3 dạng thức trắc nghiệm sẽ được sử dụng trong đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Với các môn thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT cho biết có tối đa 3 dạng thức câu hỏi được sử dụng đề thi, khác với từ trước đến nay chỉ có 1 dạng thức.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong số 4 môn thi (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) thì môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm dạng Đúng/Sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Thứ nhất là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (đã được áp dụng nhiều năm tại Việt Nam). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này, các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.
(Ảnh minh hoạ từ Internet)
Thứ hai là câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Thứ ba là câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Đề thi mới sẽ phải đánh giá được kiến thức, năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu kiểm tra đánh giá của Chương trình GDPT 2018.
Nguồn: [Link nguồn]