôi khi, những lời hứa của cha mẹ đối với con cái thực sự không phải do chủ quan của họ không thực hiện được, mà là những lý do khách quan. Chẳng hạn, ban đầu định đưa các con đi chơi cuối tuần, nhưng công ty đột xuất có việc gấp, cần tăng ca nên chuyện đi chơi chỉ có thể gác lại. Lúc này, cha mẹ phải giải thích hợp lý cho trẻ hiểu tại sao không thể đi và bù đắp thứ gì khác khiến trẻ vui.
Cha mẹ không giữ lời hứa là sự lừa dối trong mắt trẻ thơ. Có thể cha mẹ thỉnh thoảng nói dối và đưa ra những lời giải thích hợp lý thì không sao, nhưng một khi lạm dụng điều này, họ sẽ trở thành người không đáng tin cậy trong lòng con cái. Làm thế nào một bậc cha mẹ không đáng tin cậy có thể có uy quyền trước mặt con cái của họ?
3. Liên tục thay đổi các quy tắc
Một số cha mẹ đặt ra các quy tắc với con cái nhưng lại dễ dàng thay đổi theo ý muốn và tâm trạng của mình.
Một người mẹ ban đầu đồng ý cho con xem TV chỉ nửa tiếng mỗi ngày, nhưng trẻ thỉnh thoảng lại muốn xem TV nhiều hơn một chút, điều này còn tùy thuộc vào tâm trạng lúc đó của người mẹ như thế nào. Khi tâm trạng tồi tệ, người mẹ sẽ quát mắng con, khi vui vẻ thì dễ dàng đồng ý.
Trẻ em không biết khi nào chúng có thể và khi nào chúng không thể trước những quy tắc, chúng chỉ có thể hành động bằng cách quan sát phản ứng của cha mẹ mình.
Các quy tắc được đặt ra nhằm mục đích muốn tốt cho một đứa trẻ nên buộc chúng phải tuân thủ theo. Trong một số trường hợp đặc biệt, quy tắc có thể thay đổi nhưng cần có lý do chính đáng.
Cha mẹ thay đổi quy tắc theo ý mình một cách quá dễ dàng và thô lỗ, chắc chắn sẽ không có được sự tin tưởng và tôn trọng của con cái. Quyền hành của cha mẹ nhất định bị mất đi trong những "thay đổi đột xuất" của chính họ. Trẻ em cũng có thể làm theo hoặc không theo quy tắc cha mẹ đặt ra và làm bất cứ điều gì chúng muốn.
Việc dùng đòn roi khi dạy dỗ con cái chưa bao giờ là phương pháp hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]