3 phương pháp rèn EQ cho con mà cha mẹ không thể bỏ qua, bởi nghiên cứu chỉ ra rằng, EQ càng cao, thu nhập càng khủng

Sự kiện: Dạy con
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp các yếu tố như giới tính, tuổi tác, giờ làm việc và vị trí làm việc.

Tác động của chỉ số EQ đến thu nhập

Trong công việc, chúng ta luôn nỗ lực phát triển bản thân và phấn đấu đạt được thành tích đáng kể. Nhưng trong giới kinh doanh, mọi người thường bị cuốn vào guồng quay của công việc mà quên đi mất nội tại bên trong. Tất cả những phát hiện đó được rút ra từ một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hành Vi Tổ Chức.

EQ là khả năng nhận biết và quản lý chính xác cảm xúc của bạn trong khi kết nối với người khác ở mức độ cảm xúc.

EQ là điều cần thiết nếu chúng ta muốn xây dựng các mối quan hệ thành công trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống.

Tassilo Momm và Gerhard Blickle đã tiến hành nghiên cứu về chủ đề này tại Đại học Bonn. Họ đi đến kết luận rằng những nhân viên sở hữu EQ cao thường có khả năng đọc được cảm xúc và tâm trạng của đồng nghiệp hơn những nhân viên có EQ thấp. Điều này cho phép họ kết nối tình cảm với người khác và có thu nhập cao hơn trong công việc.

Kết luận của Tassilo Momm và Gerhard Blickle cũng tương đồng với đa phần nghiên cứu khác, rằng những nhân viên sở hữu trí tuệ cảm xúc cao có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn, bất chấp các yếu tố như giới tính, tuổi tác, giờ làm việc và vị trí làm việc.

Một cuộc khảo sát do TalentSmart thực hiện cho thấy: “90% những người làm việc hiệu quả đều có trí tuệ cảm xúc cao, với thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn". Ảnh minh họa

Một cuộc khảo sát do TalentSmart thực hiện cho thấy: “90% những người làm việc hiệu quả đều có trí tuệ cảm xúc cao, với thu nhập trung bình mỗi năm cao hơn". Ảnh minh họa

Nhà tâm lý học người Mỹ - Daniel Goleman, cũng chỉ ra rằng EQ quan trọng không kém IQ. Theo giải thích của ông, khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình và nhận ra cảm xúc của người khác, đặc trưng cho trí thông minh thậm chí còn chính xác hơn cả bài kiểm tra IQ.

Nhân viên có chỉ số EQ cao sẽ hiệu quả hơn khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng tại nơi làm việc. Điều này là do những người có EQ cao có thể điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình để phù với từng hoàn cảnh. Trong những lúc khó khăn, sự linh động là điều quan trọng hơn cả.

Chưa dừng lại ở đó, khéo léo quản lý cảm xúc đặc biệt quan trọng đối với người ở cấp bậc lãnh đạo. Trí thông minh cảm xúc cao cho phép người quản lý hiểu cách người khác nhìn nhận về bản thân mình, nhận ra cảm xúc của cấp dưới và từ đó quản lý xung đột một cách hiệu quả.

Hãy tăng cường chỉ số EQ cho con ngay từ khi còn nhỏ

Đại học Harvard kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%.

Các nhà nghiên cứu xác định, trí tuệ cảm xúc bao gồm năm khía cạnh: khả năng nhận biết cảm xúc, khả năng quản lý cảm xúc của chính mình, khả năng chịu đựng thất bại, khả năng hiểu được cảm xúc của người khác và khả năng quản lý các mối quan hệ giữa các cá nhân.

Nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ (chỉ số thông minh). Trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại...

Cha mẹ nào cũng muốn nuôi dạy con cái có trí tuệ cảm xúc cao. Trẻ vẫn nhỏ và hành vi, tính cách của chúng chưa được định hình hoàn toàn, chỉ cần bố mẹ nắm vững phương pháp và có chủ ý thực hành, EQ cũng có thể được trau dồi.

Đại học Harvard kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%. Ảnh minh họa

Đại học Harvard kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%. Ảnh minh họa

1. Dạy trẻ đối phó với cảm xúc

Nhà tâm lý học người Mỹ, tiến sĩ John Gottman cho rằng có 3 hành vi không có lợi cho việc phát triển EQ: Bỏ qua những cảm xúc tiêu cực của trẻ; không hài lòng với những cảm xúc tiêu cực, thậm chí buộc tội hoặc trừng phạt cảm xúc đó và cuối cùng là chấp nhận những cảm xúc tiêu cực, nhưng không hướng dẫn trẻ đối phó với cảm xúc đó.

Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ nên chấp nhận cảm xúc đó và hướng dẫn trẻ cách xử lý. Ví dụ, khi trẻ đang khóc, hãy đồng cảm với cảm xúc buồn bã của chúng: "Bố mẹ biết con buồn, bố mẹ có thể giúp gì cho con?"

Khi trẻ tức giận, hãy tìm hiểu ngọn nguồn cơn giận của con, nói chuyện để trẻ biết bố mẹ hiểu cảm xúc của chúng. Nên sử dụng "Ừ", "Ồ" và "xin lỗi" khi giao tiếp để xoa dịu trái tim và giải phóng cảm xúc tiêu cực của trẻ.

2. Trau dồi thái độ lạc quan cho trẻ

Trên thực tế, lạc quan là chìa khóa quan trọng nhất với một đứa trẻ có EQ cao. Nguyên do là chỉ có lạc quan trẻ mới có thể đối mặt với mọi vấn đề chủ động hơn, có khả năng chống thất vọng tốt hơn, không dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường và có tinh thần tự khuyến khích bản thân.

Các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên nuôi dưỡng sự lạc quan của trẻ em bao gồm óc hài hước và trí tưởng tượng.

Ví dụ, để trẻ dọn đồ chơi, bố mẹ có thể nói: "Chiếc xe của con đang rất nhớ nhà đó"; "Các khối lego này đều đang buồn ngủ, đã đến giờ về nhà ngủ rồi"; "Bút và nắp bút là những người bạn tốt, hãy để chúng ôm nhau nào"...

Ngoài ra bố mẹ có thể cùng con đọc "câu thần chú": "Không sao đâu" để con đủ tự tin đối mặt với khó khăn.

3. Tạo cơ hội để trẻ giao tiếp với nhau

Nhiều cha mẹ lo lắng con mình nhỏ, dễ bị tổn thương nên luôn giữ con ở nhà và bao bọc quá mức.

Tuy nhiên, "Bách khoa toàn thư về nuôi dạy con cái" của Mỹ đã chỉ ra: "Cách tốt nhất để một đứa trẻ học cách hòa đồng với mọi người là có được nhiều cơ hội học tập. Cha mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác."

Trẻ em có thể ồn ào, nhưng chúng cũng có thể học khả năng giải quyết xung đột, đoàn kết và hợp tác, giao tiếp và phối hợp trong "thực chiến".

Tất nhiên, cha mẹ cũng nên chú ý quan sát biểu hiện của con và hướng dẫn trẻ sau đó, chẳng hạn như: Dạy con phép lịch sự, dạy trẻ chia sẻ, dạy trẻ xếp hàng...

Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Trên con đường trưởng thành, hãy để trí tuệ xúc cảm cao giúp trẻ dũng cảm mở cánh cửa ra thế giới.

Ngày nay, nhiều người đã nhận ra việc phát triển chỉ số trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là EQ cũng quan trọng không kém chỉ số IQ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN